Thể thao

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo

Nhiều HLV đang tranh cãi về các nhận định của thầy Park quanh chuyện ngoại binh tại V.League. Phải thôi, vì ai cũng có áp lực của riêng mình.

LỜI THAN VÃN CỦA THẦY PARK VÀ TRANH CÃI TRÁI CHIỀU Ở V.LEAGUE

Ngày 21/12 khi tham gia cuộc họp báo trước loạt trận giao hữu giữa ĐTQG vs U22 Việt Nam, HLV Park Hang-seo nhắc lại vấn đề tiền đạo nội ít cơ hội thi đấu vì bị tiền đạo ngoại lấy chỗ.

"Tôi cũng mong muốn làm mới đội tuyển, nhưng trên nền tảng của bóng đá Việt Nam thì tiền đạo hơi khó khăn, khi 70% các CLB dùng tiền đạo ngoại".

Đến ngày 27/12, sau khi ĐTQG hòa U22 Việt Nam 2-2 (trước đó thắng 3-2 ở ngày 23/12), ông Park nhắc lại vấn đề tiền đạo ngoại:

"Tôi nghĩ nói về tiền đạo không nên nói đến các cá nhân. Hiện nay hàng tiền đạo có Công Phượng, Tiến Linh, Đức Chinh. Mấy năm qua tôi đều thử nghiệm nhưng chưa có ai tốt hơn họ cả. Ở V.League đá tiền đạo đều là cầu thủ nước ngoài, phải đến 80%".

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo
HLV Park Hang-seo muốn tìm thêm những tiền đạo xuất sắc khác, ngoài Công Phượng, Tiến Linh, Đức Chinh nhưng chưa thể.

Trước những lời than vãn của thầy Park, đã có nhiều tranh cãi trái chiều ở V.League. Có HLV đồng ý với quan điểm của thầy Park và cho rằng giải đấu nên thay đổi, ví dụ như HLV Phan Thanh Hùng (Bình Dương).

"Với bóng đá hiện đại, HLV sẽ thay đổi theo sự phát triển riêng biệt, mục tiêu ở một giải đấu, một trận đấu hay từng đối thủ cụ thể để thay đổi lối chơi, cách tiếp cận trận đấu. Một mẫu trung phong đẳng cấp là điều rất nhiều HLV cần, song bóng đá đã phát triển, hậu vệ biên, tiền vệ… cũng có thể ghi bàn.

Trong hơn 2 năm dẫn dắt ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã làm rất tốt điều này. Ông Park muốn tiền đạo nội, cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn là nhu cầu thiết thực, tốt cho bóng đá Việt Nam" - tân thuyền trưởng CLB Bình Dương nói với Tiền Phong.

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo - 1
Các cầu thủ trẻ của Việt Nam nên được ưu tiên thi đấu ở V.League?

Ở chiều ngược lại, trợ lý HLV Nguyễn Việt Thắng (SHB Đà Nẵng) lại đưa ra quan điểm trên Thanh Niên rằng tiền đạo nội nên cạnh tranh sòng phẳng với tiền đạo ngoại, thậm chí coi đó là động lực để phấn đấu tốt hơn.

"Theo tôi nhớ, thời điểm tôi còn đá thì không phải dùng 3 ngoại binh như bây giờ mà là 5 ngoại binh. Tôi nghĩ lúc đó chất lượng giải V-League cũng không hề kém hơn bây giờ. Dù nhiều ngoại binh nhưng vẫn có hàng loạt tiền đạo giỏi như Lê Công Vinh, Quang Hải, Anh Đức, Phan Thanh Bình, Ngọc Thanh.

Muốn có suất đá chính thì phải chứng minh thôi chứ không có cách nào bắt buộc các CLB phải sử dụng tiền đạo nội. Theo tôi nghĩ, tiền đạo ngoại chính là thứ thúc đẩy tốt nhất cho các tiền đạo nội phát triển. Hồi đó ở Bình Dương có Philani, Huỳnh Kesley nhưng Anh Đức vẫn khẳng định tốt và tìm được một vị trí trên hàng công. Thời điểm đó 5 "Tây", các tiền đạo nội vẫn khẳng định được tên tuổi mà".

ÁP LỰC Ở V.LEAGUE VÀ ÁP LỰC CỦA ÔNG PARK

Các HLV V.League có cái lý riêng khi muốn dùng nhiều tiền đạo ngoại. HLV Nguyễn Văn Sỹ của Nam Định nêu quan điểm khá hợp lý và ôn hòa trên Tiền Phong:

"Điều lệ khống chế bao nhiêu cầu thủ ngoại được đá trên sân thì còn có thể, chứ làm sao mà khống chế ở vị trí này vị trí kia hay là sử dụng cầu thủ trẻ? Việc bớt cầu thủ này, cầu thủ kia ở một vị trí nhất định nào đó là rất khó. Đương nhiên, ĐTQG là quan trọng, nhưng nếu ít ngoại binh đi thì lại làm ảnh hưởng đến chất lượng V.League, ảnh hưởng quyền lợi của nhà tài trợ".

Còn trợ lý Nguyễn Thanh Sơn của Bình Dương thì nêu ý kiến mạnh mẽ hơn trên Thanh Niên:

"Tôi thấy ông Park Hang-seo có thể đề nghị VFF giảm suất cầu thủ ngoại lại để tiền đạo nội được ra sân nhiều hơn nhưng không hợp lý. Tất cả những đội bóng đầu tư, bỏ tiền ra nên đều đặt mục tiêu trụ hạng hoặc cạnh tranh chức vô địch. Các nước khác như Thái Lan, giải của họ vẫn có rất nhiều cầu thủ ngoại đó thôi".

Các CLB có muôn vàn lý do để muốn sử dụng nhiều ngoại binh, đặc biệt cho vị trí quan trọng, tiền đạo. Về phần HLV Park Hang-seo, ông cũng đang phải chịu những áp lực khổng lồ trên vai trong năm 2021.

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo - 2
Năm 2021, HLV Park Hang-seo phải gánh những chỉ tiêu rất cao cho cả ĐTQG lẫn lứa U22.

Việt Nam đã vô địch môn bóng đá nam SEA Games sau gần 60 năm chờ đợi. Nhưng thế đã đủ chưa? CHƯA! Cả đất nước chúng ta thực tế đang rất háo hức với câu chuyện bảo vệ thành công tấm HCV ấy, đặc biệt khi SEA Games 2021 được tổ chức tại sân nhà.

Mà bóng đá trẻ thì... vô cùng lắm, rất thiếu sự ổn định do độ tuổi dùng được của một lứa U22 thường chỉ dao động 2, 3 năm. Cầu thủ nào nổi sớm lắm thì may chăng đá được 3 kì SEA Games, thường là chỉ 2 kì, còn ở mức phổ thông là chỉ 1 kì duy nhất. Vì vậy, SEA Games 2021, đa phần các cầu thủ sẽ đều là người không dự kì SEA Games 2019 mà chúng ta đã vô địch.

Bóng đá Việt Nam gần đây phát triển mạnh, nhưng về căn cơ vẫn thiếu nhiều nên chưa thể tạo ra các thế hệ chất lượng liền mạch. Gần đây đã có những ý kiến cho rằng chúng ta đang bị đứt gãy thế hệ trẻ. Sau lứa Công Phượng, Xuân Trường chúng ta có lứa Quang Hải, Văn Hậu rất hay... nhưng lứa U22 hiện tại thì không được như thế.

Dù họ vừa thể hiện khá tốt, thua sít sao đội hình phụ của tuyển quốc gia 2-3, rồi thậm chí hòa 2-2 trước đội hình mạnh hơn của lứa đàn anh, nhưng về cơ bản vẫn có rất nhiều nỗi lo.

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo - 3
U22 Việt Nam còn nhiều nỗi lo.
Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo - 4
Thầy Park lại đòi chỗ cho cầu thủ trẻ & sự thay đổi của "trò hề" năm nào tại Trung Quốc

Nhân sự không tốt bằng, nhưng chúng ta lại đặt mục tiêu rất cao. Thế thì bảo sao HLV Park Hang-seo không lo lắng và muốn V.League cần tạo cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ?

Thêm nữa, cũng phải nhận định rằng kiến nghị của thầy Park không chỉ là cho cuộc đua SEA Games 2021 mà về mặt lý thuyết, nó rất tốt cho sự phát triển lâu dài của một nền bóng đá.

Nhiều CLB đang cho rằng nếu quy định bắt buộc phải dùng bao nhiêu cầu thủ trẻ mỗi trận V.League thì sẽ gượng ép, không hợp lý. Nhưng ở một vài quốc gia, điều ấy cũng đã được áp dụng.

Trung Quốc hồi năm 2017 đã làm như thế và gây ra nhiều phàn nàn, phản ứng chống đối từ các CLB. Song theo thời gian, khi luật đã ra và cuộc chơi buộc phải theo, các đội bóng Trung Quốc cũng dần dần thích nghi một cách chủ động, nghiêm túc hơn. Năm 2020, số cơ hội thi đấu của các cầu thủ U22 ở Super League đã tăng vọt một cách thực chất, chứ không phải "lấy lệ" nữa.

Sau lời 'gan ruột' về V.League là áp lực khổng lồ của HLV Park Hang-seo - 5
Công Phượng chơi chưa tốt trước các đàn em U22 Việt Nam.

Về câu chuyện tiền đạo nội, ĐTQG của chúng ta năm nay được đặt chỉ tiêu kép là bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup và lọt vào vòng loại thứ ba khu vực châu Á của World Cup 2022.

Rất rõ là ĐTQG Việt Nam đang có lực lượng hậu vệ, tiền vệ mạnh mẽ nhưng tiền đạo thì thiếu nhiều đặc biệt là trung phong. Có áp lực chỉ tiêu khổng lồ, thầy Park, như đã nói ở trên, than vãn là chuyện dễ hiểu.

Ông Park đề nghị trực tiếp giảm suất ngoại binh, hoặc ra luật quy định số lượng thi đấu là dành cho các tài năng trẻ. Còn về câu chuyện tiền đạo nội, thực tế vị HLV người Hàn Quốc mới dừng lại ở mức độ than phiền mà thôi. Ông chưa có ý kiến cụ thể nào về cách giải quyết mà chỉ muốn VFF, VPF và các CLB cùng nhau nghĩ cách.

Nếu câu chuyện tạo cơ hội cho tiền đạo nội được tính toán tốt, dĩ nhiên sẽ là không thể tuyệt vời hơn cho vị HLV người Hàn Quốc. Còn nếu nó vẫn là chuyện nan giải không thể xử lý, thì ít nhất người ta cũng hiểu ông Park đang gặp khó ở chỗ nào.

Những lời than phiền có lẽ cũng là cách để thầy Park tự giải tỏa áp lực của bản thân, để tất cả hiểu bảo vệ những vinh quang đã có không hề đơn giản.

Theo Đoàn Dự (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/sau-loi-gan-ruot-ve-vleague-la-ap-luc-khong-lo-cua-hlv-park-hang-seo-162203012105939393.htm