Thể thao >> Thể thao quốc tế

Manchester United và bi kịch 'tiền nhiều để làm gì'

Có lẽ giờ là lúc những cái đầu đầy sỏi của ban lãnh đạo MU thôi tự hào về "doanh thu tăng đều đặn hàng năm".

MU được định danh như một CLB bóng đá, không phải một cỗ máy kiếm tiền. Nhưng dưới thời giới chủ Mỹ, hình ảnh "Quỷ đỏ" đã bị méo mó rất nhiều.

Đó là một ngày mùa thu năm 2018, thời điểm mới bắt đầu mùa giải, Phó Giám đốc điều hành Ed Woodward xoa tay hài lòng khi Manchester United phá thêm một kỷ lục doanh thu nữa trong lịch sử CLB.

Manchester United và bi kịch 'tiền nhiều để làm gì'
Ed Woodward đang góp phần khiến MU sa xuống vũng lầy.

590 triệu bảng tiền doanh thu, cùng lợi nhuận ròng lên tới 26 triệu bảng giúp MU tiếp tục trở thành đội bóng kiếm tiền giỏi nhất nước Anh (hơn Man City 90 triệu bảng, Liverpool 145 triệu bảng tiền doanh thu). Đó là một con số khủng khiếp.

Khả năng kiếm tiền của MU khiến Barcelona hay Real - hai đội bóng nằm trong top 3 CLB giàu nhất thế giới - phải e dè.

MU và nước mắt gã nhà giàu

Nhưng tiền nhiều để làm gì? Cứ cách 12 tháng khi MU công bố doanh thu tài chính, các cổ động viên đội bóng lại được nghe Ed Woodward, người từng có thời gian làm một kế toán - hứa hẹn về một United sẽ trở lại thời hoàng kim trên sân cỏ.

Đã 7 mùa giải trôi qua từ khi Ed Woodward ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất ở Old Trafford, và MU không giành được danh hiệu Ngoại hạng Anh nào. Họ thường xuyên lép vế trong các cuộc đua danh hiệu.

Hãy nhớ rằng tính trong 7 mùa giải trước khi Ed Woodward đến (2007-2013), "Quỷ đỏ" đã vô địch Ngoại hạng Anh 5 lần, và vào chung kết Champions League 3 lần.

Manchester United và bi kịch 'tiền nhiều để làm gì' - 1
Nhiều bản hợp đồng được MU mua về trong sự vội vã.

Hiển nhiên sự sa sút của Man Utd còn đến từ sự ra đi của HLV Sir Alex Ferguson, và sẽ thật không công bằng nếu đổ hết mọi thứ lên đầu Ed Woodward. Nhưng 7 mùa giải là thời gian quá đủ để phán xét nhiệm kỳ của người nắm thượng tầng CLB.

"Đủ rồi. Đã đến lúc Ed Woodward hãy từ chức", đó là nhan đề một bài bình luận đáng chú ý trên trang blog United In Focus. Chỉ trong vòng 10 ngày, Man Utd đã để Barcelona, Everton, Man City ghi 9 bàn vào lưới, và không ghi nổi một bàn nào.

Sau David Moyes đến Louis van Gaal, từ Jose Mourinho đến bây giờ là Solskjaer, họ đều chưa mang đến sự khởi sắc cho MU. Đó một phần do cách đội bóng này hoạt động trên thị trường chuyển nhượng để lại nhiều dấu hỏi.

Từ Marouane Fellaini - bản hợp đồng đầu tiên khi Ed Woodward nhậm chức - đến Radamel Falcao, Angel di Maria hay Alexis Sanchez - bản hợp đồng lớn gần nhất - đều không mang đến sự hiệu quả.

Gary Neville, một người cũ của MU, tin rằng công cuộc tái thiết đội nhà cần được bắt đầu dựa trên nền tảng "bóng đá thật sự", đứng trên góc nhìn của một người làm bóng đá, chứ không phải làm thương mại.

Manchester United và bi kịch 'tiền nhiều để làm gì' - 2
MU lẽ ra cần đầu tư nghiêm túc vào đội hình hơn.

Đó hiển nhiên là những lời Neville dành cho Ed Woodward. Những bản hợp đồng mua sắm hào nhoáng chỉ giúp CLB tăng thêm doanh thu ngoài sân cỏ, chứ không giúp ích nhiều cho đội bóng. Nhìn Alexis Sanchez đánh đàn piano thích thật, nhưng cách anh phá vỡ cấu trúc bóng đá của MU thật đáng buồn.

Hãy để MU trở lại là CLB bóng đá

Tháng 3/2019, gần 3 năm sau ngày bị sa thải, HLV Louis van Gaal lên báo nói về một Manchester United "không may", khi đang trở thành một CLB mang nhiều yếu tố thương mại hơn là bóng đá.

"Tôi đã nói chuyện với Ferguson về điều này vào năm cuối của ông ấy. Ông ấy cũng gặp vấn đề tương tự tôi" , Van Gaal nói.

Những lời của cựu thuyền trưởng người Hà Lan đủ uy tín để người ta mường tượng ra cách mà các ông chủ của MU đặt yếu tố thương mại lên trên những thành công sân cỏ.

Và hiển nhiên, lỗi không phải chỉ của Ed Woodward. Nhà Glazer, những người từng có giai đoạn bị tẩy chay mạnh mẽ ở United, có lẽ chính là người đứng đằng sau tất cả.

Ngay cả một HLV đầy quyền lực và quyết liệt như Ferguson cũng rơi vào vòng xoáy của “thương mại” ở United. Vì vậy, tất cả đừng trách tại sao Moyes, Van Gaal hay thậm chí là Mourinho cũng gặp vấn đề.

MU cần một giám đốc kỹ thuật, người có chuyên môn am hiểu bóng đá thật sự. Nhưng liệu nhà Glazer có sẵn sàng cho một cuộc cải cách triệt để. Liệu những nhà đầu tư người Mỹ có chấp nhận thay đổi một cỗ máy kiếm tiền đang ngon trớn?

Tony Evans, nhà báo người Anh của tờ Fooball Spin, thậm chí còn tin rằng "khi nào Man Utd vẫn còn là con gà đẻ trứng vàng, nhà Glazer chừng đó sẽ không thay đổi cách họ vận hành CLB như hiện tại".

Quá giàu cũng có thể là một cái tội. Các CĐV United hẳn đang thấm thía điều đó. Họ thậm chí có thể ước, CLB yêu quý của mình kiếm tiền ít hơn một chút, để bóng đá có thể trở thành thứ được ưu tiên số 1.

Theo Vũ Duy (Tri Thức Trực Tuyến)