Thể thao >> Bóng đá Ngoại hạng Anh

Ten Hag và Rangnick liệu có thể chung đường?

Hà Lan và Đức vốn chưa bao giờ là hai nền bóng đá chung đường. Nhưng MU vừa bổ nhiệm một HLV người Hà Lan (Ten Hag), cùng một giám đốc thể thao người Đức (Rangnick). Liệu họ có thể chung đường?

“Những trận đấu với Hà Lan luôn khiến tôi mất vài năm tuổi thọ”, đó là câu nói nổi tiếng của “hoàng đế” Franz Beckenbauer khi nói về mối thâm thù giữa hai nền bóng đá Đức - Hà Lan.

Truyền kỳ kể rằng, tai của những đứa bé Hà Lan thường dài hơn các đứa bé khác, vì bố của nó thường xách tai nó và chỉ về bên kia biên giới có Đức ở đấy. Hà Lan và Đức vốn chưa bao giờ là hai nền bóng đá chung đường. Nhưng Manchester United vừa bổ nhiệm một HLV người Hà Lan, cùng một giám đốc thể thao người Đức, để chèo lái con thuyền Manchester United vốn cũng đã lạc lối từ lâu nay.

Tin bóng đá 1/12: Ralf Rangnick gọi tên Ten Hag, Nkunku chọn MU

Erik ten Hag sinh ra tại Haaksbergen, Hà Lan, gây dựng tên tuổi từ Ajax Amsterdam - CLB bóng đá có vai trò “hướng đạo” cho cả nền bóng đá Hà Lan. Ralf Rangnick sinh ra tại Backnang, Đức, trở thành “kiến trúc sư” trưởng cho thành công của RB Leipzig. Khi Manchester United lựa chọn họ về với nhau, đội bóng này thật sự đang thách thức lịch sử, hoặc lịch sử đã đổi thay và người Đức với người Hà Lan đang xáp lại gần nhau quanh một triết lý có tên là gegenpressing.

Dù là chế giễu hay là coi thường, thì ít nhiều không thể phủ nhận Ralf Rangnick phần nào được coi là "cha đẻ" của gegenpressing, thầy của những ông thầy người Đức như Juergen Klopp hay Thomas Tuchel. Ở đây tạm không bàn về những sai lầm của chính “ông giáo” khi cầm quân chính thức, mà nói về cái gốc sâu xa của gegenpressing.

Tất cả đều đến từ Hà Lan 1974, nơi cầu thủ cùng hướng về trái bóng, vây lấy không gian quanh trái bóng. Đức của Benkenbauer với sự xù xì và lầm lì, vốn không chuộng kiểu đá này. Nhưng Hà Lan đã đi trước thời đại với lối đá ấy, sau đó là những Dynamo Kyiv của Valeriy Lobanovskyi, rồi AC Milan của Sacchi. Bây giờ thì nhà nhà pressing, người người pressing, và MU cũng không thoát khỏi dòng chảy đó khi họ nhận ra mình đã bị Liverpool với Manchester City bỏ xa đến 6 năm phát triển. Trên lý thuyết, Erik ten Hag và Ralf Rangnick có thể chung đường, nhưng đó là một rủi ro nếu nhìn từ lịch sử.

Để nói về sự khác biệt của hai nền bóng đá Hà Lan-Đức thì hẳn bài viết này không đủ. Nhưng tôi sẽ cung cấp cho bạn một chi tiết, và thế là đủ để bạn mường tượng tất cả. Thập niên 90 của thế kỷ trước, AC Milan nổi tiếng với “bộ ba Hà Lan bay” Van Basten – Gullit – Rijkaard. Họ tạo ra một Milan hùng mạnh, bất khả chiến bại, và để ngăn Milan lại thì đối thủ cùng thành phố Inter đã thực hiện một sự sắp xếp điên rồ và cũng đầy…có lý. Đấy là tậu về đủ cả Jurgen

Klinsmann, Lothar Matthaeus và Andreas Brehme để tạo ra “bộ ba Đức bay” làm đối trọng. Niềm tin của Inter rất rõ ràng: chỉ có Đức mới là khắc tinh của Hà Lan thôi. 30 năm sau câu chuyện vui ấy, Manchester United đưa một người Hà Lan cầm quân trên sân, và một người Đức ở sau làm giám đốc cố vấn.

Thêm một lần nữa, M.U cho thấy họ tuyển mộ bằng… cảm giác.

Theo Dũng Phan (Bongdaplus.vn)




https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/ten-hag-va-rangnick-lieu-co-the-chung-duong-bien-tap-viet-sapo-3647722204.html