Thể thao

Công Phượng, hãy dũng cảm với sứ mệnh 'người mở đường'!

Sau nhiều trận liên tiếp dự bị trong màu áo Sint-Truidense, Công Phượng bị liệt vào nhóm cầu thủ thất bại của đội bóng Bỉ...

Theo truyền thông Bỉ đánh giá, Công Phượng, Lee Seung-woo (Messi Hàn Quốc)… thuộc nhóm cầu thủ thất bại khi đến CLB Sint-Truidense. Đó là câu chuyện thực tế trong bóng đá khi cầu thủ không thể thích ứng tốt với đội bóng thì họ trở thành bản hợp đồng thất bại.

Fernando Torres, tiền đạo trứ danh của Liverpool từng là nỗi ám ảnh cho cả giải ngoại hạng Anh, trong đó Chelsea thường xuyên trở thành "nạn nhân" bởi tài săn bàn của Torres. Chính đẳng cấp săn bàn đáng sợ của Torres đã thuyết phục ông chủ CLB Chelsea bỏ ra số tiền kỷ lục để chiêu mộ. Nhưng Torres trở thành "sao xịt" với quãng thời gian đánh mất chính mình ở Chelsea.

QBV thế giới Kaka là ngôi sao số 1 của AC Milan, sau đó anh đến Real Madrid với số tiền kỷ lục. Thế nhưng, Kaka ở Real Madrid không thể chơi tốt như sự chờ đợi của ban lãnh đạo đội bóng Hoàng gia.

Trên thế giới, chuyện các cầu thủ nổi tiếng thi đấu không tốt khi đến đội bóng mới, hoặc CLB có đẳng cấp cao hơn là không hiếm gặp. Thế mới thấy rằng những Công Phượng, Lee Seung-woo chơi không đạt yêu cầu ở Bỉ là… bình thường trong bóng đá. Vì vốn dĩ họ đến từ những nền bóng đá có đẳng cấp thấp hơn nhiều so với Bỉ.

Công Phượng, hãy dũng cảm với sứ mệnh 'người mở đường'!
Công Phượng đi nước ngoài được đánh giá là một sự dũng cảm.

Bản thân Công Phượng từng có một chia sẻ rất ý nghĩa: "Ở Việt Nam, tôi ra đường phải mang khẩu trang nhưng tại Bỉ thì không như thế. Tôi ở Bỉ là một người vô danh".

Rất rõ ràng, Công Phượng quyết định sang Bỉ là một sự chấp nhận đánh đuổi nhiều thứ, trong đó có cả danh tiếng và tiền bạc, cũng như sự "hy sinh thầm lặng" trong vai trò người đi tiên phong ra châu Âu chơi bóng.

Một người thân của Công Phượng tâm sự rằng: "Thực ra, Công Phượng đi Bỉ chưa chắc có thu nhập hơn ở Việt Nam. Vì Phượng có thu nhập từ quảng cáo rất nhiều nếu ở Việt Nam. Phượng đi châu Âu chơi bóng là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi để nâng tầm chính mình".

Đó cũng là lý do HLV Steve Darby cho rằng ông nể những cầu thủ như Công Phượng, khi dũng cảm ra nước ngoài chơi bóng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu. Dù có xảy ra chuyện gì thì Công Phượng trở lại Việt Nam sẽ tiến bộ vượt trội về thể lực, tình thần và thái độ thi đấu. Vì một cầu thủ chơi bóng ở châu Âu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phải học cách trưởng thành để chứng tỏ bản thân và tìm cơ hội được ra sân trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Thực tế, Công Phượng ra nước ngoài chơi bóng thì chính những người làm bóng đá Việt Nam mới thấy được sự chênh lệch về trình độ, cũng như những điểm hạn chế của cầu thủ Việt Nam. Đó sẽ là hành trang lớn cho các cầu thủ tiếp theo muốn ra nước ngoài thi đấu, tức họ cần khắc phục được những nhược điểm từ chuyên môn đến thể hình, kể cả chuyện phải giỏi ngoại ngữ để hòa nhập.

Vậy nên, Công Phượng đã chấp nhận đánh đổi trong vai trò người mở đường thì hãy là chính mình, hãy dũng cảm sống với giấc mơ, còn lời khen - chê trong bóng đá không bao giờ có thể đặt bên cạnh giá trị tích cực về lâu dài cho một nền bóng đá.

Theo Văn Nhân (Saostar.vn)