Thể thao >> Thể thao trong nước

Huỳnh Đức, Công Vinh và chuyện bè phái trong bóng đá Việt Nam

Qua những bộc bạch của cựu tiền đạo Lê Công Vinh trong cuốn tự truyện "phút 89", độc giả đã có cái nhìn cận cảnh về nạn bè phái trong bóng đá Việt Nam.

Ở chương 6 mang tên "Cú sốc ở đội tuyển", trang 65, Công Vinh kể về đợt được gọi tập trung lên đội tuyển quốc gia năm anh 19 tuổi. Thời điểm này anh được sinh hoạt cùng trung phong nổi tiếng Lê Huỳnh Đức. Công Vinh cho biết anh đã rất vui sướng khi được gặp Huỳnh Đức, một trong những người anh xem như tượng đài và vô cùng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, Công Vinh phải sớm vỡ mộng vì thái độ của người đàn anh. Cựu số 9 ĐTQG Việt Nam viết: "Đến một đợt triệu tập sau này dưới thời Henrique Calisto, khi gặp đàn anh ở trung tâm, tôi hỏi anh: 

- Anh Đức, mai mình mặc đồ gì tập vậy, mấy giờ vậy? 

Đấy là một thắc mắc hết sức bình thường, vậy mà anh ấy trả lời

- Riêng mày thì thích mặc cái gì thì mặc, tập giờ nào thì tập. 

Câu trả lời kiểu "kệ mày" làm tôi bị sốc. Lúc trước thì tôi nghĩ anh Đức ghét tôi. Bây giờ thì tôi ... không còn nghi ngờ gì nữa. Ảnh ghét tôi thật" - trích tự truyện "phút 89".

Huỳnh Đức, Công Vinh và chuyện bè phái trong bóng đá Việt Nam
Cuốn tự truyện của Công Vinh có nhiều chi tiết rất nhạy cảm.

Đó chưa phải tất cả.

Giọng văn được nhà báo Trần Minh chấp bút cho cuốn tự truyện của Công Vinh còn mô tả Huỳnh Đức và một số cầu thủ khác như "người đàn anh" rất có tiếng nói trong ĐTQG, kiểu như John Terry và phần còn lại ở Chelsea vậy. Những sinh hoạt, tập luyện và phong cách của nhóm cầu thủ cũng rất khác so với các đồng đội.

Nói thẳng ra, đây là nạn bè phái trong bóng đá Việt Nam. Vấn nạn này từ lâu được biết đến, tuy nhiên đã không có ai đủ can đảm để nói ra sự thật.

"Những người lớn vẫn cứ chơi với nhau theo nhóm. Không lạ khi một đội tuyển bị chia rẽ bởi nạn bè phái như thế không thể thành công", trang 70 của quyển tự truyện "phút 89" đang gây nhiều tranh cãi.

Kể với Zing.vn, HLV Steve Darby không lạ khái niệm "cừu đen" hay "đại ca" trong phòng thay đồ của những ĐTQG và CLB.

Tuy nhiên, chiến lược gia từng giúp tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games đầu tiên khẳng định, trường hợp bè phái chỉ xuất hiện nhiều ở nền bóng đá tiên tiến, nơi tập trung nhiều tên tuổi đẳng cấp thế giới.

"Chỉ tại Anh, Tây Ban Nha mới có chuyện bè phái. Còn với bóng đá Đông Nam Á, tôi không thấy nhiều những trường hợp như vậy. Khái niệm "cừu đen" xuất hiện nhiều ở châu Âu vì các cầu thủ nổi tiếng luôn sở hữu cái tôi và bản ngã rất lớn. Họ tự cho mình cái quyền điều khiển phòng thay đồ, ra lệnh cho người khác", ông Darby nói với Zing.vn.

Huỳnh Đức, Công Vinh và chuyện bè phái trong bóng đá Việt Nam - 1
Nó kể về sự chia rẽ trong nội bộ ĐTQG Việt Nam.

Với những ai yêu bóng đá, họ chắc chắn không thể quên Raul Gonzalez Blanco, Fernando Hierro hay John Terry..., đó toàn "cừu đen" nổi tiếng của bóng đá thế giới.

Những cầu thủ có tiếng nói trong phòng thay đồ không phải lúc nào cũng mang hình ảnh kẻ khoác áo choàng đen. Đôi lúc, "cừu đen" rất có ích khi có thể dàn xếp vài ba chuyện bất hòa.

Còn để chỉ ra tác hại của chuyện bè phái, "cừu đen" từ ĐTQG đến các CLB Việt Nam, có lẽ mười bài viết cũng không lột tả hết.

Người thân một cầu thủ (xin được giấu tên) từng kể với Zing.vn rằng, "con tôi hoàn toàn bị cô lập trong một trận đấu tại giải U21 quốc tế 2017 diễn ra trên sân Cần Thơ. Thằng bé phải chạy khắp sân để xin bóng".

Vì sao lại như vậy? Đó là bởi tập hợp đội bóng ấy có phân nửa quân số đến từ lò đào tạo trẻ danh tiếng tại Việt Nam.

Lứa cầu thủ này ăn tập, chơi bóng từ nhỏ, do đó trên sân rất hiểu ý nhau. Chúng chỉ chuyền cho những đồng đội ở cùng CLB, mà quên rằng bản thân đang khoác áo đội tuyển trẻ Việt Nam, nơi giá trị tập thể phải được ưu tiên hàng đầu.

Huỳnh Đức, Công Vinh và chuyện bè phái trong bóng đá Việt Nam - 2
Lee Nguyễn không thành công ở V.League một phần vì nạn bè phái.

Sau này, chuyện bè phái trong bóng đá tăng lên hay giảm xuống thì không ai biết. Nhưng một điều chắc chắn, người hâm mộ thấy rõ nhất vấn nạn này vào đầu năm 2000, thời điểm các CLB V.League có ngoại binh và cầu thủ Việt kiều thi đấu.

Lúc này, tình trạng chia rẽ nội bộ được thể hiện rõ nhất khi nội binh không chịu chuyền bóng cho ngoại binh. Đa phần, những cầu thủ có chất lượng chuyên môn tốt, gắn bó lâu dài với đội bóng sẽ được những người mới đến tôn như “đại ca”.

Tiếng nói của “đại ca” có trọng lượng và dĩ nhiên, ngoại binh mới đến nếu không hợp cạ sẽ bị cô lập. Chúng ta từng thấy một Lee Nguyễn rất tài năng trên đất Hà Lan và Đan Mạch, song vô cùng lận đận khi về V.League.

Đó là bởi không ai chịu chuyền bóng cho Lee Nguyễn ở phía trên. Điều đáng tiếc tác động lớn tới lối chơi cũng như diện mạo của đội bóng.

Hay như năm 2016, thủ thành Việt kiều Đặng Văn Lâm của Hải Phòng chỉ vì mắc sai sót trong trận gặp Cần Thơ đã vấp phải sự chỉ trích đến từ... rất nhiều đồng đội, một số hùng hổ đòi "xử đẹp" thủ môn đội nhà. 

Cầu thủ Lê Văn Thắng khi ấy còn nói: "Bắt được mấy trận đã khệnh khạng". Thái độ giữa những cầu thủ Hải Phòng cho thấy mối quan hệ giữa các cầu thủ và Lâm "Tây" tệ đến thế nào.

Ở nhiều CLB của Việt Nam, chuyện "kết bè kết phái" không lạ, theo đó luôn có những nhóm lợi ích trong mỗi tập thể và thường mọi tân binh phải chiều lòng nhóm này nếu muốn tồn tại. Vấn nạn ấy cứ thế diễn ra từ năm này đến tháng nọ và không có hồi kết.

Theo Nguyên Trí (Tri Thức Trực Tuyến)