Thể thao

Lộ diện kẻ “chống lưng” giúp K+ quyết độc quyền Ngoại hạng Anh

Nắm cổ phần đa số 51% nhưng VTV đã "trao" quyền kiểm soát K+ cho Canal+ Group của Pháp. Điều này lý giải vì sao K+ nhất quyết tách khỏi Ban đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh do VNPay TV lập ra nhằm nhằm 1 mình tiếp cận với MP&Silva.

Nắm cổ phần đa số 51% nhưng VTV đã "trao" quyền kiểm soát K+ cho Canal+ Group của Pháp. Điều này lý giải vì sao K+ nhất quyết tách khỏi Ban đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh do VNPay TV lập ra nhằm nhằm 1 mình tiếp cận với MP&Silva.

K+ muốn tiếp tục độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh. Ảnh: IT.

Người ta cũng đặt câu hỏi, tại sao K+, trên lý thuyết là thuộc quyền kiểm soát của đài truyền hình Việt Nam (VTV nắm giữ 51% cổ phần tại K+, là ngưỡng chi phối, Canal+ Group của Pháp chỉ nắm giữ 49%), lại không bao giờ có được tiếng nói chung với những đài anh em còn lại? Tại sao VTV luôn im lặng trước những động thái của K+?

Báo cáo tài chính năm 2015 của Canal+ có thể lý giải điều này. Trong phần liệt kê các công ty con nằm dưới quyền kiểm soát của Canal+, có tên VSTV (Công ty Truyền hình vệ tinh số Việt Nam – K+), mặc dù Canal+ chỉ sở hữu 49%.

Theo đó, kết quả kinh doanh của VSTV vẫn được hợp nhất vào kết quả kinh doanh chung của Canal+ cũng như tập đoàn mẹ Vivendi do Canal+ nắm quyền vận hành cũng như quyền kiểm soát tài chính của VSTV+, nói nôm na, Canal+ vẫn là công ty kiểm soát VSTV dù không nắm cổ phần đa số. Điều khoản này đã được phía VTV chấp thuận.

Như vậy, dù VTV là cổ đông chi phối, nhưng trên thực tế, tập đoàn Pháp Canal+ mới là người thực sự điều hành các hoạt động cũng như chiến lược phát triển của K+. Quan trọng hơn, VTV đồng ý với điều khoản này.

Một câu chuyện tương tự xảy ra ở FPT Telecom với 2 cổ đông chính là FPT và SCIC. Mặc dù SCIC sở hữu trên 50% cổ phần nhưng SCIC đã từ bỏ quyền kiểm soát và trao lại quyền này cho FPT. Kết quả kinh doanh của FPT Telecom vẫn được hợp nhất vào kết quả chung của FPT dù FPT chỉ sở hữu xấp xỉ 45% cổ phần.

Quay lại câu chuyện tranh giành bản quyền Ngoại hạng Anh, việc K+ muốn tiếp tục đơn phương giành lấy quyền phát sóng có thể tác động nghiêm trọng tới các đài truyền hình khác.

Gần đây, K+ đã tuyên bố giảm giá gói cước của mình xuống còn 125.000 đồng/tháng, ngang bằng với mặt bằng chung thị trường hiện nay (giá cước trước đây là 230.000 đồng/tháng). Việc giảm giá cộng thêm độc quyền Ngoại hạng Anh sẽ khiến áp lực của K+ tới các nhà mạng tăng lên gấp đôi.

Việc K+ giảm giá mạnh cho thấy hãng đang nóng lòng muốn tăng trưởng số lượng thuê bao. Hiện tại, K+ mới có khoảng 800.000 thuê bao, còn rất nhỏ so với con số 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền cả nước.

Theo Trang Lam (CafeBiz.vn/Trí thức trẻ )