Xã hội

Bắc Bộ lại mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Từ ngày 24/7, Bắc Bộ có mưa to diện rộng, khả năng gây ra đợt lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.

TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trao đổi với VnExpress về tình hình mưa lũ ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. 

- Vì sao từ 13/7 đến nay miền Bắc và Bắc Trung Bộ liên tục mưa to?

- Từ giữa tháng 7, dải hội tụ nhiệt đới trên bắc biển Đông hoạt động mạnh. Đây là hình thái gây mưa ngắt quãng thành từng đợt trong ngày và kéo dài nhiều ngày. Trên dải hội tụ nhiệt đới, các vùng áp thấp dễ dàng hình thành. Chúng sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão khi gặp điều kiện thuận lợi. 

Trong tháng 7, nhiều cơn bão và một áp thấp nhiệt đới đã hình thành liên tiếp trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua Bắc Bộ và bắc biển Đông, trong đó có một cơn bão và một áp thấp nhiệt đới đã ảnh hưởng đến Việt Nam.

Bắc Bộ lại mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia). Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường

- Biển Đông lại đang có một áp thấp nhiệt đới gần bờ, đường đi rất lạ, từ đất liền ra biển, trong khi quy luật thông thường là từ biển vào đất liền. Điều này được giải thích thế nào thưa ông?

- Từ khi dải hội tụ nhiệt đới hình thành trên bắc biển Đông, có hai áp thấp nhiệt đới được hình thành với đường đi như vậy. Việc di chuyển của các vùng áp thấp cũng như áp thấp nhiệt đới và bão trên dải hội tụ nhiệt đới bị chi phối bởi hoàn lưu khí quyển ở các độ cao (các lớp khí quyển) khác nhau.

Áp thấp nhiệt đới và bão khi trên biển sẽ mạnh hơn do được cung cấp năng lượng bởi nguồn ẩm vô tận từ đại dương, khi trên đất liền sẽ suy yếu. Do đó, vùng áp thấp di chuyển từ đất liền ra biển thì thường sẽ mạnh lên, đây cũng là điều hợp quy luật.

Bắc Bộ lại mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới - 1
Ảnh vệ tinh cho thấy dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh với nhiều xoáy thấp. Ảnh: NCHMF.

- Hôm qua, cơ quan khí tượng dự báo một vùng xoáy thấp có xu hướng dịch chuyển về phía vịnh Bắc Bộ, khả năng mạnh lên và gây ra đợt mưa kỷ lục như năm 2015 ở Quảng Ninh. Đến nay, nguy cơ đó như thế nào thưa ông?

- Hôm nay, mưa giảm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và còn tiếp tục giảm trong ngày đầu tuần. Tuy nhiên, khả năng xảy ra mưa to đến rất to ở Bắc Bộ vẫn còn, do áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ hiện tại được dự báo sẽ đi vào phía nam Trung Quốc, hoàn lưu của nó có thể bị đẩy về phía Bắc Bộ, gây mưa to diện rộng từ ngày 25/7, với trọng tâm mưa là các tỉnh Đông Bắc (gồm Quảng Ninh), vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc. 

- Vậy tình hình lũ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong mấy ngày tới sẽ thế nào?

- Lũ ở Bắc Bộ đang xuống. Đợt mưa tiếp theo ở Bắc Bộ có khả năng gây ra một đợt lũ nữa ở Bắc Bộ từ khoảng sau ngày 24/7. Cần lưu ý mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi phía Bắc bởi khu vực này sẽ là trọng tâm của đợt mưa tới.

Với Bắc Trung Bộ, lũ đang xuống chậm. Mùa lũ năm 2018 trên các sông Trung Bộ chưa có dấu hiệu bất thường và khả năng cao sẽ thấp hơn năm 2017.

- Cơ quan khí tượng dự báo thế nào về mùa mưa năm nay ở miền Bắc, miền Trung?

- Mùa mưa 2018 đến giống như trung bình nhiều năm, song có khả năng kết thúc sớm hơn do ảnh hưởng của El Nino xuất hiện vào cuối năm nay. Bắc Bộ đang ở cao điểm mùa mưa, là nửa cuối tháng 7 sang tháng 8, sau đó giảm dần từ tháng 9 trong khi Bắc Trung Bộ cao điểm sẽ vào tháng 8, nửa đầu tháng 9.

Dự báo đến tháng 10, hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang pha El Nino. Các mô hình dự báo đến thời điểm này cho thấy, xác suất El Nino lên tới 60-70%. Đến tháng 12/2018, El Nino sẽ tác động đến khí hậu nước ta. Những năm có El Nino, mùa mưa thường kết thúc sớm, mùa đông ấm. Khu vực phía nam, mùa khô có khả năng thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn.

Về nắng nóng, có thể nói nắng nóng đỉnh điểm ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã qua. Do Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã vào giữa mùa mưa nên nắng nóng có thể tái diễn song không dài, không gay gắt như đợt đầu tháng 7.

Từ ngày 13 đến 21/7, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa lớn. Các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã bị ngập sâu. Các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị sạt lở đất, lũ quét. 

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 17h ngày 21/7, mưa lũ đã làm 20 người chết, 16 người mất tích và 14 người bị thương, tập trung ở Yên Bái, Thanh Hóa, Sơn La...

Mưa lũ cũng làm hơn 100 nhà sập, trôi; hơn 1.100 nhà hư hỏng; ngập trên 4.000 nhà. Trên 82.000 ha lúa và hoa màu; gần 17.000 gia súc, gia cầm chết; nhiều tuyến giao thông sạt lở, hư hại...

Theo Xuân Hoa (VnExpress.net)