Thể thao

Sự bất thường của bóng đá Việt Nam từ đợt tập trung đội tuyển

CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa lập kỷ lục chưa từng có trong các đợt tập trung đội tuyển U23 Việt Nam khi đóng góp tới một nửa quân số. Đằng sau hiện tượng này là những vấn đề đáng suy ngẫm của nền bóng đá.

CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa lập kỷ lục chưa từng có trong các đợt tập trung đội tuyển U23 Việt Nam khi đóng góp tới một nửa quân số. Đằng sau hiện tượng này là những vấn đề đáng suy ngẫm của nền bóng đá.

ảnh 1

Một nửa quân số U23 Việt Nam (áo sẫm) tập trung lần này đến từ HAGL Ảnh: BẢO LÂM

Chuyện thường làng bóng đá

Việc lấy cầu thủ từ một CLB chơi giải vô địch quốc gia làm nòng cốt cho đội tuyển không phải hiếm trên thế giới. Lý do là nét tương đồng trong lối đá giữa CLB và ĐTQG. Điểm mạnh của cách làm này là lối chơi nhuần nhuyễn do các cầu thủ đã quen cách chơi của nhau, HLV không mất nhiều thời gian để lắp ghép, vận hành bộ khung.

Đội tuyển Tây Ban Nha thời kỳ hoàng kim với lối đá tiki-taka thường xuyên triệu tập 6-8 cầu thủ từ Barcelona. Tương tự, Bayern Munich từ lâu đã được coi là sân sau của đội tuyển Đức. Gần hơn ở khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Thái Lan từng triệu tập 10 cầu thủ cùng biên chế CLB Muangthong United. 

Dẫn chứng để thấy, U23 Việt Nam lần này triệu tập tới 11 cầu thủ cùng thuộc một CLB lên tuyển là bình thường, phù hợp với tính chất của đợt tập trung, đó là chuẩn bị cho một trận giao hữu với U20 Argentina ngày 14-5. 

…và bất thường

Việc HAGL đóng góp tới một nửa quân số cho đội tuyển, về hình thức là chuyện bình thường, thế nhưng xét về bản chất lại có nhiều điều đáng bàn. Đội tuyển Tây Ban Nha chọn nhân sự CLB Barcelona làm nòng cốt bởi đây là đội bóng mạnh nhất nhì giải quốc nội, sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới trải dọc các tuyến như Puyol, Pique, Xavi, Iniesta, Jordi Alba… Đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 nhờ có dàn cầu thủ đẳng cấp gồm Neuer, Boateng, Lahm, Schweinsteiger, Muller của CLB Bayer Munich làm “xương sống”.

Hay đội tuyển Việt Nam chọn cầu thủ Thể Công làm nòng cốt SEA Games 1999 bởi đội bóng này lúc đó đang sở hữu thế hệ vàng với những Mạnh Dũng, Đức Thắng, Như Thuần, Hồng Sơn, Quang Hà, Việt Hoàng, và Phương Nam…  

Điểm chung dễ thấy của 3 đội tuyển kể trên là chọn CLB mạnh nhất nhì giải quốc gia làm nòng cốt, với những con người cũng là lựa chọn số 1 thời điểm đó. Soi chiếu với trường hợp U23 Việt Nam hiện tại, đội được chọn làm nòng cốt là HAGL chỉ nằm nhóm cuối bảng xếp hạng, thậm chí mùa giải vừa qua phải chật vật lo trụ hạng… Việc HLV Hữu Thắng chọn một đội bóng hạng trung làm nòng cốt cho U23 Việt Nam vì thế bị xem là bất thường.

Sự bất thường trên không khó hiểu khi hầu hết các đội bóng ở V-League coi thường đào tạo trẻ và dồn sự quan tâm vào những hợp đồng ngoại binh để đạt thành tích trước mắt. Hệ quả là các cầu thủ trẻ Việt Nam không có đất diễn, không được trao cơ hội để phát triển tài năng.

HAGL là đội bóng hiếm hoi trao cơ hội cho cầu thủ trẻ và sự trưởng thành của những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn… giúp họ nổi bật và xứng đáng được gọi lên tuyển hơn đồng nghiệp cùng trang lứa ở các lò đào tạo khác. Có điều, khi đội tuyển U23 phải đứng bằng “sống lưng” một đội bóng hạng trung như HAGL cho thấy sự manh mún của một nền bóng đá có quá nhiều lò đào tạo trẻ “hữu danh vô thực”.

Theo Băng Tâm (An Ninh Thủ Đô)