Thể thao

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người

Một giải đấu nguy hiểm bậc nhất, lại dính đúng sự tắc trách ở đúng đoạn đua nguy hiểm nhất là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa khiến 21 vận động viên tử nạn thảm thương.

 Đua với tử thần

Ngày 24/5 - hai ngày sau thảm họa diễn ra ở giải ultra marathon Hoàng Hà Thạch Lâm (Cam Túc, Trung Quốc), các phóng viên bản địa đã quay lại đoạn đường đua đã cướp đi sinh mạng của 21 vận động viên để tái dựng lại nguyên nhân gây ra thảm cảnh chết người này.

Cảm nhận ban đầu có được khi bước chân trên con đường từ điểm tập kết CP 2 lên đến CP3 là đường cực kỳ gồ ghề và chỉ có thể đi bộ, ở điều kiện bình thường, gió cũng rất to gây khó khăn lớn để leo lên.

Tổng chiều dài của đoạn đường từ CP2 lên CP3 là 8,5 km, theo bản đồ, CP2 nằm gần làng Changsheng, còn CP3 nằm trên đỉnh núi Mijja.

Bắt đầu từ CP2 là đoạn đường ven sông Hoàng Hà, ở đây có một số đoạn dốc xuống, nhiều sỏi đá và một số đoạn bị sạt lở vì tác động của dòng chảy. Dưới ảnh hưởng của gió mạnh thổi từ sông, việc di chuyển khá khó khăn. Tổng chiều dài đoạn đường ven sông này là khoảng 1 đến 1,5 km.

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người

Hết đoạn đường này, các vận động viên sẽ rẽ trái để bắt đầu leo núi. Độ dốc ban đầu khoảng chừng 50 độ, khiến tốc độ di chuyển giảm xuống nghiêm trọng. Toàn bộ đường leo lên đến đỉnh là những con đường mòn quanh co 30-40 độ, với độ dốc cũng từ 30-40 độ. Những con đường này rất nhiều sỏi, khiến việc di chuyển khó khăn hơn. Hai bên đường chạy chỉ có đá và cỏ dại.

Trên đường đua bắt đầu từ CP2, những dải vải đỏ với dùng chữ "Shengjing Sports (tên công ty tổ chức) Thạch Lâm 100" liên tục xuất hiện, là tín hiệu báo đường cho các vận động viên, được buộc trên cây hoặc đè bằng tảng đá dưới mặt đường. Gần CP2, cứ khoảng 10 mét lại có một dải băng này, nhưng khi bắt đầu đến đoạn ven sông, các "biển báo đường" kiểu này thưa dần, thậm chí có đoạn hơn 100 mét không có biển báo nào.

Giữa đường đua có những tảng đá lớn chắn đường, khiến các vận động viên phải đi vòng qua. Ngoài ra, càng lên cao, đường càng hẹp lại. Khi chưa lên núi, ba người có thể dàn hàng ngang đi thoải mái, ở sườn núi, hai người đi cạnh nhau đã rất khó khăn. Đường hẹp dần đến mức chỉ đủ để 1 người đi.

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 1

Chiều ngày 24/5, theo cảm nhận của phóng viên, gió trên núi thổi mạnh dữ dội, khiến có lúc không thể đúng vững. Đồng thời khi mặt trời lặn, nhiệt độ nơi đây giảm xuống nhanh chóng. Theo người dân ở đây, gió ở đây rất mạnh và hướng gió không cố định. Gió giật khiến ngay cả người dân ở đây cũng rất dễ ngã xuống vực, và phải cực kỳ thận trọng khi lên núi.

Đi cùng lên đỉnh núi, một người dân địa phương đề nghị phóng viên xuống núi càng sớm càng tốt bởi thời tiết ở đây vào tháng Năm cực kỳ mất ổn định và gió rất mạnh, khiến nếu trở tay không kịp, sẽ không thể xuống núi được.

Đặt câu hỏi với quan chức địa phương rằng bởi lộ trình khó khăn như thế nên Ban tổ chức giải không bố trí nhận lực hậu cần, cũng như cứu hộ hay ít nhất là điểm tiếp tế lương thực, trang thiết bị và nước ở đây, phóng viên chỉ nhận được sự im lặng.

Trên đường lên núi, phóng viên có nhìn thấy một cánh đồng được rào bằng dây thép gai nhưng lại không có cây lương thực hay hoa màu nào ở đây, thì nhận được câu trả lời từ người dân địa phương rằng trước đây người dân địa phương từng sinh sống ở đây, song do điều kiện đi lại qua vất vả nên họ bỏ đi, và chỉ lên núi khi đi chăn cừu.

Theo một người chăn cừu ở làng Changsheng, những người dân địa phương vốn cực kỳ quen thuộc địa hình cũng phải mất đến 5 tiếng để lên và xuống núi.

Thấy người chết trước mặt mà không thể cứu

 Vào ngày thảm họa diễn ra, có một người chăn cừu được tôn vinh là "anh hùng giữa đời thường" khi cứu được 6 người giữa thời tiết rét buốt và mưa gió khắc nghiệt. Anh tên là Zhu Keming.

Phát biểu trước các cơ quan truyền thông, Zhu Keming nói rằng việc anh cứu người là hết sức bình thường, ai cũng sẽ làm thế. Bên cạnh đấy, người chăn cừu này cũng thổ lộ rằng anh rất ân hận khi tận mắt nhìn thấy hai nạn nhân tử vong, nhưng "lực bất tòng tâm".

Theo Zhu Keming cho biết, ban đầu anh cứu được một người, đưa vào chiếc hang mình đang trú ẩn. Sau đó tiếp tục là 4 người khác được anh tìm thấy và dẫn về đây. Từ những người này, anh nghe được rằng còn những thí sinh đã ngất xỉu và không thể đứng dậy nổi ở phía trước, và đã đội mưa lên lên núi để tìm cứu người khi mưa đá bắt đầu đổ xuống.

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 2

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 3

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 4

Đi lên được chừng 2 cây số, anh thấy ba người nằm trên đường. Hai người không còn dấu hiệu của sự sống, chỉ còn một người nằm bên mép vực là còn thoi thóp. Người này hét lên: "Tôi không chịu được nữa, tôi không chịu được nữa". Zhu Keming vội vàng chạy đến, cơ thể của người này lúc này đã lạnh ngắt.

Người được Zhu Keming cứu trong tình huống ấy là Trương Tiểu Đào. Anh là người duy nhất sống sót trong top 6 vận động viên dẫn đầu đoàn đua. Năm vận động viên còn lại toàn là những danh thủ trong làng chạy đường trường Trung Quốc, là Lương Cảnh - kỷ lục gia Siêu việt dã Trung Quốc và nhà vô địch giải đấu này cả 3 năm trước, cùng Hoàng Quan Quân - nhà vô địch Paralympic.

Quay lại với hiện trường, Zhu Keming cõng Trương Tiểu Đào trên lưng xuống núi. Thời tiết cực kỳ ngắc nghiệt với gió mạnh và mưa đá khiến đường càng thêm khó đi. Họ di chuyển rất chậm. Nhận thấy không ổn, Zhu Keming đặt Trương Tiểu Đào nằm xuống ven đường, đắp chăn cách nhiệt cho anh rồi chạy về hang gọi thêm người. Hai người cùng dìu Trương Tiểu Đào về hang, và đến khoảng 5 giờ chiều khi thời tiết tốt hơn và các vận động viên đều đã hồi phục, , Zhu Keming đưa họ xuống núi.

Chết bởi lòng tham không đáy của Ban tổ chức

 Cũng trong ngày 24/5, trong cuộc tọa đàm trên truyền hình để "rút ra bài học" từ thảm họa Hoàng Hà Thạch Lâm, các chuyên gia đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho công tác tổ chức giải đấu này.

Theo đó, với các sự kiện thể thao diện ra ngoài trời, thời điểm tổ chức là cực kỳ quan trọng. Giải đấu lần này được khai mạc vào 9 giờ sáng, điều này cho thấy Ban tổ chức cực kỳ chủ quan. Nếu thời điểm tổ chức được đẩy lên 6 giờ sáng, các vận động viên đã có được thêm 3 tiếng ban ngày, qua đó vượt qua đoạn đường hiểm trở nhất vào khoảng thời gian đẹp hơn, đồng thời nếu có sự cố, lực lượng cứu hộ sẽ được triển khai thuận tiện hơn.

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 5

Cũng theo đó, giải đấu lần này thiếu đến 4 lực lượng hỗ trợ:

1: Nhân viên y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe của vận động viên. Nếu không đủ điều kiện, phải lập tức loại vận động viên ra khỏi cuộc đua.

2: Nhân viên y tế túc trực trên đường chạy để trợ giúp y tế cho các vận động viên.

3: Đội cứu hộ được tổ chức riêng cho giải đấu.

4. Nhân sự được bố trí để hỗ trợ cho những vận động viên đuối nhất, về đích sau cùng hoặc không thể về đích.

Trên thực tế, giải đấu Hoàng Hà Thạch Lâm bị cắt giảm hoàn toàn cả 4 lực lượng hỗ trợ này. Điều đó cho thấy Ban tổ chức cực kỳ vô trách nhiệm, vô cảm với các vận động viên tham gia giải đấu của mình.

Bên cạnh đó là việc "ăn bớt" các trạm hỗ trợ để rút gọn chi phí. Theo quy định, ngay cả với đường chạy xuống dốc, các trạm hỗ trợ cũng không được đặt cách nhau quá 10 km, và trong điều kiện lên dốc, chúng phải được đặt cách nhau không quá 8 km. Trên thực tế, khoảng cách từ CP2 đến CP4 là hơn 10 km, mà hoàn toàn không được bố trí bất kỳ trạm hỗ trợ nào.

Vụ 21 VĐV Trung Quốc chết thảm: BTC 'mở Quỷ Môn Quan' bằng sự tắc trách và vô cảm lạnh người - 6

Giải đấu diễn ra ở địa hình phức tạp, tín hiệu viễn thông của Chine Mobile, China Unicorn lẫn China Telecom không thể phủ sóng được toàn bộ khu vực đường đua, thì Ban tổ chức vẫn hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách sử dụng trạm BTS di động đặt trên sườn núi để đảm bảo liên lạc thông suốt. Song điều này cũng không được quan tâm đến. Hậu quả là các thí sinh không thể gọi được cứu hộ, thậm chí ở chỗ gọi được cũng không ai nhấc máy.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã "cắt xén" đi bộ phận Giám sát an toàn và đại diện kỹ thuật. Đây thường là những người của chính quyền địa phương hoặc có kinh nghiệm trong các cuộc thi ultra marathon, đóng vai trò "cầu chì" trong giải đấu. Với nhận định của mình, đây sẽ là bộ phận cảnh báo cho Ban tổ chức lúc nào nên "dừng cuộc chơi" khi nhận thấy sự bất ổn, như điều kiện thời tiết cực đoan chẳng hạn, để có phương án đảm bảo an toàn nhất cho vận động viên.

Rốt cuộc, có quá nhiều thiếu sót, quá nhiều lỗi lầm trong một giải đấu cần sự chuẩn bị và giám sát chặt chẽ nhất, bởi là môn thể thao cực kỳ nguy hiểm, song rốt cuộc Ban tổ chức đã giơ tay đẩy 21 vận động viên vào Quỷ Môn Quan bằng sự tắc trách, vô cảm và lòng tham của mình.

Theo Ngô Trà (Pháp luật và Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/vu-21-vdv-trung-quoc-chet-tham-btc-mo-quy-mon-quan-bang-su-tac-trach-va-vo-cam-lanh-nguoi-162212505080040193.htm