Xã hội >> Mưa lũ Miền Trung

200 công nhân nhà máy thủy điện Đăkmi 2 bị cô lập sau trận sạt lở

Trong lúc công tác tìm kiếm cứu nạn 8 người bị mất tích ở huyện Phước Sơn đang gặp nhiều khó khăn, tại huyện này lại đang có 200 công nhân thi công thủy điện bị mắc kẹt thiếu lương thực.

Chiều 29/10, khi đang dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận hiện trường vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nhận được thông tin về 5 nhóm công nhân bị cô lập ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.

Ông Quảng cho biết 5 nhóm công nhân gồm khoảng 200 người, đều làm việc tại nhà máy thủy điện Đăkmi 2. Chiều hôm qua, họ đang thi công hồ đập của công trình thì khu vực này xảy ra sạt lở.

Mọi người bỏ chạy khỏi hiện trường rồi mất liên lạc với nhau. Khi bão số 9 đi qua, những người này bị cô lập nên gọi điện cho cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ.

200 công nhân nhà máy thủy điện Đăkmi 2 bị cô lập sau trận sạt lở
Các huyện miền núi Quảng Nam đang bị sạt lở nặng

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam – người được Tỉnh ủy Quảng Nam phân công chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn, cho biết ông vừa cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lên đến huyện Phước Sơn. 

Theo ông Hà, hiện tại đường từ trung tâm huyện Phước Sơn vào xã Phước Lộc đã bị chia cắt nhiều đoạn, nhiều cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, nước lũ chảy xiết không thể lội qua được. Các lực lượng chức năng đang chuyển hướng tìm cách thông đường từ xã Phước Kim, Phước Thành để tiếp cận sang khu vực sạt lở tại xã Phước Lộc.

200 công nhân nhà máy thủy điện Đăkmi 2 bị cô lập sau trận sạt lở - 1
Lực lượng quân đội đã tiếp cận được 10 công nhân. Ảnh: Zing.vn

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện tại 200 công nhân đang thi công công trình thủy điện Đak Mi 2 đang bị mắc kẹt bên kia dòng sông Đak Mi (huyện Phước Sơn). Các công nhân bị mắc kẹt theo từng tốp khác nhau và hiện đang "kêu cứu" vì bị thiếu lương thực. Các lực lượng chức năng của huyện Phước Sơn đang đưa lương thực đến bên này sông Đak Mi để tiếp tế cho các công nhân nhưng đang gặp một số khó khăn. 

Hiện nay, phương án đưa ra là có thể dùng dây cáp để đưa lương thực sang bên kia sông cho các công nhân bị mắc kẹt nhưng chưa biết có thể thực hiện được hay không. 

"Trong trường hợp xấu nhất thì buộc phải đề xuất Bộ Quốc phòng điều máy bay thả lương thực xuống cho các công nhân. 

Hiện nay, các công nhân vẫn an toàn nhưng bão số 10 sắp đổ bộ thì không biết chuyện gì có thể xảy ra. Tỉnh Quảng Nam đang lên các phương án để đảm bảo sự an toàn cho các công nhân" – ông Hà thông tin.

Theo UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, bão số 9 đã cuốn trôi 142 căn nhà, 33 nhà bị tốc mái và khiến 3 người bị thương và 13 người mất tích.

Hàng trăm công trình công cộng, nhà công vụ, trường học, trạm y tế bị sạt lở, nhiều cầu cống, gia súc, gia cầm và hoa màu ở đây cũng bị cuốn trôi…

HL (Nguoiduatin.vn)