Xã hội

Ám ảnh thương tâm những vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội

Chuyện buồn về đám cháy ở Quan Hoa nhắc người ta nhớ đến những ám ảnh về đám cháy xảy ra ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy vào cuối năm 2016 làm 13 người thiệt mạng...

Chiều ngày 1/8, tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn. Đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 6 quán karaoke, nơi đang dừng hoạt động để sửa chữa.

Hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC đã có mặt, lăn xả để dập tắt đám cháy. Và không may 3 chiến sỹ thuộc đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh do vào hiện trường bị sập cầu thang, bịt lối thoát dẫn đến thiếu dưỡng khí.

Danh tính 3 chiến sĩ gồm: Trung tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng đội PCCC; Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ.

Ám ảnh thương tâm những vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội
Lực lượng chữa cháy liên tục được huy động đến hiện trường. Ảnh: Đình Hiếu

Nguyên nhân ban đầu được xác định, đám chảy xảy ra do quán đang sửa chữa, có hàn xì.

Chuyện buồn về đám cháy ở Quan Hoa nhắc người ta nhớ đến những ám ảnh về vụ cháy xảy ra ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy vào cuối năm 2016 làm 13 người thiệt mạng.

Hôm đó, anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, ở Nghệ An) và một người nữa được thuê đến để hàn sắt cắt bản lề, tháo cửa tại quán.

Anh Tuấn lấy máy hàn, cắm điện, dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để dùng nhiệt cắt bản lề (mặc dù không có các dụng cụ che chắn, dụng cụ bảo đảm an toàn về PCCC) khiến vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy.

Khi phát hiện có khói, anh này dùng tay dập lửa rồi kêu cháy và cùng mọi người chạy đi lấy nước đổ vào đám cháy, nhưng không dập được lửa. Anh ta bỏ chạy, hô hoán để mọi người chạy ra ngoài.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bà Lê Thị Thì (SN 1962, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người thuê Hoàng Văn Tuấn. Bà Thì đã sử dụng lao động không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các qui định an toàn phòng chống cháy nổ, và để anh Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề cửa dẫn đến cháy.

Tháng 3/2018, phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, chủ quán karaoke), Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy diễn ra đầy nước mắt. Trong khi gia đình các nạn nhân bày tỏ nỗi bức xúc, các bị cáo nức nở nói lời xin lỗi.

Ngày 12/9/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông và 2 bị cáo còn lại. 

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên các quyết định bản án sơ thẩm và chủ quán karaoke chịu mức án 9 năm tù, hai bị cáo còn lại cùng mức án 7 năm tù.

Xem xét công nhận liệt sĩ

Quay trở lại vụ cháy xảy ra vào chiều 1/8, tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. 

Ám ảnh thương tâm những vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội - 1
Hiện trường vụ cháy 

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư, pháp luật quy định các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự. Quá trình sửa chữa cũng phải đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. 

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, cơ sở kinh doanh, chủ đầu tư, người quản lý đơn vị thi công hoặc các tổ chức cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo an toàn lao động dẫn đến vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc tội Vi phạm quy định về an toàn lao động.

Theo luật sư, vụ việc khiến 3 chiến sĩ tử nạn, đây là đau xót rất lớn đối với gia đình và cơ quan, đơn vị. Với những cán bộ, chiến sĩ tử nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ, cần phải xem xét hỗ trợ kịp thời, đồng thời có thể xét công nhận liệt sĩ theo quy định pháp luật.

Và điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 và Nghị định 131/2021/NĐ-CP. 

Theo đó, người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ.

Chữa cháy là một trong những nhiệm vụ đặc biệt, nguy hiểm. Chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ chữa cháy không may tử nạn sẽ được xem xét công nhận liệt sĩ.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/am-anh-thuong-tam-tu-nhung-vu-chay-quan-karaoke-o-ha-noi-2045421.html