Thể thao

Thấy gì từ thất bại của Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh tại ASIAD 18?

Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh là những niềm “hy vọng vàng” của TTVN tại ASIAD 18, thế nhưng họ đã “không vượt qua được chính mình”...

Thấy gì từ thất bại của Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh tại ASIAD 18?
Ánh Viên đã thất bại ở ASIAD 18. Ảnh: Đ.Đ

Không dễ lấy “vàng”

Tại ASIAD 1994, đoàn TTVN giành 1 HVC của Trần Quang Hạ (taekwondo hạng 48kg). Đến ASIAD 1998 là tấm HCV duy nhất của Hồ Nhất Thống (taekwondo hạng 48kg). Kỳ ASIAD thành công nhất trong lịch sử của TTVN có lẽ là lại là Busan 2002 với 4 chiếc HCV của Trần Đình Hoà (nội dung bi-a libre), Lý Đức (thể hình 80kg) và 2 HCV của Karate là Kumite hạng 51kg Vũ Kim Anh, Kumite 60kg Nguyễn Trọng Bảo Ngọc.

Tại ASIAD 2006, Việt Nam có 3 HCV, trong đó cầu mây đem về 2/3 HCV, chiếc còn lại thuộc về Nguyệt Ánh (Karatedo hạng 48kg). 2 kỳ ASIAD gần nhất, Việt Nam đều chỉ có 1 HCV: Lê Bích Phương (Karate) 2010 và Dương Thuý Vi (Wushu) 2014.

ASIAD 2018, đoàn TTVN đặt mục tiêu giành từ 3-5 HCV. Những gương mặt được kỳ vọng là Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Dương Thuý Vi (wushu), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)... đều không thể đăng quang. Và Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn còn cho rằng, có thể Việt Nam sẽ không giành được HCV.

Thế nhưng, thật may mắn, niềm vui đã đến trong ngày thi đấu 23.8, khi đội Rowing 4 nữ hạng nhẹ đã mang về tấm HCV đầu tiên cho TTVN, giải “cơn khát” khi những niềm hy vọng đã thất bại.

Không bất ngờ với thất bại

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) - thì những thất bại này đều không bất ngờ và phần nào chỉ gây cảm giác thất vọng.

Tại nội dung 400m cá nhân hỗn hợp nữ, Ánh Viên đạt thành tích 4 phút 42 giây 81, thành tích kém xa Olympic Rio 2016 là 4 phút 36 giây 85. Trước đó, Ánh Viên từng lập kỷ lục ở nội dung này tại SEA Games 2015 là 4 phút 42 giây 88. Trong khi đó, Hoàng Xuân Vinh sau khi giành HCV tại Olympic Rio 2016 đã không thể lấy lại được phong độ ở nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi nam. Tại SEA Games 2017, Vinh chỉ giành HCB, còn trên đất Indonesia đánh mất chính mình.

Chuyên gia Hồng Minh phân tích: “Môn bắn súng có đặc thù lớn. Trong các năm gần đây, nhiều VĐV trong top đầu thế giới thay nhau vô địch ở Olympic, ở Cúp thế giới, và điều này có nghĩa các VĐV hàng đầu cạnh tranh quyết liệt ở trình độ cao. Trong khi đó, Hoàng Xuân Vinh lại cho thấy bước thụt lùi. Còn với Ánh Viên, không thể vượt qua chính mình chứ không phải do thua các đối thủ mà mất HCV.

Chúng ta cũng cần xem lại công tác huấn luyện của cả 2 môn thể thao trọng điểm này. Như trường hợp của Ánh Viên, việc tập luyện 1 thầy 1 trò từ khi còn đào tạo đến thi đấu đỉnh cao, bên cạnh ưu điểm cũng có những hạn chế. Bởi như chúng ta đã biết, việc chỉ có thầy trò sẽ không tránh được các tư duy bó hẹp, chủ quan”.

Kết thúc SEA Games 2017, đoàn TTVN từng tự hào khi đánh giá chúng ta rất thành công ở các môn Olympic, chiếm khoảng 90% số HCV giành được và điều đó chứng tỏ sự giá trị và việc TTVN đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, trong số các HCV mà chúng ta đạt được thì bơi lội (10 HCV) và điền kinh (15 HCV) áp đảo so với các môn khác. Trong khi đó, các VĐV ở những môn này lại khó có thể cạnh tranh “vàng” ở tầm châu lục.

Chuyên gia Hồng Minh cho rằng: “Việc mang thành tích SEA Games để hy vọng vào thành tích ASIAD là điều sai lầm. Bởi giữa 2 sân chơi này chênh lệch rất lớn về đẳng cấp. Chúng ta phải nên nhớ rằng, ở ASIAD có hàng trăm nhà vô địch Olympic tham dự, không dễ để có HCV.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng, công tác đầu tư VĐV trọng điểm vẫn chưa thể chín muồi. TTVN mới bắt đầu từ năm 2015, nhưng theo tôi, cần 1 lộ trình từ 8 -10 năm nữa, may ra mới có hiệu quả,” - ông Minh nhấn mạnh.

Ánh Viên trầm cảm trước ASIAD 18

Theo HLV Đặng Anh Tuấn, trước ASIAD 18, Ánh Viến từng bị trầm cảm vì áp lực thành tích. Ông nói: “Chúng tôi phải nhờ tới bác sĩ tâm lý điều trị trong suốt 3 tháng. Trước đó, do áp lực về thành tích, Ánh Viên dần rơi vào trạng thái trầm cảm khiến em ấy không còn là chính mình”.

Sau khi Ánh Viên thất bại, ông Tuấn chia sẻ: “Tất cả công tác chuẩn bị đều tốt, tâm lý của Viên khi bước vào nội dung chung kết cũng không vấn đề gì nhưng khi thi đấu thì kết quả trái ngược. Tôi vẫn chưa trao đổi với Viên nên chưa rõ điều gì xảy ra. Hiện tại, Viên rất sốc và thất vọng với chính mình”.

Sau thất bại của Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh, rất nhiều lời lẽ chỉ trích đã dành cho các VĐV này trên mạng xã hội khiến cho giới VĐV thể thao bức xúc. Chuyên gia Hồng Minh bày tỏ: “Việc thành công hay thất bại của một VĐV không chỉ do chính họ mà còn nhiều yếu tố khác. Chúng ta phải có cái nhìn tổng thể, nhìn nhận những vấn đề cơ bản một cách chính xác.

Vì vậy, không nên quá nặng lời mà buông lời chỉ trích khi VĐV thất bại hoặc thi đấu không đúng với kỳ vọng. Tôi muốn người hâm mộ cả nước cùng chia sẻ với những nỗ lực của các VĐV, các nhà làm thể thao đang nỗ lực để đem về vinh quang cho thể thao nước nhà. Họ không bao giờ mong phải chịu thất bại để rồi đối mặt với những chỉ trích”.

Theo Đăng Huỳnh (Lao Động)