Thể thao

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc

Sinh thời, huyền thoại Lý Tiểu Long đã cho rằng võ thuật Trung Quốc hầu hết là giả dối và ông hoàn mất niềm tin vào nền võ cổ truyền.

BỨC THƯ GÂY CHẤN ĐỘNG CỦA LÝ TIỂU LONG

Ngày 15/12, website 163.com (Trung Quốc) có bài viết rất đáng chú ý với tiêu đề: "Bức thư của Lý Tiểu Long phơi bày: "Võ thuật Trung Quốc là giả dối và tôi mất niềm tin vào võ thuật Trung Quốc".

Như chúng ta thường biết, Lý Tiểu Long là huyền thoại lừng lẫy của võ thuật Trung Quốc, được ca ngợi là "ông hoàng võ thuật Trung Hoa" và là người truyền bá Kungfu Trung Quốc ra khắp thế giới.

Nhiều người cho rằng ông là tài năng xuất chúng mà cho tới nay, sau nhiều thập kỷ, giới võ thuật vẫn không thể tìm được "Lý Tiểu Long thứ hai" và nếu không có Lý Tiểu Long, thế giới sẽ không thể biết tới Kungfu Trung Quốc một cách rộng rãi.

Thế nhưng cách đây không lâu, một nhân vật trong giới võ lâm Trung Quốc bất ngờ tiết lộ một bức thư viết tay của Lý Tiểu Long, được ông gửi cho người bạn của mình là William. Trong bức thư này, Lý Tiểu Long thẳng thừng tuyên bố rằng ông đã mất niềm tin vào võ thuật truyền thống Trung Quốc bởi ông cảm thấy hầu hết các môn võ ở Trung Quốc đều là giả dối, không có giá trị trong thực tế.

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc
Bức thư của Lý Tiểu Long gây xôn xao làng võ Trung Quốc.

Căn cứ theo nét chữ thì bức thư này chính xác được viết tay bởi Lý Tiểu Long chứ không thể có chuyện nó được tạo ra từ một kẻ mạo danh để làm giảm uy tín của nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa.

Ngay khi bức thư này được tiết lộ, nó lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người "không thể tin nổi" rằng chính Lý Tiểu Long – một tượng đài của võ thuật Trung Quốc lại nói ra điều đó. Bởi trong suy nghĩ của hầu hết người hâm mộ võ thuật, Lý Tiểu Long là người đam mê võ thuật cổ truyền và còn theo học phái Vịnh Xuân Quyền.

Có thể nói, lý do khá quan trọng khiến Lý Tiểu Long trở thành một cao thủ Kungfu là nhờ võ cổ truyền Trung Quốc. Nhưng tại sao Lý Tiểu Long lại nói rằng ông mất niềm tin vào võ thuật Trung Quốc?

Trong bức thư được họ Lý viết bằng tiếng Anh có đoạn rất đáng chú ý với nội dung: "William, mặc dù tôi vẫn tuyên bố sử dụng võ thuật Trung Quốc, nhưng tôi đã mất niềm tin vào võ Trung Quốc. Bởi vì hầu hết tất cả những môn võ Trung Quốc đều giống như bơi trên cạn, ngay cả trong môn Vịnh Xuân Quyền cũng như vậy".

Lý Tiểu Long cũng nói với Willian rằng ông đã chuyển từ tập luyện võ cổ truyền Trung Quốc sang luyện các phương pháp chiến đấu đường phố để kỹ năng của ông trở nên hiệu quả hơn.

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc - 1
Lý Tiểu Long thừa nhận ông mất niềm tin vào võ truyền thống Trung Quốc.

VÌ SAO LÝ TIỂU LONG MẤT NIỀM TIN VÀO VÕ THUẬT TRUNG QUỐC?

Đây là mệnh đề đã được website 163.com đặt ra. Tờ báo Trung Quốc câu trả lời thực tế rất đơn giản, đó là bởi võ thuật Trung Quốc có tính thực chiến rất kém. Hơn nữa, Lý Tiểu Long là người cực kỳ coi trọng yếu tố hiệu quả trong thực tiễn.

Đáng nói, không chỉ riêng Lý Tiểu Long mà nhiều chuyên gia khác đều cho rằng võ thuật Trung Quốc thực sự rất tầm thường trong thực chiến.

Ví dụ như "siêu sao Kungfu" Lý Liên Kiệt. Chính ông từng công khai tuyên bối trong cuộc phỏng vấn rằng những gì mà ông làm trên phim đều là những "điều kỳ diệu" hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên, Lý Liên Kiệt cho rằng, điều đó không có nghĩa võ thuật cổ truyền là vô dụng, chỉ là khả năng thực tế không thể so sánh với những loại hình khoa học và hiện đại hơn như MMA hay chiến đấu đường phố…

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc - 2
Lý Liên Kiệt từng thừa nhận rằng tính thực chiến của võ truyền thống Trung Quốc là rất kém.

Đối với Lý Tiểu Long, lý do khiến ông mất niềm tin vào võ thuật truyền thống Trung Quốc nằm ở điều này. Điểm quan trọng nhất khiến chúng ta luôn cho rằng Lý Tiểu Long là người vĩ đại, bởi Lý Tiểu Long có thể nhận ra khuyết điểm của bản thân. Với danh tiếng và thực lực của Lý Tiểu Long lúc sinh thời, nếu chỉ dựa vào võ thuật cổ truyền, ông cũng có thể đóng phim như một siêu sao và kiếm rất nhiều tiền.

Nhưng Lý Tiểu Long không làm như vậy, bởi ông có nỗi ám ảnh của riêng mình với "Kungfu". Đây cũng là điểm khác biệt giữa Lý Tiểu Long so với những võ sư được gọi là "cao thủ võ truyền thống" khác. Điểm khác biệt ở đây là dù có nổi tiếng đến đâu, ông cũng không bao giờ lừa dối bản thân hay lừa dối người khác. Đối với Lý Tiểu Long thì dù là người Trung Quốc hay phương Tây, yếu tố thực dụng luôn là một điều tốt cần phải được coi trọng.

Đặc biệt là sau khi Lý Tiểu Long ra nước ngoài, khi gặp nhiều võ sĩ Mỹ, Lý càng cảm thấy võ truyền thống Trung Quốc không thực dụng. Ông cho rằng võ cổ truyền chỉ để trông đẹp hơn, thay vì trở nên mạnh hơn.

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc - 3
Võ truyền thống Trung Quốc không phù hợp với triết lý của Lý Tiểu Long.

TẠI SAO VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN TRUNG QUỐC KHÔNG THỰC DỤNG?

Theo 163.com, Lý Tiểu Long thất vọng với võ cổ truyền Trung Quốc vì nó không thực dụng và không hợp với triết lý võ thuật của ông. Võ cổ truyền Trung Quốc thường bị cường điệu thông qua điện ảnh, văn học và trên thực tế, võ cổ truyền thường kém hiệu quả hơn hẳn so với Sanda (tán thủ - môn võ chắt lọc những kỹ thuật thực dụng từ võ cổ truyền) hoặc chiến đấu tự do.

Võ cổ truyền thiếu Trung Quốc tính thực dụng có lý do quan trọng là bởi hầu hết các chiêu thức của nó đều phức tạp, mà các chiêu thức đó lại chỉ để đẹp mắt hoặc có tác dụng dưỡng sinh nhiều hơn là chiến đấu.

So với các loại hình chiến đấu hiện tại, đường lối của võ cổ truyền Trung Quốc thanh thoát và hoa mĩ, rất đẹp mắt nhưng lại thiếu thực dụng. Trong khi đó, nếu để chiến đấu thì võ thuật phải càng đơn giản càng tốt.

Hé lộ bức thư gây chấn động của Lý Tiểu Long viết về 'sự giả dối' của võ Trung Quốc - 4
Lý Tiểu Long cho rằng hầu hết võ Trung Quốc là giả dối, không có nhiều giá trị thực tế.

Ngoài ra, có một thói quen xấu trong giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc, đó là khi các sư phụ dạy cho học trò, họ thường giữ lại một hoặc hai chiêu, nói chung đó là những chiêu thức lợi hại nhất để ngăn học trò "nổi loạn". Nhưng theo cách này, nhiều kỹ thuật sẽ dần bị mai một theo thời gian. Đây cũng có thể coi là tư duy bảo thủ mà nhiều võ sư cổ truyền Trung Quốc mắc phải suốt nhiều thế kỷ qua.

Lý do cuối cùng và có thể quan trọng nhất, là bởi võ cổ truyền Trung Quốc không có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Cho dù là Sanda, MMA hay hầu hết các môn võ thuật hiện đại khác, những VĐV chuyên nghiệp đều được hỗ trợ bởi khoa học. Họ có quy trình tập luyện rất khoa học và bài bản mỗi ngày, chế độ, cường độ tập luyện của họ hoàn toàn khác xa so với võ thuật cổ truyền.

Theo Tiểu Mã (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/he-lo-buc-thu-gay-chan-dong-cua-ly-tieu-long-viet-ve-su-gia-doi-cua-vo-trung-quoc-820201612164155428.htm