Xã hội

'Bà chúa' Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Giấc mơ Ả Rập

Pha Ti (Fatimah) là một phụ nữ có đôi mắt to, hàng lông mi dày, dày và cái nhìn hoang dại. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Pha Ti nói giọng lờ lợ, không rõ chữ, nó khiến cho cuộc trò chuyện mang một âm sắc khá đặc biệt.

Trong chiếc khăn trùm đầu Muột - Toak che một phần tóc, cổ gáy cùng bộ đồ truyền thống với chiếc áo tay dài và chiếc váy chấm đất, nhìn cô vừa toát lên một nét vừa quyền lực bí ẩn, lại vừa có gì đó rất xa xôi... Thỉnh thoảng chỉnh lại vành khăn để tóc không lọt ra ngoài, Pha Ti từ tốn nói về chuyến đi đầy hứa hẹn sang xứ sở ngàn lẻ một đêm...

Thủy đang gặp khó khăn về mặt tài chính và muốn tìm một công việc ổn định, cô được Hồng là một người quen, phụ quán cà phê cóc nằm trên đường Nguyễn Văn Lạc (Q. Bình Thạnh) giới thiệu đến gặp Pha Ti với lời hứa hẹn hấp dẫn: Chị này quan hệ rộng lắm, chị ấy giới thiệu cho cả trăm người đi xuất khẩu rồi, về xây nhà mua xe quá trời luôn. Hơi chần chừ, Thủy rủ tôi đi cùng. Chưa đầy năm phút sau, Pha Ti đã xuất hiện. Tôi quay qua hỏi Hồng: Hình như chị này không phải người Kinh? Tên chị ấy nghe cũng ngộ ngộ. Hồng nói ngay: Đúng rồi! Chị ấy người Chăm, Hồi giáo. Chính vì như vậy nên chị ấy mới được chủ đường dây bên kia tin dùng vì Ả Rập là đất nước Hồi giáo. Giữa những người cùng đạo luôn có sự gắn kết thân thiết hơn so với những người không cùng đạo.

'Bà chúa' Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Giấc mơ Ả Rập
Giấc mơ Ả Rập.

Pha Ti ngồi xuống. Chị ta kêu một ly nước chanh rồi chợt nhìn thấy tô bún bò giò heo còn ăn dở trên bàn, chị nhăn mặt, vẻ kinh tởm: Đem đi chỗ khác được không? Hồng vội vàng bưng tô bún đi, không quên giải thích: “Khách uống cà phê kêu ăn, em chưa kịp dọn chứ không phải em ăn đâu”. Hiểu được vẻ ngạc nhiên của tôi, Hồng thì thào: Chị này là người Islam (Hồi giáo) nên chị ấy kỵ thịt heo, coi thịt heo còn kinh tởm hơn thuốc độc vậy. Chị ấy không bao giờ ngồi chung bàn với người kêu món ăn có thịt heo vì sợ bị tội.

'Bà chúa' Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Giấc mơ Ả Rập - 1
Khi mọi người đã có vẻ ổn định, Pha Ti quay qua Thủy: Đây là người muốn đi xuất khẩu lao động hả? Mà không phải Chăm hả? Thủy tỏ vẻ bối rối: Không, em người Kinh. Mà em chỉ muốn đi xin việc làm, chứ ra nước ngoài thì em chưa nghĩ đến. Pha Ti nhấp một ngụm nước chanh: Giờ việc làm khó lắm em ơi! Mà cỡ như em thì lương cùng lắm 3-4 triệu đồng một tháng. Thôi đi xuất khẩu lao động đi. Vừa được ra nước ngoài để biết với người ta, vừa kiếm nhiều tiền mang về nữa. Chứ người bình thường như em suốt đời sao mơ đặt chân tới một nước văn minh mà đẹp như Ả Rập được? Hồng thấy vậy cũng nói vào: Đúng rồi đó! May mà gặp được chị Pha Ti đây nằm trong đường dây luôn, chứ gặp người ngoài nhiều khi lại bị bẻ cò, tốn tiền tốn bạc mà chưa chắc đã đi được.

Vẻ như đã xiêu xiêu, Thủy hỏi: Vậy điều kiện để được đi là gì? Có phải ứng tiền không? Em không có tiền đâu à nha. Pha Ti xua tay: Em chỉ cần đưa cho chị giấy tờ để làm thủ tục là được rồi, pasport và vé máy bay bên chị lo hết và em không cần đưa đồng nào, thậm chí còn được ứng thêm tiền cho người nhà ở đây. Rồi cũng phải đi khám sức khỏe nữa nhưng em yên tâm, bác sĩ là “phen” (friend) mà! Cũng theo Pha Ti, chỉ cần có cái gật đầu của người lao động thì thời gian đi chỉ tính bằng tuần, chứ không phải bằng tháng như những nước khác.

'Bà chúa' Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Giấc mơ Ả Rập - 2
Những cuộc mạo hiểm rẻ mạt

Tuy các cò người luôn vẽ ra một “thiên đường” đầy hấp dẫn về xứ sở Ả Rập huyền bí và giàu có, nhưng mức lương cơ bản cho người lao động nữ khi qua bên đó lại chỉ từ 1.200-1.500 ryal, tức khoảng từ 10-12 triệu đồng/tháng. Đó là một mức thu nhập không thần tiên và một người lao động bình thường trong nước, nếu lanh lẹ một chút để làm tốt những việc kiểu phụ giúp việc nhà theo giờ, chăm sóc người bệnh theo giờ, buôn bán nhỏ lẻ... thì hoàn toàn có thể kiếm được.

Vậy tại sao trên thực tế, thời gian qua, số lượng người xuất khẩu lao động qua Ả Rập ở nước ta không hề nhỏ, nếu không muốn nói là nó trở thành một thứ phong trào, nhất là trong cộng đồng những người Chăm Ba ni - tức những người Chăm theo Hồi giáo? Và câu trả lời lại chứa đựng không ít ngỡ ngàng.

Dam (Maryam) - một phụ nữ 30 tuổi người Chăm đã quyết định đặt bút ký vào hợp đồng đi xuất khẩu lao động Ả Rập trong một khoảng thời gian không hề ngắn: Ba năm với mức lương 10 triệu đồng/tháng, công việc là phụ việc nhà và thời gian làm việc là 10 giờ/ngày. Điều đáng nói là Dam đang có chồng, một con nhỏ chỉ mới lên 3 tuổi và gánh hàng bán thức ăn sáng đã và đang mang lại cho Dam thu nhập cũng gần cỡ đó. Vậy thì lý do gì để Dam bỏ chồng, con và chấp nhận rời quê hương để đi đến một vùng trời xa xôi vời vợi?

Câu trả lời khá bất ngờ, nhưng lại thuyết phục như tư duy của một người bình dân: Ở đây, cứ làm đồng nào là xào hết đồng đó. Bởi vậy nên thôi hy sinh qua bên đó ba năm, để dành cũng được vài trăm triệu đồng mà ở nhà, không có mình, cha con ổng phải tự biết mà lo! Chấp nhận bán sức và thắt lưng buộc bụng để có một cục tiền về. Lúc ấy đã có chút vốn, bắt đầu một công việc mới như buôn bán kinh doanh gì đó cũng tốt hơn.

Đi, để có một công việc bảo đảm, đều đặn là lý do mà không ít người như Dam không nề hà khi bước chân lên máy bay để qua bên xứ lạ.

Nhưng trong số những người đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập, lại có một thứ lý do khác khá bi hài: Trốn nợ. Chẳng hạn như Thủy - người cùng tôi gặp Pha Ti trong quán cà phê hôm ấy là một ví dụ. Thủy phụ quán cơm nhưng đồng thời cũng chơi hụi. Đường dây hụi của Thủy cũng khá lớn, lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy là người chủ hụi nhưng Thủy lại dính phải một thứ chết người: Đề.

Vì mê đề, Thủy thâm tiền hụi của các người cùng chơi và đang cố sức gồng để thể hiện “mọi thứ vẫn ổn”. Tuy vậy, hơn ai hết, Thủy hiểu rằng trước sau gì cũng phải đi trốn và không có cuộc đào tẩu nào hoàn hảo bằng cuộc đào tẩu vài năm qua tận Ả Rập. Để lâu cứt trâu hóa bùn, vả lại sau vài năm, nếu gặp dân thứ dữ thì khi trở về phải đền một phần ba, thậm chí một nửa cũng là ổn lắm rồi. Còn gặp dân hiền hiền thì coi như xù luôn. Sau vài năm, vừa thoát vụ bể nợ, vừa lại có thêm cục tiền mang về. Quả lưỡng toàn kỳ mỹ.

Thị trường xuất khẩu lao động sang Ả Rập hiện nay đang thu hút đông đảo người lao động với những nguyên nhân hấp dẫn: Thủ tục nhanh gọn lẹ, người lao động không phải đóng tiền cọc hoặc bất cứ khoản phí nào, có nhiều việc làm cho lao động phổ thông và yêu cầu về trình độ việc làm cũng không khó khăn như một số nước khác. Cộng thêm những lời hứa ngon ngọt của những cò người, rất nhiều người lao động đã chấp nhận đi để hy vọng nắm trong tay số tiền mà suốt đời họ mơ cũng không có, để mong tìm một nguồn thu nhập chấp nhận được và cũng để có ngay 15-20 triệu đồng để lại cho người thân. Nhưng có một điều chắc nhiều người không biết, đó là mỗi lần giới thiệu thành công một suất đi, các tay cò người trong đường dây phải trả 5 triệu đồng cho người giới thiệu và một vụ đi trót lọt sẽ mang về cho cò con số 10-15 triệu đồng/người.

'Bà chúa' Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp: Giấc mơ Ả Rập - 3

Thị trường xuất khẩu lao động sang Ả Rập hiện nay đang thu hút đông đảo người lao động với những nguyên nhân hấp dẫn: Thủ tục nhanh gọn lẹ, người lao động không phải đóng tiền cọc hoặc bất cứ khoản phí nào, có nhiều việc làm cho lao động phổ thông và yêu cầu về trình độ việc làm cũng không khó khăn như một số nước khác. Cộng thêm những lời hứa ngon ngọt của những cò người, rất nhiều người lao động đã chấp nhận đi để hy vọng nắm trong tay số tiền mà suốt đời họ mơ cũng không có.

Theo Vương Liễu Hằng (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/ba-chua-a-rap-va-nhung-no-ty-tam-thap-ky-1-giac-mo-a-rap-d78997.html