Thể thao >> COVID-19 (nCoV)

Chặng F1 Việt Nam bị hoãn để lại hậu quả kinh tế khổng lồ

Chi phí để xây dựng một chặng đua trong phố là không hề nhỏ. Thành phố Hà Nội và F1 Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào sự kiện lớn này.

Với 21 chặng đua cùng 425 triệu người xem truyền hình trong năm, giải đua Công thức 1 - F1 Grand Prix mang đến cho các Quốc gia tổ chức rất nhiều lợi ích về kinh tế và việc quảng bá hình ảnh.

Xây dựng trường đua đường phố vô cùng tốn kém

Cách nhanh nhất để tổ chức chặng đua F1 là tận dụng những đoạn đường có sẵn, chúng được gọi là "chặng đua đường phố". Giống như Singapore và Monaco đã làm, chúng ta không cần thiết phải xây mới hoàn toàn đường đua, đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn do dễ dàng thu hút người xem ở khu vực đông dân cư.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động của một cuộc đua đường phố khi có giải đấu cao hơn nhiều so với các trường đua độc lập. Các khán đài dựng cơ động cần được lắp đặt rồi gỡ bỏ, mặt đường cũng cần gia cố, cải tạo với quy mô lớn hơn để đáp ứng tiêu chuẩn của Liên đoàn ô tô Quốc tế.

Chặng F1 Việt Nam bị hoãn để lại hậu quả kinh tế khổng lồ
Công trình trường đua F1 đang được xây dựng tại Hà Nội

Theo Raconteur, nhân sự là khoản khiến các nhà tổ chức đau đầu nhất. Họ cần tuyển dụng khoảng 600 nhân sự để xây dựng trường đua, trong đó đa số là các kỹ sư, công nhân thời vụ. Bên cạnh đó là chi phí cho hơn 500 tình nguyện viên, nhân viên an ninh cùng tối thiểu 120 lính cứu hỏa. Tốn kém nhất là thuê các nhà quản lý, chuyên gia và nhân viên tiếp thị. Tổng chi phí cho nhân sự có thể lên tới 16 triệu USD (tương đương với 371 tỷ đồng).

Tiếp đến là xây dựng những khán đài dựng tạm với giá khoảng 14 triệu USD (khoảng 330 tỷ đồng). Theo tiêu chuẩn của Liên đoàn ô tô Quốc tế, một chặng đua hoàn hảo cần có các khán đài với sức chứa tối thiểu 80.000 chỗ ngồi. Kèm theo đó là các công trình đảm bảo an toàn như hàng rào chắn, cần cẩu và khoảng 350 bình chữa cháy được đặt cách nhau 15 mét trên đường đua để phục vụ công tác cứu hộ với chi phí là 4,5 triệu USD.

Ngoài ra còn rất nhiều khoản chi lặt vặt khác như thuê văn phòng, địa điểm quảng bá, bảo hiểm... hết khoảng 6-8 triệu USD. Trung bình, mỗi chặng đua đường phố tiêu tốn khoảng 57 triệu USD (khoảng 1.300 tỷ đồng) để tổ chức hàng năm.

Chặng F1 Việt Nam bị hoãn để lại hậu quả kinh tế khổng lồ - 1

Nhìn chung, nếu chặng đua F1 bị hủy hoặc hoãn, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Bên cạnh đó, nguồn thu rất lớn từ việc bán vé cũng không còn. Theo thống kê, tính từ khi Giải đua xe F1 Việt Nam 2020 phát động cho đến nay đã có hơn 100.000 du khách đăng ký đến Việt Nam tham dự sự kiện. Trong đó, lượng khách đến từ Anh chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 40.000 người. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp, việc đón tiếp lượng lớn du khách lúc này là không khả thi.

Tại sao Việt Nam không xây dựng trường đua riêng biệt?

Số tiền đóng phí hàng năm là cố định (có thể tăng thêm 5%-10%) tùy hợp đồng, vì thế, cách duy nhất để các nhà tổ chức giảm thiểu số tiền phải chi ra mỗi năm là xây mới hoàn toàn đường đua, dù chi phí phải bỏ ra ban đầu là cực lớn.

Có hai cách để xây dựng trường đua. Một là tận dụng các con đường có sẵn. Điều này đồng nghĩa với việc mọi công trình xung quanh phải được quy hoạch lại để đảm bảo tiêu chuẩn. Hai là xây dựng trường đua hoàn toàn mới ở một khu vực biệt lập. Chi phí ban đầu cho các công trình có thể lên tới vài trăm triệu USD. Do Việt Nam mới tổ chức F1 lần đầu nên việc này là khó khả thi.

Chặng F1 Việt Nam bị hoãn để lại hậu quả kinh tế khổng lồ - 2Chặng F1 Việt Nam bị hoãn để lại hậu quả kinh tế khổng lồ - 3

Theo GN (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/chang-f1-viet-nam-bi-hoan-de-lai-hau-qua-kinh-te-khong-lo-22020133193629591.htm