Xã hội

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020

Chiều 27/12, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều thay đổi so với hiện tại. Chương trình mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Tại buổi công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết chương trình được xây dựng nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực.

Chương trình mới chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).

6 biện pháp giảm tải

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, theo mô hình đang áp dụng, học sinh phải học và ghi nhớ nhiều, trong khi khả năng vận dụng thực tế hạn chế.

Với chương trình mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định với cách tiếp cận mới học sinh có thể giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Ảnh: Q.Q.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin, theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

Các môn học mới sẽ ra sao?

Hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt các cấp học là trải nghiệm. Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2). Bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Bậc THCS, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp học này, môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Với THPT, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020 - 1
Lộ trình áp dụng chương trình mới

Theo Bộ GD&ĐT, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.

Về vấn đề triển khai giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết bộ đã tổ chức những khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán từ 5 năm trước, nhằm phát triển định hướng cho học sinh, xây dựng chủ đề liên môn…

Bộ GD&ĐT chọn lọc giáo viên tốt nhất để thích ứng được các chương trình áp dụng từ đầu cấp. Đồng thời bộ đã rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm, bổ sung kịp thời nếu còn thiếu, tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo.

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020 - 2
Báo cáo của Bộ GD&ĐT khi giải trình với Quốc hội khoá 14 tháng 11 vừa qua, khẳng định chương trình phổ thông lần này sẽ được giảm tải. Ảnh minh họa: H.H.

Liên quan đổi mới thi THPT quốc gia, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin Bộ trưởng GD&ĐT đã giao một nhóm nghiên cứu, đang đến những bước cuối cùng để báo cáo, trên cơ sở đó sẽ ra quyết định.

Câu hỏi về viết SGK cũng được GS Nguyễn Minh Thuyết giải đáp. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tính toán ưu thế cũng như thách thức gặp phải, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện về "một chương trình, nhiều bộ SGK". 

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)