Thể thao

Đại cao thủ Bát Cực Quyền được xếp cao hơn Lý Tiểu Long, có đòn lấy mạng kẻ địch trong nháy mắt

Trong danh sách 10 võ sư giỏi nhất Trung Quốc thời hiện đại, Lý Thư Văn là cao thủ được đánh giá lợi hại hơn hẳn so với huyền thoại Lý Tiểu Long.

TRUYỀN NHÂN BÁT CỰC QUYỀN CÓ VÕ CÔNG GIỎI HƠN LÝ TIỂU LONG?

Cách đây không lâu, tờ Sohu của Trung Quốc có bài viết với tiêu đề: "10 võ sư trong lịch sử hiện đại: Lý Tiểu Long chỉ xếp thứ tám, ngôi đầu không cần phải bàn cãi".

Theo như bài viết này, nhiều nhà nghiên cứu võ thuật của Trung Quốc cho rằng Lý Tiểu Long tuy là một võ sư huyền thoại được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ, nhưng thực chất, võ thuật của ông chỉ lợi hại trên màn ảnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng Lý Tiểu Long chỉ xứng đáng được đứng thứ 8 trong số 10 võ sư giỏi nhất, không thể so sánh với một số huyền thoại khác của làng võ Trung Quốc ở thế kỷ 19 và 20.

Người đứng đầu trong danh sách 10 đại cao thủ của võ lâm Trung Quốc thời kỳ hiện đại là huyền thoại Tôn Lộc Đường (1860-1933). Người xếp thứ hai, được đánh giá có trình độ khá tương đương với Tôn Lộc Đường là Lý Thư Văn – một huyền thoại lẫy lừng của môn phái Bát Cực Quyền.

Theo tài liệu của Baidu thì Lý Thư Văn sinh năm 1862 và mất năm 1934, đến từ tỉnh Hồ Bắc, một trong những cái nôi của nền võ thuật cổ truyền Trung Quốc. Ông chính là truyền nhân đời thứ năm của môn phái Bát Cực Quyền.

Theo các nhà nghiên cứu võ thuật ở Trung Quốc thì nếu như không có "thiên tài" Lý Thư Văn, sẽ không có vinh quang của Bát Cực Quyền. Sinh thời, ông thậm chí còn được ca ngợi là "cao thủ có tài bắn súng thiện xạ và võ thuật vô song trên thế giới".

Đại cao thủ Bát Cực Quyền được xếp cao hơn Lý Tiểu Long, có đòn lấy mạng kẻ địch trong nháy mắt
Huyền thoại võ thuật Lý Thư Văn (1862 - 1934)

Lý Thư Văn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ông có thể hình thấp bé, cao chưa tới 1,6m nhưng cực kỳ lanh lợi, thông minh và mạnh mẽ. Từ thuở nhỏ, Lý Thư Văn đã có niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật. Thế nhưng, nhiều võ sư ở Hồ Bắc lại cho rằng gia đình Lý Thư Văn quá nghèo và bản thân Thư Văn còn quá nhỏ nên đã không thu nhận cậu làm đệ tử.

Với ý chí sắt đá, Lý Thư Văn quyết tâm đi tới nhiều nơi để tầm sư học đạo. Cuối cùng, cơ duyên đã cho ông được gặp gỡ Trương Cảnh Tinh – vị cao thủ là truyền nhân đời thứ tư của Bát Cực Quyền. Nhận thấy Lý Thư Văn thông minh lanh lợi, siêng năng lại có những tố chất đặc biệt, Trương Cảnh Tinh đã nhận Thư Văn làm đệ tử.

Theo website Zhuanlan.zhihu.com thì hàng ngày, Lý Thư Văn đều phải lặn lội 18 dặm đến nhà của sư phụ để luyện võ, bất kể dù mưa hay nắng. Sau ba năm miệt mài luyện võ dưới sự chỉ dạy tận tình của sư phụ, công phu của Lý Thư Văn đã có bước phát triển vượt bậc.

Thấy Thư Văn đã trở thành một cao thủ, sư phụ Trương Cảnh Tinh đã giới thiệu Lý Thư Văn cho nhiều bậc thầy võ thuật khác ở Trung Quốc. Lý Thư Văn bái biệt sư phụ rồi tiếp tục bôn tẩu giang hồ để vừa học võ thuật, vừa dạy học và kiếm sống.

Được sự giới thiệu của Trương Cảnh Tinh, Lý Thư Văn thọ giáo võ sư Hoàng Sĩ Hải (1829-1914), người được cho là có võ nghệ xuất chúng. Sau đó, Thư Văn đã theo học dưới sự chỉ dạy của chân sư Hoàng Sĩ Hải trong suốt 6 năm.

Tờ Baidu viết rằng Lý Thư Văn đã luyện tập các tuyệt kỹ võ thuật Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh, Đoán Cốt Kinh với sức mạnh và sự kiên trì đến phi thường. Vài năm sau, công phu của Lý Thư Văn đã tiến bộ nhảy vọt.

Chuyện kể rằng, có nhiều cây táo tàu và cây dương liễu lớn xung quanh nhà bị Lý Thư Văn dùng chân đá tới chết khô, chỉ còn trơ lại phần gốc và trở thành những chiếc cọc để ông luyện cước hàng ngày. Ông còn tập với nhiều loại bao cát khác nhau, từ 50kg đến 300kg để luyện những đòn đấm và cùi chỏ.

Sau khi trở thành một đại cao thủ, Lý Thư Văn hành tẩu đến Bắc Kinh, tham gia một số trận đấu võ đài và trở thành võ sĩ không có đối thủ tại đây. Danh tiếng Lý Thư Văn dần nổi như cồn trong giới võ lâm và ông được mời làm huấn luyện viên cho lực lượng quân đội.

Đại cao thủ Bát Cực Quyền được xếp cao hơn Lý Tiểu Long, có đòn lấy mạng kẻ địch trong nháy mắt - 1
Lý Thư Văn được coi là võ sư xuất sắc thứ hai trong lịch sử võ thuật Trung Quốc thế kỷ 19 và 20, chỉ đứng sau Tôn Lộc Đường (ảnh minh họa).

ĐẠI CAO THỦ CÓ THỂ "GIẾT NGƯỜI TRONG NHÁY MẮT", TỪNG MỘT MÌNH ĐOẠT MẠNG 4 CAO THỦ NHẬT BẢN

Website 360kuai.com (Trung Quốc) từng có bài viết ca ngợi Lý Thư Văn với tiêu đề: "Võ công của Lý Thư Văn lợi hại như thế nào? Ông ta có khả năng giết nhiều người trong nháy mắt".

Theo bài viết này, Lý Thư Văn có thể hình và bề ngoài không hề nổi bật. Thế nhưng, nhiều người đã phải ngỡ ngàng trước việc một người nhỏ bé như ông lại là một cao thủ võ thuật, có thể hạ sát đối thủ chỉ trong vài giây.

Vào năm 1895, Lý Thư Văn đến Thiên Tân theo lời mời của Viên Thế Khải (một đại thần cuối thời nhà Thanh, từng là lãnh đạo tối cao của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc). Chính tại mảnh đất Thiên Tân này, Lý Thư Văn đã có cuộc đụng độ và giết chết 4 cao thủ người Nhật Bản.

Lần đó, Taro Ito – một võ sĩ, sĩ quan người Nhật sau khi gặp gỡ Lý Thư Văn đã tỏ ra rất khinh thường và chế nhạo Thư Văn là "kẻ Đông Á bệnh phu" rồi chỉ xuống ngón tay út của mình với hàm ý đầy mỉa mai. Sau đó, Lý Thư Văn rất nóng mặt và hai bên đã xảy ra xô xát.

Taro Ito ngạo mạn vung thanh kiếm dài toan chém Lý Thư Văn. Thế nhưng, trong chớp mắt, Lý Thư Văn đã kịp rút ra một cây dao nhỏ để phi trúng vào cổ họng của đối thủ. Địch thủ người Nhật chết ngay tại chỗ.

Lập tức, có ba võ sĩ người Nhật khác là Akino, Inoue và Noda khi nhìn thấy đồng đội bị Lý Thư Văn giết chết đã đồng loạt cầm kiếm xông tới hòng "kết liễu" võ sư người Trung Quốc. Kết quả, cả ba đều bị Thư Văn đoạt mạng trong nháy mắt bằng ba phát phi đao.

Đại cao thủ Bát Cực Quyền được xếp cao hơn Lý Tiểu Long, có đòn lấy mạng kẻ địch trong nháy mắt - 2
Thanh kiếm của Lý Thư Văn hiện vẫn được trưng bày tại một bảo tàng ở Trung Quốc.

Sau sự kiện gây chấn động ở Thiên Tân thì vào năm 1908, Lý Thư Văn đến Thẩm Dương theo lời mời của một tướng lĩnh cao cấp. Tại đây, ông đã có lần tỉ thí và dùng một tay để đánh bại cao thủ người Nhật Bản Okamoto.

Trước khi giao đấu, Lý Thư Văn và Okamoto đã ký bản sinh tử trạng. Theo tờ Baidu mô tả thì cuộc tỉ thí này diễn ra rất nhanh. Võ sĩ người Nhật cậy sức mạnh đã tấn công ào ạt nhưng Lý Thư Văn đã hóa giải các đòn thế của đối thủ theo cách vô cùng tài tình.

Sau đó, Lý Thư Văn bất thình lình phản kích bằng đòn hiểm. Ông né người sang một bên để thoát cú đá của địch thủ, sau đó dùng một chưởng đánh mạnh vào vai của Okamoto. Bả vai của Okamoto ngay lập tức bị vỡ vụn. Võ sĩ người Nhật gục xuống sàn đau đớn và trận đấu khép lại trong sự bàng hoàng của nhiều binh sĩ xứ Phù Tang.

Vào năm 1910, có một nhà vô địch quyền Anh nổi tiếng người Nga là Malotov đã sang Trung Quốc để thiết lập một võ đài ở Bắc Kinh, thách đấu toàn bộ giới võ lâm Trung Hoa. Võ sĩ này đã cho treo áp phích với nội dung xúc phạm võ thuật Trung Quốc, gây ra sự phẫn nộ lớn cho giới võ lâm.

Lúc này, Lý Thư Văn đang ở Thiên Tân chăm sư phụ Hoàng Sĩ Hải bị ốm thì ông bất ngờ nhận được bức thư từ một số người bằng hữu trong giới võ lâm ở Bắc Kinh. Thì ra, giới võ lâm Bắc Kinh không một ai đủ tự tin để giao đấu với Malotov nên đã phải "cầu cứu" tới Lý Thư Văn. Nhận được thư, Lý Văn Văn lập tức gói hành lý đi Bắc Kinh.

Khi bước lên đài tỉ thí, Marotov thấy Lý Thư Văn nhỏ thó liền hất hàm tỏ vẻ khinh thường đối thủ. Thế nhưng, rốt cục Marotov lại bị Thư Văn đánh gãy xương sườn và chịu rất nhiều vết thương sau những đòn tay và cùi chỏ vô cùng hiểm hóc của vị võ sư người Trung Quốc.

Đại cao thủ Bát Cực Quyền được xếp cao hơn Lý Tiểu Long, có đòn lấy mạng kẻ địch trong nháy mắt - 3
Lý Thư Văn trong những năm cuối của cuộc đời.

Theo truyền thông Trung Quốc thì sau những chiến tích đầy oanh liệt của mình, Lý Thư Văn được ca tụng là đại cao thủ có võ công xuất chúng bậc nhất ở làng võ nước này. Khả năng chiến đấu của Lý Thư Văn còn được tán dương là "vô song khắp thế giới" do ông chưa từng thất bại trong suốt 40 năm.

Môn phái Bát Cực Quyền nhờ có ông cũng được phổ biến khắp Trung Quốc và lan sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Nhật Bản.

Theo website Chinawdao.com thì vào một buổi tối mùa thu năm 1934, khi đang ngồi trên ghế trong sân, uống trà và hướng dẫn những đứa cháu tập võ thì Lý Thư Văn bất ngờ gục xuống rồi qua đời ngay trong đêm hôm đó vì xuất huyết não, hưởng thọ 72 tuổi.

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)




http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/dai-cao-thu-bat-cuc-quyen-duoc-xep-cao-hon-ly-tieu-long-co-don-lay-mang-ke-dich-trong-nhay-mat-162201210190011813.htm