Xã hội

126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác ơi, xin được trải lòng con!

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi còn làm việc tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Vũ Thị Vinh Hương - nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Hàn Thuyên, Bắc Ninh đã mấy lần có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lòng kính yêu với Bác Hồ đã được bà trải lòng bằng bài thơ tự sự “Suy tư và hoài niệm” dài 300 câu.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi còn làm việc tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Vũ Thị Vinh Hương - nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Hàn Thuyên, Bắc Ninh đã mấy lần có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lòng kính yêu với Bác Hồ đã được bà trải lòng bằng bài thơ tự sự “Suy tư và hoài niệm” dài 300 câu.

Chuyện xảy ra cách đây đã 70 năm, nhưng với bà Hương, đó là những ký ức và tình cảm không phai mờ về những lần được gặp Bác Hồ. Thời kỳ này, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước vô vàn khó khăn thử thách, nhưng Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ưu tiên vào hai việc: Diệt giặc đói và giặc dốt.

Chính vì thế, Người đã chỉ thị phải mở lớp sư phạm đào tạo giáo viên nòng cốt cho các địa phương. Bà Hương, khi đó là nữ sinh trẻ từ Bắc Ninh được vinh dự chọn về tham gia của lớp sư phạm đầu tiên của nước Việt Nam mới.

126 nam ngay sinh chu tich ho chi minh: bac oi, xin duoc trai long con! hinh anh 1
Bác Hồ chụp ảnh với cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi còn ở chiến khu (bà Hương ngồi hàng đầu bên phải). Ảnh: T.L

Khi khóa học kết thúc, thầy trò hay tin, lễ bế giảng sẽ có Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự. Bà Hương kể: “Nghe thông báo được đón Bác Hồ, ai cũng phấn khởi, xúc động lắm. Khi trực tiếp được đón Bác, tôi thấy Người giản dị, gần gũi và nói chuyện rất tình cảm, sâu sắc.

Bác Hồ không nói những điều sáo rỗng hay to tát mà chỉ nói chuyện đất nước đang rất cần lớp người trẻ như chúng tôi mang kiến thức đến với người dân. Chỉ có vậy, nhưng chúng tôi ai cũng như thấy mình như trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn, muốn nhanh chóng bắt tay vào công việc, muốn cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc”.

Chuyện đó, sau này được bà ghi lại bằng những vần thơ:

 “Niềm vui sướng bất ngờ

 Lễ tốt nghiệp được Bác Hồ đến dự

Đã chinh phục lớp trẻ hết lòng theo Cách mạng”

Tốt nghiệp khóa sư phạm, bà Hương trở về Bắc Ninh dạy học. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Ninh, ta thực hiện tiêu thổ kháng chiến, bà theo nhà trường sơ tán lên ATK (an toàn khu) Thái Nguyên.

Sau đó, bà được chuyển sang công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cơ quan Hội có mật danh T52, đóng ở gần nơi Trung ương làm việc.

Nhờ mối duyên ấy, trong 3 năm công tác tại đây, bà lại có dịp được gặp Bác Hồ, không chỉ 1 mà là 4 lần. Trong những lần ấy, bà Hương nhớ từng chi tiết khi được nghe Bác Hồ hỏi chuyện, được chụp ảnh chung cùng Bác, được Bác tặng quà.

Có lần, chị em trong cơ quan gửi biếu Bác những món ăn tự làm và được Bác tặng 2 câu lục bát:

“Cảm ơn các cháu, các cô

Mứt khoai, dưa góp, Bác Hồ khen ngon”

2 câu này do Bác Hồ tự đánh máy và gửi tới các chị em. Thời kỳ đó, giấy pơ luya dùng để đánh máy rất hiếm, Bác nêu gương tiết kiệm nên sử dụng một mẩu giấy chỉ bằng hai ngón tay. Một mẩu giấy nhỏ với hai câu lục bát mà chan chứa bao tình cảm. Những lần gặp Bác sau này được bà kể lại bằng thơ:

Bác kính yêu

Bác rẽ vào thăm chúng  con giữa tiếng hò reo!

Chúng con quây vòng quanh Bác

Ôi! Vạt áo chàm đã bạc, khăn lá cơi vắt vai!

Người trò chuyện thân mật chan hòa

Bên chúng con, Người là Bác, là Cha.

Đã thôi thúc chúng con hết mình vì nhiệm vụ

Ngọn lửa thiêng nồng nàn ấp ủ

Tất cả vì Độc lập - Tự do

Cho đến giờ, tất cả những tấm ảnh cả cơ quan chụp chung với Bác Hồ được bà Hương giữ gìn rất cẩn thận bởi nó gắn bó với những kỷ niệm mà bà không thể nào quên.

“Người lãnh đạo không thể non tài, mờ đức”

Ngày 19.5.1995, đúng ngày kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Bác Hồ, một ngày “Nắng cuối xuân đầu hạ ửng hồng”, bà Hương khởi thảo bài thơ tự sự “Suy tư và hoài niệm”.

Ngoài tình cảm thể hiện niềm kính yêu với Bác Hồ, trong bài thơ còn có những lời tâm huyết kể những điều mắt thấy, tai nghe về cuộc sống, những nỗi trăn trở, suy tư về thời cuộc. Bà Hương viết:

Bao niềm vui hứng khởi

Vẫn xen lẫn bao điều băn khoăn nhức nhối

Bao khó khăn thách thức nội - ngoại từng ngày

Người lãnh đạo không thể non tài, mờ đức”

Cho đến nay, những câu chuyện bà Hương nói tới đều còn rất thời sự. Như chuyện của hiện tại chứ không phải của 20 năm trước. Những lần đầu gặp gỡ, trò chuyện với bà Hương, chúng tôi không lý giải ngay được, làm thế nào mà một “bà giáo” khi ở tuổi 70, vóc dáng hao gầy, tác phong mô phạm, giọng nói nhỏ nhẹ lại có thể viết được bài thơ tự sự mãnh liệt như vậy. Nhưng qua thời gian, quen với bà, được bà tâm sự, chúng tôi hiểu, lòng kính yêu vô hạn, sự tin tưởng tuyệt đối đối với Bác Hồ là điểm tựa vững chắc để bà có thể trải lòng qua những vần thơ. Bản thân bà cũng viết trong phần tái bút:

Con biết Bác sẽ cảm thông

Con biết Bác vẫn khoan dung

Chắc Bác không trách mắng đứa cháu gái

Bác từng khen: “Cái Hương nó tốt bụng thật lòng”.

Bà Hương có một “đám cưới đặc biệt” với anh bộ đội Văn Cương - sau này là Trung tướng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Bắc Ninh giai đoạn 1987-1997. Trong 28 năm chồng ra mặt trận, một mình bà vừa công tác xã hội, vừa nuôi dạy con cái trưởng thành. Sau khi ông mất, bà ở một mình trong ngôi nhà ông bà từng sống bên nhau tại Bắc Ninh.
 

Sau một thời gian công tác tại cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Hương - tác giả của bài thơ - trở lại dạy học. Phần lớn sự nghiệp cô giáo Vũ Thị Vinh Hương gắn với Trường phổ thông trung học Hàn Thuyên tại Bắc Ninh. Bà từng là Hiệu trưởng Trường Hàn Thuyên từ năm 1969 đến năm 1978. 

 
Theo Lại Vĩnh Mùi - Trần Thanh Hằng (Dân Việt)