Thể thao

Huyền thoại Argentina: Chúng ta có hàng triệu vấn đề, và tất cả đổ hết lên đầu Messi

Jorge Valdano, người đóng vai trò quan trọng giúp Argentina vô địch World Cup 1986, đã chỉ ra những vấn đề của bóng đá nước này.

1. Có quá nhiều thứ đang đi sai hướng ở Argentina, đến mức chúng ta không còn nhận ra được cái gì đang sai, có quá nhiều chuyện xảy ra, khiến chúng ta không còn biết được chuyện gì đang xảy ra.

Nền bóng đá của chúng tôi đang lâm vào một cuộc khủng hoảng và nó không phải lúc nào cũng như vậy. Trong suốt một thời gian dài, bóng đá chính là thứ đã giúp cải thiện nền kinh tế, xã hội và chính trị suy yếu của chúng tôi.

Không ai biết nó bắt đầu từ khi nào và ở đâu, cũng chẳng có một lý thuyết nào về nó cả. Điều đúng đắn ở đây là, từng chút một, chúng tôi sẽ phải tránh xa quả bóng, thứ mà chúng tôi đang yêu thích còn hơn cả bản thân trận đấu.

Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều phong cách, chính chúng là những thứ đã đưa mọi người tại đất nước này đến với sân vận động, nơi mà họ muốn gào lên "Olé!" mỗi khi được chiêm ngưỡng ai đó đi bóng, vượt qua một cầu thủ đối phương và trêu chọc anh ta, hay khi chúng tôi nhìn thấy những pha ban bật một-hai hoặc những nét mặt đầy xảo quyệt, tinh ranh.

Đó đã từng là cuộc sống của chúng tôi. Với việc sở hữu rất nhiều tài năng vĩ đại, chúng tôi đã từng được xem là một đội bóng của những thiên tài.

Huyền thoại Argentina: Chúng ta có hàng triệu vấn đề, và tất cả đổ hết lên đầu Messi
Maradona được tôn sùng tại Argentina.

Bóng đá là một thứ rất quan trọng đối với đất nước này; nó giúp cho chúng tôi cảm thấy mình là một trong những người giỏi nhất về một lĩnh vực được phổ biến trên toàn thế giới.

Ví dụ, thông qua bóng đá, chúng tôi cảm tưởng như mình đã khôi phục lại Malvinas vào năm 1986 nhờ Diego Maradona, người đã trở thành một anh hùng dân tộc kể từ năm đó.

Vì vậy, thảm họa của đội tuyển quốc gia đã khiến cho chúng tôi trở nên hờ hững và trống rỗng một cách khó giải thích. Làm thế nào chúng tôi có thể biết mình nên làm gì với bóng đá khi mà thậm chí còn không biết làm gì với Lionel Messi.

2. Hãy cùng quay lại điểm khởi đầu. Đường phố luôn là một ngôi trường của chúng tôi, đó là nơi chúng tôi học được mọi thứ về bóng đá, nó mang đến cho môn thể thao này một bản sắc văn hóa mạnh mẽ, sự phát triển và những màn ăn mừng đa dạng của các cầu thủ.

Nhưng đường phố giống như một giai đoạn hình thành đã biến mất và không một ai biết làm thế nào để thay thế nó bằng một mô hình giáo dục giống như ở Tây Ban Nha hay Đức. Chúng tôi có quá ít tiền, khả năng tổ chức và tầm nhìn đều yếu kém – và, với một cách đầy kiêu ngạo, chúng tôi đang quá tự tin vào vị thế của mình như một thế lực hàng đầu của thế giới bóng đá.

Ở đỉnh cao của thế giới bóng đá, đang tồn tại một tình hình vô cùng đáng báo động, đó là việc người ta quá điên cuồng tìm kiếm những chiến thắng mà quên đi niềm vui khi được chơi bóng.

Tham vọng giành chiến thắng bằng mọi giá đã làm người ta đánh mất đi chân giá trị của bản thân. Thế giới đã bị chia thành hai phần, những người chiến thắng và những kẻ thua cuộc, nó như một căn bệnh đã bắt đầu lây nhiễm cho bóng đá ngay trong giai đoạn hình thành.

Đồng thời, niềm đam mê bóng đá đã hoàn toàn bị lép vế trước sự yêu thích đối với một đội bóng, như thể một xã hội đã trở nên cá nhân hóa hơn bao giờ hết, đang cần một cái gì đó có thể kết nối nó lại một lần nữa.

Biến các câu lạc bộ thành những quốc gia nhỏ có bản sắc riêng, một cộng đồng mà người ta bảo vệ nó như thể một vấn đề mang tính sinh tử. Trên khán đài, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều; trên sân bóng; những tiếng "olé" đã biến mất để chào đón một thế giới mà người ta xem trọng những quả bóng hơn là tài năng.

Chúng ta đã được nhìn thấy trong trận đấu với Croatia. Cổ động viên liên tục hét vào các cầu thủ, còn trên khán đài, Diego Maradona thể hiện cảm xúc bằng cách lấy tay sờ "bi".

Vâng, Diego Maradona, người đàn ông đại diện cho thứ tuyệt vời mà Argentina từng có, phong cách bóng đá cũ của chúng tôi. Khát khao chiến đấu đã biến tất cả các trận đấu tại giải vô địch Argentina thành một bầy đàn không thể giải mã được – giống như một tổ kiến, chỉ biết đá và chạy hơn là suy nghĩ, và trong số đó thật khó để biết được ai là cầu thủ tốt.

Cũng có các biến số khác trong phương trình này: Khủng hoảng kinh tế, sự hỗn loạn về thể chế, trên sóng truyền hình bóng đá bị xem như một món vũ khí chính trị, tham nhũng tràn lan ở mọi cấp độ của bộ máy điều hành môn thể thao này.

Thế giới cũng chẳng giúp ích gì được cho vấn đề này: Sự toàn cầu hóa đã biến chúng tôi thành một nền kinh tế xuất khẩu, trong đó, bất kì cầu thủ nào, dù là tầm thường hay xuất sắc, cũng đều mong muốn được ra nước ngoài thi đấu.

Với những cuộc đào thoát một cách vội vã này, cộng đồng cầu thủ bóng đá của chúng tôi, đã chứng kiến đất nước này mất đi một người thầy tuyệt vời: Tính cạnh tranh. Diego Maradona là một sản phẩm thuần túy của Argentina; Messi là sự kết hợp giữa nơi sinh ra anh, Argentina, và nơi đã hoàn thiện anh, Barcelona.

Huyền thoại Argentina: Chúng ta có hàng triệu vấn đề, và tất cả đổ hết lên đầu Messi - 1
Messi đến với Tây Ban Nha từ khi còn rất nhỏ.

Tôi cũng không muốn bỏ qua sự thảm hại của những cuộc tranh luận om sòm giữa những gã nhà báo hợp với nghề diễn viên hơn là nghề làm báo, những ồn ào và sự dèm pha của chúng đã áp đặt lên người dân Argentina và cả chính bản thân Messi cái suy nghĩ anh sẽ không thể bằng được Maradona nếu không vô địch World Cup.

Thông điệp này đã ăn sâu vào trái tim của anh và khi World Cup khởi tranh, nó đã liên tục tra tấn linh hồn anh, một người đang phải gánh trên vai những kì vọng vô cùng to lớn của hơn 45 triệu người.

Và điều đó hoàn toàn sai lầm: Trong suốt 15 năm qua, không ai có thể bảo vệ niềm tự hào về bóng đá của Argentina tốt như anh và chàng trai này đã làm được điều khi đang phải hứng chịu vô số chỉ trích, dè bỉu. Messi đang bị giới tuyền thông đòi hỏi ở anh một sự xuất sắc mà cả họ cũng không dám mơ đến.

3. Trên đất Nga, hàng triệu vấn đề đều đồng loạt lộ ra.

Cuộc khủng hoảng tài năng (liệu chúng ta đã nhận ra được sau thất bại 3-0 trước Croatia rằng Argentina hoàn toàn không có một ai tài năng như Luka Modric hoặc Ivan Rakitic ở tuyến giữa).

Thiếu vắng một nhà lãnh đạo. (Liệu ai có thể giúp chúng ta thoát khỏi vấn đề này chỉ với những lời nói thích hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng đang ở ngay trước mặt).

Sự thô tục và khan hiếm của các cuộc tranh luận (chúng ta đã quên mất điều gì đã giúp chúng ta trở nên vĩ đại ư?). Argentina cần phải tiến hóa, sau giải đấu này, chúng tôi phải bắt đầu một cuộc cách mạng về giáo dục để có thể lấy lại uy tín của đất nước này.

Di truyền học có thể giúp chúng tôi, một lịch sử hào hùng có thể thúc đẩy chúng tôi, một niềm tự hào có thể mang đến cho chúng tôi năng lượng và sức mạnh.

Nhưng việc giáo dục đòi hỏi rất nhiều thời gian, tuyệt đối không được vội vàng, và ở Argentina, chúng tôi đều đã mất đi sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Làm thế nào chúng tôi có thể đưa ra một giải pháp mang tính cấp bách cho những vấn đề lớn lao như vậy?

Đội bóng này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng, những tin đồn về xung đột nội bộ đang được lan rộng, và không ai biết điều gì đang diễn ra trong đầu Lionel Messi.

Nếu Argentina nghĩ rằng các vấn đề của họ sẽ được giải quyết chỉ bằng việc kêu gọi sự can đảm và tinh thần chiến đấu, sự sụp đổ cả về mặt tình cảm lẫn bóng đá sẽ theo sau họ như một sự trừng phạt. Họ sẽ rời giải đấu ở vị trí thứ 3, với một cầu thủ bị đuổi khỏi sân vì thẻ đỏ để làm mọi thứ trở nên bi kịch hơn.

Huyền thoại Argentina: Chúng ta có hàng triệu vấn đề, và tất cả đổ hết lên đầu Messi - 2
Argentina liệu có vượt qua nổi Nigeria để mà "tự quyết"?

Để có thể đánh bại một đội bóng như Iceland, để vượt qua một tập thể tuyệt vời như Croatia và để có được một kết quả khả quan trước Nigeria, chúng ta sẽ phải cần đến tất cả những phẩm chất và giá trị bóng đá mà Argentina đã đánh mất.

Kỹ thuật, chất lượng, sự kì diệu, quyến rũ, sự chính xác; chúng ta cần phải mang tất cả những điều đó lại với nhau theo một phong cách có thể tạo ra một niềm tin tập thể, một bản sắc, có khả năng biến đội bóng rệu rã này thành một tập thể thật sự.

Thậm chí ngay cả một thiên tài cũng không thể bù đắp cho quá nhiều thất bại. Nhưng ít ra, nó vẫn hơn cái viễn cảnh một thiên tài bị chối bỏ.

Theo Nam Khánh (Soha/Trí Thức Trẻ)