Thể thao >> Vòng loại World Cup 2022

'Phù thủy trắng' Philippe Troussier chỉ cách đối phó với chiến thuật đá phạt góc 'ruồi bu' của Oman

Philippe Troussier - HLV từng dẫn dắt U18 và U19 Việt Nam - đã có chia sẻ về việc chống lại chiến thuật đá phạt góc "ruồi bu" mà Oman từng sử dụng để ghi bàn vào lưới ĐT Việt Nam vừa qua.

Phương án đá phạt góc theo kiểu "ruồi bu" của Oman được sử dụng ở hầu hết trận đấu tại vòng loại thứ cuối World Cup 2022 - khu vực Châu Á. Đội bóng Tây Á dùng nhiều cầu thủ vây sát thủ môn đối phương nhằm hạn chế tầm hoạt động, rồi tạt bóng hướng về thẳng về khung thành.

Chiến thuật "ruồi bâu" của Oman làm khổ ĐT Việt Nam là hoàn toàn hợp lệ,  nhưng đội bạn chơi quá "dơ" vì tận dụng luật lỏng lẻo

Chiến thuật này khiến tuyển Việt Nam vất vả chống đỡ trong cuộc đối đầu trên sân Sultan Qaboos tối 12/10. Cách dàn xếp này đã mang về bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 cho tuyển Oman.

Trong tình huống này, thủ thành Văn Toản bị các cầu thủ cao to của đối phương hạn chế tầm hoạt động, không thể ngăn cản đường tạt bóng của đối thủ. Tuyển Việt Nam phản ứng dữ dội sau khi nhận bàn thua, nhưng quyết định không thay đổi.

Là người từng trải qua chuyện này khi dẫn dắt ĐT Nam Phi chạm trán Đan Mạch tại World Cup 1998, HLV Philippe Troussier đã có chia sẻ về phương án đối phó với chiến thuật "ruồi bu" của đối thủ.

Những chia sẻ của HLV Philippe Troussier trên fanpage Hoàng Bách Foodball

Phương án dàn xếp phòng ngự trong những tình huống cố định thế này cần được tập trung giành cho bóng, chứ không phải cho đối phương. Oman cắm tới 5 người đi nữa, trên sân cũng chỉ có 1 quả bóng để họ ghi bàn mà thôi.

Mục tiêu của Oman khi cắm đông đảo số lượng người hướng tới việc gây rối và cản trở không gian hoạt động của thủ môn. Như vậy, khi chúng ta bổ sung thêm hậu vệ vào khu vực này, đó chính là điều đối phương mong đợi, với sự hỗn loạn ngay trước khung thành nhân lên gấp bội, qua đó càng khiến thủ môn gặp khó khăn trong kiểm soát tình huống.

Để tránh sập bẫy, không nên kèm 1v1 và bị hút theo vị trí đối phương, hãy cứ mặc kệ đối phương tuỳ nghi cắm người họ muốn. Phương án tôi từng sử dụng trước Đan Mạch là phòng ngự theo khu vực, với 2-3 cầu thủ sở hữu chiều cao tốt nhất đội đứng chắn rìa cột 1, ngoài phạm vi đối phương đang bao lấy vạch vôi.

Tại khu vực dưới vạch 5m50, tôi vẫn bố trí một hàng phòng ngự tiêu chuẩn cũng theo định hướng khu vực, nhằm ngăn chặn bất kì tình huống băng cắt nào của số đối phương phía ngoài và phản ứng với tình huống bóng hai. Hơn nữa, một hậu vệ cần tiến lại gần nhất có thể, đối diện chấm đá, nhằm gây rối và tạo sức ép lên cầu thủ đá phạt góc. Ngoài ra, có thể hạn chế số lượng đối phương trong vòng cấm bằng cách cắt cử 1-2 cầu thủ tấn công cắm ở vạch nửa sân, qua đó gây sức ép ngược và ghim người.

Với bố trí như vậy, cầu thủ đá phạt, nếu làm theo đúng bài dàn xếp tấn công, gần như chắc chắn phải thực hiện một đường bóng cong, cao và bổng vào phía trong hướng tới mục tiêu khung thành. Sở hữu 2-3 cầu thủ đứng chắn trước khu vực cột 1 giúp tôi có lợi thế chắn bóng tới nhóm đối phương đang cắm trong. Bóng sẽ bị phá ra trước khi nhóm này có thể đón lõng.

Trong trường hợp cú đá của đối phương được thực hiện với chất lượng tốt, bóng cuộn và đi xoáy, vượt qua nhóm hậu vệ chắn cột 1, nghe có vẻ vô trách nhiệm, nhưng đó là khu vực mà thủ môn phải tự mình đảm đương và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bóng dù đi cao và cuộn với đối phương bám xung quanh, thủ môn trên thực tế vẫn sở hữu lợi thế hơn về chiều cao với khả năng bật nhảy và quyền sử dụng sải tay dài vươn ra đón bóng.

Việc bỏ bớt hậu vệ ra khỏi khu vực hỗn loạn trước đó đã giải phóng rất nhiều giới hạn đặt lên không gian hoạt động thủ môn. Khả năng phán đoán chọn điểm rơi cần được thực hiện. Ngoài ra, hình ảnh một thủ môn bị 4-5 đối phương vây quanh ngay trên vạch vôi mà không có hậu vệ nào hỗ trợ còn đem tới ấn tượng thị giác cho trọng tài.

Bất kì động thái xô đẩy, tì tay hay tác động nào lên thủ môn đều dễ dàng khiến trọng tài chú ý. Nhẹ sẽ là cảnh cáo, nặng sẽ là phạt lỗi. Kể cả trong trường hợp thủ môn chạm được vào bóng nhưng không bắt dính do áp lực hành động đối phương, thậm chí rơi bóng vào trong khung thành, chắc chắn trọng tài vẫn sẽ ưu tiên giành lợi thế cho đội phòng ngự.

Hồng Duy (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/phu-thuy-trang-philippe-troussier-chi-cach-doi-pho-voi-chien-thuat-da-phat-goc-ruoi-bu-cua-oman-tintuc790851