Thể thao >> Thể thao trong nước

Khi U23 được thương mại hóa thì tình yêu bóng đá phải đo bằng tiền

Có thể sắp tới người hâm mộ sẽ không được xem U23 Việt Nam thi đấu tại ASIAD 18 do VTV không mua được bản quyền truyền hình.

Khi U23 được thương mại hóa thì tình yêu bóng đá phải đo bằng tiền
Sau vòng chung kết giải U23 Châu Á , hình ảnh cầu thủ U23 Việt Nam được sử dụng vào quảng cáo khá nhiều (Ảnh: Quang Hải (19) tại vòng chung kết U23 Châu Á/M.T).

Là bởi, cái giá bản quyền ASIAD 2018 được cho rằng không dưới 1 triệu USD dành cho thị trường Việt Nam chứ không còn mức giá tượng trưng như bao lần trước nữa.

Vâng, năm 2018 rồi, bản quyền nội dung nói chung và truyền hình nói riêng đang xắt ra tiền thì làm gì còn “mức giá tượng trưng”. Chúng ta, những người hâm mộ Việt Nam, phải quen dần với điều này thôi.

Thực tế đã quá rõ. Ngay sau vòng chung kết giải U23 Châu Á đội tuyển U23 Việt Nam đoạt huy chương bạc, thủ môn Bùi Tiến Dũng đã được báo giá truyền thông, sự kiện lên đến hàng ngàn USD mỗi lần xuất hiện. Quang Hải xuất hiện trong clip quảng cáo bia trên truyền hình dù có nhiều lời bàn ra tán vào. Và ngay một người trầm tính như HLV Park Hang-seo cũng đã tham gia nhiều TVC quảng cáo với động tác ăn mừng mạnh mẽ.

Có lẽ chưa có đội tuyển bóng đá nào của Việt Nam có được tốc độ thương mại hóa hình ảnh cầu thủ và HLV nhanh và có mức chào giá cũng “đắt xắt ra miếng” như vậy. Cũng là xu thế thôi, khi nổi tiếng rồi thì cầu thủ trở thành người của công chúng, bản quyền hình ảnh cũng là một thứ tài sản tạo ra nguồn thu lớn. Cầu thủ cũng cần có cuộc sống sung túc thậm chí giàu có.

Chỉ có điều là, một giải đấu mang tính giao hữu khởi động trước khi vào ASIAD 2018 sẽ diễn ra tại SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) từ ngày 3-7.8.2018, cũng đã được nhà tổ chức nhanh nhẩu “xắt” ra giá vé cao ngất ngưởng với các mức 150.000-200.000-300.000-400.000 đồng dù đã có nhà tài trợ. 

Người hâm mộ đã từng vui mừng tột đỉnh khi U23 Việt Nam vào được trận chung kết giải Châu Á và sau đó buồn rười rượi khi đội bị đả bại vào phút chót. Tình yêu bóng đá gắn với tuyển U23 Việt Nam khi đó dù sao cũng còn thuần khiết chứ chưa bị sự can thiệp của thương mại hóa như bây giờ, dù mới chỉ sau khoảng 6 tháng. Bây giờ, có tình yêu ấy mà không có đủ tiền mua những chiếc vé vào sân xem các trận đá giao hữu kia thì cũng đành chấp nhận một… tình yêu nín nhịn.

Vậy nên tình yêu bóng đá của người hâm mộ đối với U23 Việt Nam hay những đội tuyển U khác trong tương lai cần phải được đo bằng tiền nữa: Tiền để mua vé vào cửa, tiền để nhà đài mua bản quyền truyền hình.v.v…  

U23 Việt Nam, những chàng trai máu lửa yêu dấu của chúng ta tháng giêng ngày nào đầy gần gũi ngay trong lễ vinh danh và giao lưu, sao giờ vẫn đấy mà cứ dần xa vời vợi.

Theo Thế Lâm (Lao Động)