Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

8 ổ dịch có thêm bệnh nhân Covid-19, TP.HCM vượt mốc 2.000 ca mắc

Với 152 bệnh nhân Covid-19 được công bố ngày 23/6, số ca nhiễm tại TP HCM đã tăng lên 2.074, xếp thứ hai cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

Đây là số ca nhiễm nằm trong trong tình huống thứ ba - "nghiêm trọng nhất" theo kịch bản ứng phó Covid-19 của ngành y tế TP HCM xây dựng giữa tháng 5. Thời điểm đó, thành phố chỉ mới ghi nhận 3 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4.

Sáng 24/6, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ 18h ngày 23/6 đến 6h ngày 24/6, thành phố ghi nhận thêm 26 bệnh nhân mới (BN13962-BN13987). Họ đã được Bộ Y tế công bố trong bản tin sáng nay.

Trong đó, 24 ca là trường hợp tiếp xúc các bệnh nhân đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa. Những người này liên quan chùm ca bệnh chợ đầu mối Hóc Môn (3), chung cư Ehome 3 (1), chung cư Phú Thọ quận 11 (1), Hnam Mobile (1), khu công nghiệp Tân Phú Trung (1), nhà trọ hẻm 439 Hồ Học Lãm Bình Tân (7), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (2), xưởng cơ khí ở Hóc Môn (4).

Ngoài ra, những người tiếp xúc các bệnh nhân đã được công bố cũng có kết quả dương tính với nCoV, liên quan BN13733 (1), BN11178 (1), BN10583 (2).

Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp đang điều tra dịch tễ, chưa rõ nguồn lây.

8 ổ dịch có thêm bệnh nhân Covid-19, TP.HCM vượt mốc 2.000 ca mắc
Ảnh minh họa

Theo kịch bản này, những ca nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và thành phố sẽ tăng cường các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận với tổng công suất 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở.

Trong các nhiễm công bố hôm qua, 21 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc ở bệnh viện, đang điều tra dịch tễ. Đây không phải là ngày đầu thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng qua khám sàng lọc. Nửa tháng qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện ca nhiễm mới thông qua sàng lọc, không rõ nguồn lây. "Điều này cho thấy mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng", theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM.

Quận Bình Tân ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất TP HCM với 309 ca; tiếp đó là Hóc Môn, Gò Vấp, quận 12, TP Thủ Đức, quận 8 với số ca nhiễm lần lượt là 205, 168, 130, 123, 118. Hai địa phương ít ca nhiễm nhất là huyện Cần Giờ 2 ca và quận 4 với 9 ca.

Ngoài ổ dịch lớn nhất tại điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp với 587 ca nhiễm, TP HCM đang ghi nhận một số ổ dịch lớn khác gồm: chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (196 ca); Công ty Kim Minh, phường 13, quận 5 (100 ca); Hnam Mobile (70 ca); xưởng cơ khí Hóc Môn (70 ca); chung cư Phú Thọ, quận 11 (48 ca); vựa ve chai Đề Thám, quận 1 (29 ca); nhân viên UBND quận 7 (28 ca)...

Trong công văn gửi UBND TP HCM ngày 23/6, Bộ Y tế cho rằng TP HCM tiếp nhận hơn 870.000 liều vaccine Covid-19, song đến nay mới tiêm được hơn 50.000 liều là chậm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị thành phố khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.

Vùng dịch lớn thứ nhì ở phía Nam là Bình Dương cũng đang diễn biến phức tạp. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 164 ca Covid-19 trong cộng đồng. Riêng ổ dịch phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, đã lây ra nhiều chuỗi lây nhiễm khác tại các công ty: Công ty Việt Nam House Wares 86 ca; Công ty gốm Hiền Hòa Anh 21 ca; Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương 20 ca; Công ty Vision (phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên) 2 ca...

Theo Liên đoàn Lao động Bình Dương, đến nay tỉnh ghi nhận 87 công nhân mắc Covid-19, 171 doanh nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng. Hơn 5.200 công nhân gồm 600 F1, 3.200 F2 và 1.400 lao động trong khu vực phong tỏa phải tạm nghỉ việc.

Trước diến biến phức tạp của dịch, tỉnh đã phong tỏa phường Tân Phước Khánh với 50.000 dân. TP Thuận An, thị xã Tân Uyên và bốn phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa, Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 2.098 ca mắc Covid-19 mới, cao thứ 2 cả nước, sau Bắc Giang. Từ 0h ngày 21/6, thành phố thực hiện Chỉ thị 10. HCDC khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Sáng 19/6, TP.HCM bước vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Trong chiến dịch này, gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Chiều 23/6, Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức cũng ký văn bản về việc yêu cầu người dân khai báo y tế điện tử. Những trường hợp áp dụng bắt buộc khai báo y tế điện tử là người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người trên địa bàn thành phố.

Trâm (Nguoiduatin.vn)