Thể thao >> Thể thao trong nước

VFF cần người giỏi kiếm tiền, chứ không chỉ biết... đi xin tiền

Phụ trách tài chính của VFF phải là người giỏi kiếm tiền chứ không đơn thuần là người có thể đi xin tiền từ những mối quan hệ cá nhân.

Với một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF, người phụ trách tài chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi năng lực kiếm tiền của người này tác động trực tiếp tới "bầu sữa" các đội tuyển, rộng hơn là sự phát triển của nền bóng đá.

7 nhiệm kỳ tìm người giỏi... xin tiền

Trong thời kỳ bao cấp, việc kiếm tiền của VFF thường trông chờ vào Chủ tịch và quan điểm về tài chính khi đó cũng khá giản đơn. Một một lãnh đạo ngành đường sắt từng được các thành viên VFF bầu làm Chủ tịch, chỉ với suy nghĩ là có Chủ tịch làm ngành đường sắt sẽ giúp các tuyển thủ, hay các đội bóng ở giải vô địch quốc gia do VFF tổ chức được ưu đãi khi di chuyển bằng tàu hỏa.

VFF cần người giỏi kiếm tiền, chứ không chỉ biết... đi xin tiền

Mảng tài chính VFF vẫn thiên về đi xin tiền hơn là kiếm ra tiền, ngay cả thời của các doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng (nhiệm kỳ VI) hay Đoàn Nguyên Đức (nhiệm kỳ VII) 

Giai đoạn sau đó, những ứng viên là "người nhà nước" có xu hướng lên ngôi, bởi người ta tin rằng tầm ảnh hưởng của các quan chức này có thể mang tiền về cho VFF.

Đến giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, vị trí Phó chủ tịch tài chính được chuyên trách hóa thì tất cả đều muốn giao chiếc ghế này cho những doanh nhân, trông cậy nguồn tiền từ doanh nghiệp "người nhà" hay các mối quan hệ trong giới của doanh nhân đó.

Thực tế trong nhiệm kỳ làm Phó chủ tịch tài chính (2009-2013), ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch ngân hàng Eximbank, Chủ tịch công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC - bằng mối quan hệ của mình đã giúp đỡ VFF và các đội tuyển có nguồn tiền để duy trì hoạt động.

Và đó cũng là lý do giúp ông Dũng dễ dàng trúng cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2014-2018, trong khi một doanh nhân klhác là bầu Đức (HAGL) được tín nhiệm bầu vào ghế phó tài chính.

"Người làm tài chính phải biết bán hàng thay vì đi xin tiền"

Đến nhiệm kỳ VIII (2018-2022), xu hướng chọn các doanh nhân tiếp tục được ủng hộ, song quan điểm ít nhiều thay đổi. Theo đó, Phó chủ tịch tài chính VFF phải là doanh nhân giỏi kiếm tiền chứ không chỉ đơn thuần là đi xin tiền bằng các mối quan hệ cá nhân như trong quá khứ.

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh nêu quan điểm: "Bóng đá Việt Nam hiện nay đang có tài nguyên chính là các ĐTQG và HLV trưởng, nên Phó chủ tịch tài chính VFF phải biết biến tài nguyên đó thành tiền bạc. ĐTQG là hàng hóa, người làm tài chính phải biết bán hàng thay vì đi xin tiền".

VFF cần người giỏi kiếm tiền, chứ không chỉ biết... đi xin tiền - 1

Ba doanh nhân (từ trái qua): Trần Văn Liêng, Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Thành là ứng viên Phó chủ tịch tài chính VFF khóa VIII hiện đang bỏ trống 

Chủ tịch Vinacacao Trần Văn Liêng từng tranh cử Phó chủ tịch tài chính khóa VIII bằng đề án xây dựng ứng dụng ủng hộ các đội tuyển Việt Nam, với mỗi lượt tải ứng dụng mang về cho VFF 22.000 đồng. Và ông Liêng cam kết nếu trúng cử, có thể mang về cho VFF 10 triệu USD mỗi năm.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nêu đề án xây dựng một hệ thống quản trị tài chính, tiếp thị và tài trợ thể thao một cách hiệu quả, vận hành theo cơ chế thị trường chuyên nghiệp và bài bản, kết hợp chặt chẽ với nhau theo mô hình: Người hâm mộ+ Kênh truyền thông đa dạng và chủ động+ Gói tài trợ hấp dẫn+ Các công ty tiếp thị thể thao tham gia tích cực+ Quản trị phân bổ tài chính tốt để các cầu thu thi đấu tốt + Quyền lợi của các nhà tài trợ được thực hiện đầy đủ= Các nhà tài trợ đồng hành bền vững với bóng đá Việt Nam.

Dù mới chỉ dừng ở lý thuyết, song các đề án của ông Liêng, ông Nam ít nhiều cho thấy tư duy mới, cách làm mới.

Tiếc là ở cuộc bầu bán sau đó, những lá phiếu thiếu trách nhiệm đã vô tình loại doanh nhân Trần Văn Liêng, Nguyễn Hoài Nam và cả Chủ tịch Công ty Động lực Lê Văn Thành, để cho ông Cấn Văn Nghĩa - không phải doanh nhân và lại đang vướng bê bối tài chính sau khi nghỉ hưu chức Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình - trúng cử.

Thực tế sau đó cho thấy, ông Nghĩa không mang về hợp đồng giá trị nào về cho VFF và phải từ chức vì nhiều sức ép sau 6 tháng tại vị. Lời hứa sẽ kiếm về 400 tỷ đồng khi nhậm chức của ông Nghĩa cũng theo gió bay.

Và giờ, tất cả đều hy vọng VFF sẽ tìm được Phó chủ tịch tài chính đủ uy tín, năng lực và biến nguồn tài nguyên là các ĐTQG thành những giá trị mới.

Ngày mai (3-7), Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ nhóm họp, với nội dung quan trọng là xem xét vị trí Phó chủ tịch tài chính hiện đang bỏ trống sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức.

Một số ủy viên cho biết tại cuộc họp này sẽ nêu quan điểm về việc chọn tân Phó chủ tịch tài chính, tránh lặp lại "sai lầm" như tại đại hội trước. Còn Chủ tịch Lê Khánh Hải khẳng định: "VFF sẽ không quá vội vã dễ dẫn đến cẩu thả trong quá trình lựa tìm một nhân vật xứng đáng ngồi vào "ghế nóng".

Tạm thời, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm mảng tài chính của Liên đoàn, cho đến khi việc bầu cử bổ sung vị trí này diễn ra.

Theo Băng Tâm (An Ninh Thủ Đô)