Sau Tết Nguyên đán, chủ các vườn đào Nhật Tân lại bắt tay vào công cuộc thu gom, "tái sinh" lại những gốc đào.
Sau những ngày nghỉ Tết, người trồng đào ở làng đào Nhật Tân lại tất bật, bận rộn với công việc chuẩn bị cho một vụ hoa mới
Đây cũng là thời điểm mọi người bắt đầu công việc đi thu gom đào sau Tết
Ghi nhận chúng tôi tại vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này không khí nhộn nhịp không khác gì những ngày cận Tết
Các chủ vườn đều đang bắt tay vào công cuộc “hồi sinh” lại những gốc đào
Đào xếp ngổn ngang chờ người dân cắt tỉa, trồng lại xuống đất
Các chủ vườn đào cho biết, để chuẩn bị tái sinh cho vụ mùa sau cần nhiều công đoạn. Đầu tiên phải thuê được người lao động chở cây về

Sau đó cắt tỉa và trồng xuống đất mới



Đất phải là đất sét pha đất thịt cho cây sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, sau một vài ngày cây trồng xuống, nên tưới nước và theo dõi cây hằng ngày, khi có dấu hiệu bắn mầm mới tiến hành ghép mắt
Đang cắt tỉa những cành đào, ông Trần Tiến Dũng, chủ một vườn đào tại Nhật Tân cho hay, Tết vừa rồi, vườn đào gia đình ông cho thuê vài chục gốc đào với giá từ 1 đến 5 triệu đồng, có những cây đẹp xuất sắc giá hàng chục triệu đồng
"Thông thường như mọi năm, không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì người thuê đào chơi đến hết Rằm tháng Giêng. Nhưng năm nay đa phần hết mùng 7 Tết Âm lịch đã có khách gọi trả đào sớm. Cũng một phần là do đào nở rộ đúng dịp Tết nên ra Tết nhiều người thấy hoa héo cũng gọi trả cây", ông Dũng nói
Theo chia sẻ của người trồng đào này, để trồng lại được những gốc đào, ông phải bỏ ra vài triệu một ngày thuê người chở đào. "Giá thuê lao động cao lắm, vườn nhà tôi phải thuê 6 người, mỗi người 500 nghìn một ngày công để kịp chở những gốc đào về sau Tết". Ngoài việc thuê người lao động, các chủ vườn đào còn phải mua đất với giá 400 nghìn đồng/1 chuyến xe đổ vào vườn



Ngoài việc thuê lao động, mua đất, người trồng đào còn phải bỏ nhiều công sức chăm, uốn,... với hy vọng chờ một năm mới bội thu, mưa thuận gió hòa
Theo Đinh Huy (Doanh nghiệp & Tiếp thị)