Thể thao >> Thể thao trong nước

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn lên tiếng

Ông Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, ở đêm cuối cùng của Giải U19 quốc tế 2018 tại Pleiku đã trả lời phỏng vấn báo chí về những điều dư luận quan tâm…

Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào về tiêu chí chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa 8 phải có bằng cử nhân?

- Ông Trần Quốc Tuấn: Tôi không có trong Tiểu ban Nhân sự nên tôi không nắm rõ. Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự phụ trách và cũng đã gửi những tiêu chí này đến các thành viên Ban Chấp hành (BCH).

Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn lên tiếng
Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn ứng cử vào 2 chức danh chủ chốt của VFF nhiệm kỳ 2018-2022.Ảnh: QUANG LIÊM

Bây giờ, khi tiêu chí về bằng cấp thực sự bị chú ý và không ít người cho rằng không phù hợp với tổ chức xã hội như VFF. Quan điểm của ông về trường hợp này là như thế nào?

- BCH khóa 7 gồm 23 ủy viên, mỗi người có một quan điểm, mà khi họp thì BCH có nguyên tắc của nó là quyết định thuộc về ý kiến của đa số. Tôi không nắm tiêu chuẩn tổng hợp như thế nào. Cái đấy chỉ có ban nhân sự mới biết và thông báo cho các ủy viên và tôi cũng chỉ là 1 trong 23 ủy viên.

Những gì ông giải thích đều đúng và ai cũng hiểu. Tôi muốn hỏi quan điểm của chính ông về tiêu chí bằng cấp ở các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa 8 là nên hay không nên?

- Theo tôi là tùy lĩnh vực. Ví dụ như tài chính, tôi nghĩ với một doanh nhân thành đạt thì khả năng tập hợp, kêu gọi mới là quan trọng vì mang lại nguồn lực cho VFF. Bởi vì trong bóng đá, kinh phí quyết định đến chuyện phát triển chuyên môn.

Những gì ông nói thì ai quan tâm đến bóng đá cũng biết. Tôi muốn hỏi quan điểm của cá nhân ông về tiêu chí bằng cấp là nên hay không nên tồn tại?

- Tôi nghĩ rằng doanh nhân thành đạt có khả năng kêu gọi tài chính, còn khả năng đấy phụ thuộc vào cái gì đấy. Ví dụ như…

Điều này ai cũng hiểu, ông hãy nói về tiêu chí bằng cấp.

- Tôi quan tâm đến khả năng nhiều hơn.

Người không có bằng cấp nhưng làm việc hiệu quả và thành đạt với một người có bằng cấp mà không thành đạt, làm việc không hiệu quả thì ông chọn người nào?

- Tôi đã nói rồi, tôi quan tâm đến người có khả năng hơn. Khả năng thứ nhất là gì, là kêu gọi tài trợ, tài chính; khả năng thứ hai là khả năng tạo ra những cái giá trị từ bóng đá. Những cái đấy là những điều quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp.

Hiện nay ông được tiến cử 2 vị trí lãnh đạo cấp cao của VFF khóa 8 là chủ tịch và phó chủ tịch, theo ông vị trí nào ông cảm thấy là phù hợp với năng lực nhất của ông hiện nay?

- Chương trình hành động của tôi thì chưa nói được và tôi sẽ nói vào đúng thời điểm. Các hướng đi, ở vị trí nào cũng thế thôi, vị trí nào cũng phải có định hướng thì mình mới làm được việc.

Một số ủy viên BCH nói vị trí chủ tịch quá tầm đối với ông và ông chỉ phù hợp với vị trí phó chủ tịch chuyên môn?

- Đó là thẩm quyền của đại hội, thẩm quyền của các tổ chức thành viên. Còn ở vị trí nào thì mình phải làm tốt. Tôi sẽ cố gắng làm tốt và phải tập trung như thế nào để tìm ra các giải pháp phù hợp. Tại vì giải pháp mới là quan trọng.

Ông có nói đến thời điểm thích hợp, ông sẽ nói?

- Không. Trong mỗi một nhiệm kỳ có một định hướng sao cho phù hợp với hoàn cảnh, với điều kiện của Việt Nam. Đấy mới là quan trọng. Nghĩa là định hướng ở mỗi nền bóng đá là phải căn cứ trên hiện thực. Hiện nay mới chỉ là tiến cử, tôi có được bầu làm chủ tịch đâu!

Ông có nói chương trình hành động sẽ được ông nói vào đúng thời điểm thích hợp. Đó là thời điểm nào?

- Chủ đề này, xin phép không bàn nữa.

Cám ơn ông. 

Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)