Thể thao >> Olympic 2020

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá

5 năm trước ở Rio, Novak Djokovic đã bật khóc khi thất bại ở Olympic 2016. 5 năm sau, một lần nữa thất bại tìm đến anh tại Olympic 2020.

Set 3, game thứ 19 trận bán kết giữa Alexander Zverev và Novak Djokovic. Lúc này Zverev đã bẻ được một game cầm giao bóng của Nole, và đưa tỉ số ở set quyết định nghiêng về phía tay vợt Đức gốc Nga.

Một cú thuận tay không quá nặng của Zverev, nhưng Nole đứng im không đuổi theo bóng, 30-15 cho Zverev. Một cảm giác hãi hùng xâm chiếm những người yêu quý Djokovic. Họ đã nhận ra một điều quan trọng: Nole đã kiệt sức.

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá
Lịch thi đấu quá dày đặc đã vắt kiệt sức của Djokovic.

Những pha bóng sau đó đã chứng minh cho điều ấy, tốc độ các quả giao bóng của Nole rất chậm, các cú thuận tay không đưa đến vạch chéo sân, và những pha điều bóng về góc sân cũng không còn sự hiểm hóc nữa.

Nếu thể lực sung mãn, một tay vợt có trí tuệ minh mẫn, đôi mắt tinh anh, và cảm giác đôi tay sẽ "quạt" được các đường bóng hiểm. Khi không còn sức, mọi thứ sẽ chỉ là mắt mờ, chân chậm, cùng các đường bóng dễ dàng bị đối thủ bên kia lưới hóa giải.

Khi tỉ số của set 3 đã là 3-0 nghiêng về phía Zverev. Bước ngoặt của trận bán kết có hay không là ở game thứ 20, kỳ tích lội ngược dòng như ở Roland Garros có lặp lại với Nole hay không là ở game đấu này.

Người hâm mộ toàn thế giới đều biết nỗ lực, sức mạnh tinh thần và ý chí vượt khổ của Nole. Chưa kể, hôm nay anh còn mang vác cả trọng tránh dân tộc Serbia trên vai. Thế nhưng thực tại tàn nhẫn đã làm đau những tinh thần.

Đối diện với những cú phát bóng lên tới 220km/h của Zverev, những cú trả giao bóng của Nole chỉ đi ra ngoài, hoặc quá nhẹ nhàng để Zverev phản công và dễ dàng ghi điểm. Nole không còn đủ sức để đánh ở vạch cuối sân nữa.

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá - 1
Djokovic không thể chống đỡ nổi trong set cuối cùng

Và khi người hâm mộ chứng kiến cảnh Nole chỉ còn biết tập trung lên lưới, tập trung bỏ nhỏ để tạo bất ngờ và hạn chế các loạt bóng bền với đối thủ trẻ hơn mình 10 tuổi, thì cũng là lúc họ hiểu rằng giấc mơ Golden Slam của Djokovic đang trên đường tan vỡ.

Những gì còn lại chỉ để nỗi đau của Djokovic, của gần 7 triệu người Serbia thêm bị gặm nhấm. Lần lượt các tỉ số 6-3, 3-6, 1-6 hình thành, hạt giống số một, niềm hy vọng cao nhất của chiếc huy chương vàng đơn nam quần vợt Olympic Tokyo 2020, Novak Djokovic đã dừng cuộc chơi.

Đấy không chỉ là một giấc mơ tan vỡ, đấy còn là một niềm đau dân tộc. Đất nước Serbia yêu anh, xem anh là niềm tự hào lớn nhất và Nole cũng yêu quê hương, muốn mang thật nhiều vinh quang về cho đất nước. Chẳng có gì chứng tỏ điều đó hơn là tại một kỳ Olympic.

Nhưng phải chăng tình yêu thường bị đánh đố? Olympic 2008, Olympic 2012, Olympic 2016, và giờ là Olympic 2020, vinh quang đều ngoảnh mặt với Nole dù cho anh chưa hề chối bỏ trách nhiệm với quốc gia.

Những giọt nước mắt ở Rio 2016 với một tay đặt lên trái tim dưới lá cờ Serbia, và cánh tay còn lại giơ cao xin lỗi cùng nước mắt nức nở. Hình ảnh bi kịch của năm 2016 đó đã khiến người ta hiểu rằng, phía sau lớp vỏ kiêu ngạo và đáng ghét với nhiều người yêu tennis, là một trái tim nóng.

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá - 2
Nỗi buồn của Nole

Con người Nole là sao đây?

Nole của người hâm mộ luôn lạc quan vui vẻ, cười thói đời, cười khán giả Âu - Mỹ và ngạo nghễ đánh bại những Federer hay Nadal mà họ tự hào và yêu quý. Nhưng Nole đã khóc vì không thể mang vinh quang về cho tổ quốc ở một kỳ Thế Vận Hội.

Nole rất cá tính và kiêu ngạo, anh không quan tâm đến kẻ ghét mình. Anh vươn lên bằng cách biến những tiếng la ó thành tiếng cổ vũ anh. Nole thậm chí còn bảo "Khi tất cả hô Roger, tôi nghĩ trong đầu họ đang hô Nole, và tôi chiến thắng."

Nole yêu đất nước Serbia, anh lập Quỹ Novak Djokovic và mở hàng chục trường mẫu giáo ở quê nhà để đứa trẻ nào ở quê hương cũng có một môi trường giáo dục tốt, chứ đừng vất vả như anh phải rời quê nhà từ năm 13 tuổi để đi học Tennis.

Nếu Nadal chiến đấu trong phòng hồi sức chấn thương là cuộc chiến của thể xác. Nếu Federer chiến đấu với tuổi tứ tuần hôm nay là chiến đấu với thời gian, thì Djkovic là chiến đấu trước cả thiên hạ, trước các khán giả cổ vũ đối thủ, trước những lời miệt thị về gốc gác, chiến đấu trước mọi miệng đời gièm pha, trước cả câu nói anh thốt ra vào 10 năm trước "Tôi sinh ra không gặp thời."

Nếu không gặp thời, thì tạo ra một thời đại cho riêng mình. Đấy là câu trả lời của Nole sau lời cảm thán ấy! Từ năm 2011, tổng số danh hiệu Grand Slam của cả Nadal với Federer cộng lại là 15, còn riêng Nole là 19. Anh còn hơn cả Cristiano Ronaldo ở bóng đá về tấm gương của sự nỗ lực và sự thách thức lịch sử, thách thức miệng đời, thách thức thời đại.

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá - 3
Nole là biểu tượng đáng tự hào của Serbia

Ai cũng biết rằng, khi đặt bước chân đến Tokyo năm nay, mục tiêu mà Djokovic hướng tới chính là làm cái điều khó khăn nhất trong lịch sử quần vợt: giành trọn bộ Grand Slam và 1 chiếc huy chương vàng Olympic. Anh đã đi được hơn một nửa chặng đường với các chức vô địch ở Australia mở rộng, Pháp mở rộng và Wimbledon.

Ngày 12/7/2021 khi vô địch Wimbledon, Nole đã cân bằng con số 20 danh hiệu Grand Slam cao quý của hai đại kình địch Roger Federer và Rafael Nadal.

Ngày 8/3/2021, Djokovic chính thức vượt Roger Federer để trở thành tay vợt nam có nhiều tuần nhất đứng ở vị trí số 1 thế giới. Đồng thời Djokovic cũng là tay vợt có nhiều danh hiệu ATP nhất, cũng là tay vợt có tỷ lệ chiến thắng cao nhất.

Phải rồi, trái tim người hâm mộ có thể yêu ghét bất nhất, nhưng con số thì không hề nói dối. Và con số nói lên rằng: Novak Djokovic là tay vợt vĩ đại nhất lịch sử làng quần vợt tính đến thời điểm này.

Novak Djokovic thất bại ở bán kết Olympic, bởi con người nào phải sỏi đá - 4
Nole chúc mừng người chiến thắng Alexander Zverev. Trước mắt tay vợt người Serbia vẫn còn giải quần vợt Mỹ mở rộng để hoàn thành giấc mơ giành 4 Grand Slam trong cùng một năm.

Thất bại ở Tokyo không khiến Djokovic bớt đi vĩ đại, không có "Golden Slam" (giành đủ 4 Grand Slam và HCV Olympic trong cùng 1 năm) thì ta còn có "Calendar Year Grand Slam" để phấn đấu, không khiến cho việc Nole tiếp tục vươn lên vị trí "duy ngã độc tôn" bị mất đi.

Thất bại ấy chỉ nói với chúng ta rằng, bởi con người nào phải sỏi đá. Trên đời này thật khó khăn khi đi tìm kiếm một sự toàn bích. Lý do cho sự dang dở được nhắc tên mãi mãi.

Ngày mai, có một trận tranh huy chương đồng, và quê hương Serbia vẫn sẽ yêu chiếc huy chương đó như chiếc huy chương vàng. Vì huy chương được tạo nên từ máu, nước mắt, mồ hôi và thể lực suy kiệt của một người con tài danh luôn hướng về đất nước.

 Theo Dũng Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/novak-djokovic-that-bai-o-ban-ket-olympic-boi-con-nguoi-nao-phai-soi-da-162213007194503594.htm