Xã hội

Ai đã 'hô biến' để người khuyết tật cũng đi xuất khẩu lao động?

Bà Trần Thị Bình là người khuyết tật được hưởng chế độ trợ cấp 270.000 đồng/tháng nhưng chưa rõ vì sao bà Bình được hợp thức hóa hồ sơ dưới tên người khác để đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê út rồi phải bỏ mạng nơi xứ người.

Như Dân Việt đã phản ánh, bà Trần Thị Bình (SN 1963) trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP. Vinh bị khuyết tật, viêm tắc tĩnh mạch gây lở loét 2 chân không thể đi lại như người bình thường nhưng lại được đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út.

Chưa hết, bà Bình đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu (SN 1977) - một người phụ nữ trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Tuy nhiên, trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài bà Bình đã bị tử vong mà gia đình chưa rõ nguyên nhân. Đã hơn 300 ngày, gia đình vẫn hàng ngày mong ngóng nhận được thi thể bà Trần Thị Bình.

Ai đã 'hô biến' để người khuyết tật cũng đi xuất khẩu lao động?
Giấy xác nhận khuyết tật với dạng khuyết tật: Thần kinh, tâm thần, mức độ nặng của bà Trần Thị Bình trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP. Vinh. Ảnh: Cảnh Thắng

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt trên trang thông tin của Công ty CP Xây dựng Nhân lực Gia Vi (công ty Gia Vi) về hồ sơ tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước Ả rập Xê út thì có ghi rõ hộ sơ của người lao động cần có gồm: Hộ chiếu (gốc), CMND phô tô, 20 ảnh 4×6 phông nền trắng, Lý lịch tư pháp (Do sở tư pháp tỉnh cấp), Bằng nghề, chứng chỉ nghề (nếu có), Giấy khám sức khỏe (tại bệnh viện do Công ty hướng dẫn), Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai ảnh và xác nhận của UBND phường (xã)...

Trong đó, để đi xuất khẩu lao động tại thị trường này, người lao động phải đủ sức khỏe đi lao động ở nước ngoài, phải khám sức khỏe dành cho người đi lao động Ả rập tại các bệnh viện do Bộ LĐTBXH chỉ định.

Đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê út của phía công ty Gia Vi thì bà Trần Thị Bình hoàn toàn không nằm trong đối tượng để tuyển dụng đi lao động tại Ả rập Xê út. Bà Bình được xác đinh là người khuyết tật với dạng khuyết tật: Thần kinh, tâm thần. Hơn nữa khi bà đi XKLĐ tuổi đời của bà đã 54 tuổi, làm sao đủ sức khỏe để đi xuất khẩu lao động được?

Tuy nhiên hồ sơ của bà Trần Thị Bình đã được chuyển thành chị Vương Thị Hoài Thu có địa chỉ trú quán tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), cách địa chỉ thường trú của bà Bình gần 10km.

Ai đã 'hô biến' để người khuyết tật cũng đi xuất khẩu lao động? - 1
Bản cam kết của ông Vi Anh Tuấn - Tổng Giám đốc công ty CP xây dựng Nhân lực Gia Vi đưa thi thể mang tên "Vương Thị Hoài Thu" nhưng lại có tên thật là Trần Thị Bình về nước. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó, vào tháng 7.2017 ông Vi Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Nhân lực Gia Vi đã có bản cam kết với gia đình với nội dung: Phía Công ty sẽ cùng các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út, cùng với ban ngành, tổ chức liên quan đưa thi hài của lao động có tên "Vương Thị Hoài Thu" tên thật là Trần Thị Bình về Việt Nam.

Đồng thời phía công ty chịu mọi chi phí và phí tổn các thủ tục cần thiết để đưa được thi hài người lao động về nước (người nhà lao động tử nạn không phải chịu bất cứ khoản kinh phí nào).

Theo tìm hiểu của PV, đại diện công ty này cũng đã có văn bản gửi Công an tỉnh Nghệ An, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út đề nghị đưa thi thể lao động về nước, tuy nhiên tên của người bị nạn vẫn là "Vương Thị Hoài Thu". 

Câu hỏi ai đã "biến hóa" để bà Trần Thị Bình - một người khuyết tật có hồ sơ mang tên "Vương Thị Hoài Thu" để đi xuất khẩu lao động cần được các cơ quan chức năng làm rõ. 

Theo Căng Thắng (Dân Việt)