Thể thao >> Thể thao trong nước

Khó áp dụng VAR ở V-League

Kinh phí để thực hiện VAR, những quy định của FIFA, đội ngũ trọng tài đáp ứng được chuyên môn... đều không đủ để V-League có thể áp dụng công nghệ hỗ trợ còn nhiều tranh cãi này

Nếu công nghệ video trợ giúp trọng tài (VAR) được áp dụng ở V-League 2019, Việt Nam sẽ cùng với Thái Lan là 2 nền bóng đá đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng công nghệ mới mẻ này.

Cách đây vài ngày, đội tuyển Việt Nam chịu thất bại 0-1 trước Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019 vì một bàn thua đến từ VAR.

Trong một cuộc trao đổi với giới truyền thông mới đây, Trưởng Ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho rằng tính khả thi của việc áp dụng VAR tại V-League 2019 không cao. "Nếu có áp dụng VAR vào V-League thì tốt quá, giảm áp lực rất nhiều cho trọng tài. Những tình huống nhanh quá, trọng tài không nhận định được thì VAR sẽ trợ giúp đắc lực. Dù vậy, để áp dụng VAR, đòi hỏi nguồn nhân lực cũng như vật lực lớn. Theo tôi, mình chưa đủ khả năng sử dụng công nghệ này vì đắt quá, lại sử dụng nhiều trọng tài. Bây giờ, chúng ta chỉ có 4 trọng tài trong 1 trận đấu nhưng nếu áp dụng sẽ có rất nhiều người cùng với máy móc, trang thiết bị. Nếu có tài trợ hay một giải pháp nào đó thì cũng khó áp dụng trong năm nay" - ông Hiền nhận định.

Khó áp dụng VAR ở V-League
Trọng tài Mohammed Abdulla Mohamed của UAE xem lại tình huống gây tranh cãi ở trận tứ kết Asian Cup giữa Việt Nam và Nhật Bản nhờ sự hỗ trợ của VAR Ảnh: Anh Khoa

Phân tích của ông Dương Văn Hiền không phải không có lý, dù trong phát biểu mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú tiết lộ rằng ban tổ chức V-League cố gắng áp dụng VAR để tạo ra một bước ngoặt lớn khi công tác trọng tài vẫn còn là vấn đề nan giải với những sai lầm mang tính hệ thống.

VAR là công nghệ đang được áp dụng ở các giải đấu hàng đầu thế giới như La Liga, Serie A, World Cup và vòng 5 Cúp Quốc gia Anh (FA Cup) hay sắp tới là Thái Lan, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tuyên bố sẽ áp dụng ở mùa Thai League 2019. Với sự chính xác lên đến trên 90%, VAR được coi là cuộc cách mạng sẽ chấm dứt các vấn đề liên quan đến những quyết định sai lầm của trọng tài trên sân.

Theo kế hoạch, đơn vị nắm giữ bản quyền giải đấu sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, máy quay, kỹ thuật truyền hình để bảo đảm cho công nghệ VAR. Tuy nhiên, ngay từ vấn đề đầu tiên là "tiền đâu", xem ra đã khó khăn cho ban tổ chức V-League. Theo như tìm hiểu, ở VCK World Cup 2018, mỗi trận đấu sử dụng VAR, chi phí khoảng 700.000 USD. Như vậy, nếu đúng như VPF mong muốn mỗi vòng sẽ sử dụng VAR ở 1 trận cầu tâm điểm, tổng số tiền mà ban tổ chức V-League phải trả cho FIFA là hơn 18 triệu USD cho 26 trận đấu, tương đương khoảng 427 tỉ đồng.

Thống kê này đồng nghĩa chi phí cho VAR bằng số tiền một nhà tài trợ chính của V-League tài trợ trong khoảng... 10 năm. Chưa hết, khi áp dụng công nghệ này thì cần phải đào tạo thêm. Đó là trọng tài dido, người ở trong khu vực quan sát. Ngoài ra, còn thêm ít nhất 3 trọng tài khác hỗ trợ trọng tài dido và với số lượng trọng tài bây giờ đủ chứng chỉ ở Việt Nam thì như ông Dương Văn Hiền thừa nhận là không đủ. 

Tận dụng băng ghi hình phát chậm?

Ngoài ra, việc vận hành VAR bắt buộc phải có sự giám sát đặc biệt từ người của FIFA, với hàng loạt yêu cầu khắt khe về quy chuẩn... Điều đó tạo ra sự lãng phí trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng.

Điều này cho thấy tính khả thi của VAR ở V-League 2019 không cao. Tuy nhiên, ban tổ chức V-League vẫn có thể phối hợp cùng các nhà đài, sử dụng một số băng hình để phát chậm lại các tình huống tranh cãi để trọng tài xử lý trực tiếp trên sân mà không bắt buộc phải gọi là VAR cũng như không phải xin phép FIFA. Đó có thể là phương án tối ưu mà VPF áp dụng ở mùa bóng tới đây.

Theo Anh Dũng (Nld.com.vn)