Thể thao

HLV ĐT Việt Nam: Khi chuyên môn không là tất cả

Không có hồ sơ nào ứng cử dẫn dắt ĐT Việt Nam. Chẳng nhẽ cả quốc gia gần 100 triệu dân không có nổi một người tài? Nếu vấn đề chỉ là giỏi hay không thì rất dễ nói. Nhưng...

Không có hồ sơ nào ứng cử dẫn dắt ĐT Việt Nam. Chẳng nhẽ cả quốc gia gần 100 triệu dân không có nổi một người tài? Nếu vấn đề chỉ là giỏi hay không thì rất dễ nói. Nhưng...

HLV DT Viet Nam Khi chuyen mon khong la tat ca hinh anh

Các chiến lược gia nội không mặn mà với chiếc ghế HLV ĐT Việt Nam.

Xuống sân bay từ Malaysia, HLV Hữu Thắng từng đề cử 4 cái tên có thể thay mình ngồi lên ghế huấn luyện của đội tuyển gồm Lê Thụy Hải, Lư Đình Tuấn, Hoàng Anh Tuấn và Lê Huỳnh Đức. Nghĩa là bóng đá Việt Nam không phải quá thiếu những "thầy" nội có chuyên môn tốt. Nhưng việc không ai muốn lên tuyển vốn chẳng phải chuyện giỏi hay không, mà chủ yếu nằm ở những vấn đề ngoài chuyên môn.

Dưới búa...

"Chẳng biết tại sao người ta lại đặt điều tôi như thế" - HLV Hữu Thắng dù bình tĩnh trả lời phỏng vấn sau chuyến bay dài từ Malaysia về Việt Nam nhưng không thể giấu nổi thần sắc mệt mỏi. Còn chưa trở về Việt Nam nhưng trên các trang mạng xã hội ở nước nhà, nhiều thông tin tiêu cực được hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người chia sẻ về việc HLV Hữu Thắng bị công an triệu tập vì nghi ngờ U22 Việt Nam dính dáng đến "bán độ". 

Thế nhưng sau đó khi các trang báo uy tín đính chính lại thông tin, số chia sẻ thường chỉ không bằng 1/10 so với thông tin tiêu cực trước đó. À! Hóa ra cái gọi là "cộng đồng mạng" chỉ thích những thông tin theo kiểu "sốc, độc, lạ", chỉ thích cái tiêu cực mà ít tìm hiểu thông tin tích cực.

Về nhà! Đó là điều duy nhất HLV Hữu Thắng nghĩ đến sau thất bại ở SEA Games 29 để tìm lại chút khoảnh khắc bình yên, sự cân bằng trong cuộc sống. Không chỉ HLV Hữu Thắng, các học trò của ông tại tuyển U22 Việt Nam cũng chịu sức ép rất lớn từ người hâm mộ. Trang cá nhân của Hồ Tuấn Tài, Phí Minh Long hay Công Phượng - những người mắc sai lầm tại SEA Games 29 - tràn ngập những lời nhiếc móc, chửi bới vô văn hóa từ một bộ phận CĐV quá khích.

HLV DT Viet Nam Khi chuyen mon khong la tat ca hinh anh 2

Hữu Thắng chịu rất nhiều áp lực khi thất bại ở SEA Games 29 trên cương vị HLV ĐT Việt Nam.

Người thua đã đành, người thắng cũng chẳng dễ chịu hơn. HLV Mai Đức Chung giúp ĐT Việt Nam thoát khỏi chuỗi 5 trận không thắng cũng chịu rất nhiều chỉ trích từ "cộng đồng mạng", thậm chí cả những lời khó nghe từ những người đáng tuổi con, cháu vị chiến lược gia 66 tuổi. Trong buổi chia sẻ sau đó, ông Chung "xe ca" thừa nhận gia đình không thực sự ủng hộ quyết định dẫn dắt đội tuyển nam: "Gia đình rất tôn trọng tôi, nhưng họ cũng lo lắng. Các em bảo tôi đừng nhận, khó lắm, nếu được thì không sao còn thua thì mất hết".

Phải, mất hết! Ông giúp ĐT Việt Nam thắng Campuchia dù chỉ ngồi ghế tạm quyền được tròm trèm một tuần. Người ta quên đi chiến thắng của ông, thậm chí gạch toẹt đi cả những gì tuyệt vời ông làm được cùng đội tuyển nữ. Người ta thích xem bóng đá đẹp, thích thắng đẹp mà quên rằng Campuchia gần đây tiến bộ vượt bậc, quên luôn rằng Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ bóng đá thế giới. 

"Tôi không dùng Facebook dù có điều kiện. Tôi không muốn điều đó gây áp lực cho mình" - HLV Mai Đức Chung thẳng thắn thừa nhận như thế. Các chiến lược gia giàu kinh nghiệm của bóng đá Việt Nam như Trần Bình Sự hay Nguyễn Thành Vinh thừa nhận các HLV nội ngại lên tuyển vì áp lực từ dư luận là quá lớn.

... và trên đe

Trong buổi họp báo đầu tiên dưới cương vị tạm quyền, HLV Mai Đức Chung ngay lập tức bị gây áp lực. Trưởng ban Chiến lược VFF - ông Phạm Ngọc Viễn và Ủy viên VFF - ông Lê Văn Thành, công khai phản đối sự lựa chọn nhân sự cho đội tuyển một cách gay gắt. Mạc Hồng Quân là một trong hai cái tên bị đưa ra để "tranh luận" để rồi trong trận gặp Campuchia, chính cầu thủ thuộc biên chế Than Quảng Ninh thu hút hàng phòng ngự đối phương để Quang Hải đánh đầu ghi bàn ấn định chiến thắng. 

HLV DT Viet Nam Khi chuyen mon khong la tat ca hinh anh 3

Dù chỉ tạm quyền trên chiếc ghế HLV ĐT Việt Nam nhưng ông Mai Đức Chung từng chịu áp lực từ VFF.

Đó chỉ là một ví dụ trong hàng trăm trường hợp khác VFF can thiệp vào công việc chuyên môn của huấn luyện viên, đặc biệt là các chiến lược gia nội. HLV Hoàng Anh Tuấn trong quá trình chuẩn bị cho U20 World Cup 2017 cũng thừa nhận ông bị phân tâm bởi những chuyện không đáng, mà một phần trong số đó bởi lãnh đạo VFF nghi ngờ về cách huấn luyện của ông do "ép" các học trò rèn thể lực quá nhiều.

"HLV nội khó chủ động trong công việc vì bị VFF can thiệp quá nhiều. HLV nội mà dùng quá nhiều cầu thủ của 1 đội nào đấy thì đều bị quy chụp là thiên vị cho HAGL, SLNA hay bất kỳ đội nào khác" - HLV Trần Bình Sự nói thẳng vấn đề của bóng đá Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh thừa nhận HLV ngoại dễ làm việc hơn bởi có tiếng nói với VFF, những yêu cầu dễ được đáp ứng. Quan trọng hơn, họ sẽ không phải giải trình bất cứ vấn đề nào từ nhân sự, chiến thuật đến phương pháp tập luyện với VFF.

Chẳng ai thích mình mãi bị cầm tay chỉ việc, ấy thế mà thực trạng này đang diễn ra tại bóng đá Việt Nam. Việc chẳng HLV nội nào mặn mà với chiếc ghế tại đội tuyển âu cũng là điều dễ hiểu. 

Theo Như Đạt (Thể Thao Việt Nam)