Thể thao

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi'

Chưởng phái Long Hổ Môn của Việt Nam khẳng định rằng anh đã nhìn thấy điểm yếu trong kiếm pháp của võ sư Võ Đang người Trung Quốc Trần Sư Hành.

Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đã dành rất nhiều giấy mực để nói về người đứng đầu phái Võ Đang – võ sư Trần Sư Hành. Một số tờ báo cho rằng Trần Sư Hành là bậc thầy kiếm pháp ít người sánh kịp ở làng võ Trung Quốc đương đại, sau khi nhân vật này tung lên mạng xã hội một số đoạn video thi triển kiếm pháp của môn phái Võ Đang.

Tuy nhiên, khác hẳn với nhiều tờ báo Trung Quốc thì một võ sư của Việt Nam lại hoàn toàn không đánh giá quá cao kiếm pháp của Trần Sư Hành. Anh là võ sư trẻ Đinh Ngọc Huy – Chưởng môn phái Thiếu Lâm Nam quyền Long Hổ Môn Thích Thanh Tâm tại TP.HCM.

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi'

Khi đánh giá về kiếm pháp của võ sư Trần Sư Hành, Chưởng môn Đinh Ngọc Huy khẳng định anh đã nhìn thấy điểm yếu của võ sư Trung Quốc và có thể dễ dàng hóa giải đường kiếm của đối thủ nếu hai bên giao lưu bằng kiếm pháp với nhau:

"Tôi đã thấy võ sư Trần Sư Hành thi triển kiếm pháp rồi. Kiếm pháp của ông ấy không phải hạng xoàng. Nhưng nếu để hỏi rằng liệu tôi có thể khắc chế được không thì hoàn toàn có thể làm được. Chắc chắn, tôi có thể thử sức được với ông ấy bởi tôi cũng từng có 24 năm luyện kiếm, từ năm tôi 10 tuổi".

"Kiếm pháp của Trần Sư Hành có một số nét tương đồng với các màn biểu diễn của mấy VĐV wushu. Tôi đã nghiên cứu qua và tôi có thể phá được đường kiếm của ông ấy.

"Sở dĩ tôi khẳng định như vậy là bởi tôi có thể nhìn ra được điểm yếu của ông ấy. Ông ấy sở hữu điểm mạnh là có thể ra đòn tấn công ở từng đường kiếm rất ảo diệu. Đó là cái hay trong kiếm pháp của Trần Sư Hành. Tuy nhiên, ông ấy sẽ gặp khó khăn trong việc đỡ những đường kiếm thiên về cương công. Theo đánh giá của tôi, có thể xem kiếm pháp của Trần Sư Hành lọt vào nhóm đứng đầu ở Trung Quốc, nhưng có thể chỉ đứng đầu về Kỹ pháp, Tâm pháp còn Chiến pháp thì chưa dám chắc".

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi' - 1

"Ví dụ, nếu tôi xuất ba đường kiếm mà ông ấy đỡ được thì mới gọi là toàn diện về Chiến pháp. Nhưng tôi tin rằng với ba đường kiếm hoặc đao của Long Hổ Môn là có thể trúng được ông ấy, nói cách khác, Trần Sư Hành sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi.
Cách đây 5 năm, tôi đã từng chạm kiếm mấy lần với bên Võ Đang kiếm pháp rồi, Tuy nhiên, Trần Sư Hành có lẽ sẽ giỏi hơn so với những người mà tôi từng chạm kiếm".

"Nhìn chung, kiếm pháp của phái Võ Đang nói chung hay của Trần Sư Hành nói riêng tất nhiên có khác so với kiếm pháp của võ cổ truyền Việt Nam. Nhưng nếu tôi dùng chính kiếm pháp Trung Quốc là phái Long Hổ Môn (có nguồn gốc Nam Thiếu Lâm) thì hoàn toàn có thể dùng để giao đấu với Trần Sư Hành. Đây là tôi đánh giá dưới góc độ giữa hai cá nhân, giữa tôi với Trần Sư Hành chứ không phải tôi so sánh giữa hai môn phái với nhau".

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi' - 2

So sánh sự khác biệt về kiếm pháp của hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang bên Trung Quốc, võ sư Đinh Ngọc Huy phân tích:

"Kiếm pháp Thiếu Lâm và Võ Đang đều theo tâm pháp, kỹ pháp lấy nhu chế cương. Tuy nhiên, trên thực tế thì kiếm pháp của Võ Đang mới thực sự là lấy nhu chế cương. Còn bên Thiếu Lâm thì dùng cương nhiều hơn nhu, mặc dù vẫn theo tôn chỉ tâm pháp lấy nhu chế cương. Hay nói chính xác hơn là Thiếu Lâm sử dụng dương kình (dùng lực) nhiều so với Võ Đang".

"Kể cả Nam Thiếu Lâm hay Bắc Thiếu Lâm đều như vậy. Tôi lấy ví dụ, khi chém một đường kiếm xuống thì bên Võ Đang sẽ thả lỏng theo trọng lượng kiếm và phát kình, thành ra hình quyền rất nhẹ nhưng vẫn có lực. Trong khi đó, Thiếu Lâm thì lấy kình ngay từ gốc trước khi xuất kiếm rồi".

"Thế nên, về tác dụng thì hai đường kiếm pháp có thể là như nhau nhưng tôn chỉ lấy nhu chế cương thì bên Võ Đang làm chính xác với tiêu chí hơn. Mục đích kỹ thuật của Võ Đang họ làm như vậy là để dễ bề xoay sở khi đang xuất kiếm. Còn bên Thiếu Lâm thực tế đường kiếm sẽ khó dừng hơn nếu không phải là người tập lâu năm".

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi' - 3

"Vậy nên khi đấu kiếm với Võ Đang nên càng áp sát càng tốt. Nhiều người cho rằng khi họ múa đường kiếm như vậy làm sao dám áp sát nhưng điều đó là một sai lầm".

"Nếu chúng ta giữ khoảng cách vừa phải với kiếm pháp Võ Đang thì thực sự rất khó tránh, vì kiếm pháp Võ Đang rất ảo diệu ở cự ly vừa (tức là vừa chiều dài của thanh kiếm). Còn đánh với đường kiếm Thiếu Lâm thì nên phải giữ khoảng cách vừa, vì đường kiếm Thiếu Lâm cương mãnh ngay từ gốc khi xuất kiếm".

Võ sư Việt Nam: 'Chưởng môn Võ Đang Trung Quốc sẽ không đỡ được 3 đường kiếm của tôi' - 4

Chưởng môn Đinh Ngọc Huy giải thích thêm về sự khác nhau trong cách tập luyện kiếm pháp của phái Long Hổ Môn so với kiếm pháp của các VĐV wushu chuyên thi đấu biểu diễn:

"Trong môn phái Long Hổ Môn của chúng tôi có 3 bài kiếm chính gồm Hồng Kiếm, Phi Long Kiếm và Hồi Mã Kiếm. Kiếm pháp trong môn phái Long Hổ Môn chú trọng vào Chiến pháp. Do đó, các đường loan kiếm sẽ rất gọn và hạn chế cách loan kiếm sống như các VĐV wushu".

"Môn phái của chúng tôi thường loan kiếm chết, nghĩa là các ngón tay luôn nắm chặt cán không rời khi loan, cho nên đòi hỏi cổ tay phải mạnh và phải tập thêm phần cổ tay để bổ trợ. Với những thanh kiếm nặng tầm 2kg mà loan theo cách loan chết nếu cổ tay yếu là rất dễ bị bong gân. Bản thân tôi trước kia thi thoảng cũng vẫn bị đau cổ tay khi loan quá đà với những thanh kiếm nặng".

"Nếu loan bằng nhuyễn đao (loại lưỡi mềm) thì có thể không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng với những cây đao bằng thép cứng thì đòi hỏi cổ tay phải mạnh. Theo tôi, đấu đao hay kiếm mềm rất khó chứ không hề dễ chút nào, thậm chí còn khó hơn loại đao hay kiếm có lưỡi cứng vì nhuyễn đao hay nhuyễn kiếm là con dao hai lưỡi, nó nhẹ lại mềm nên rất khó chém và đỡ".

Theo Tiểu Long (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/vo-su-viet-nam-chuong-mon-vo-dang-nguoi-tq-se-khong-do-duoc-3-duong-kiem-cua-toi-8202011872945650.htm