Thể thao

CĐV MU biểu tình: Biểu hiện của sự bất lực

Vụ CĐV MU biểu tình khiến trận đấu với Liverpool bị hoãn chính là biểu hiện của sự bất lực. Giữa những bất bình đã khiến người hâm mộ đổ ra đường trong những tuần gần đây, có một khao khát được cảm nhận lại điều gì đó.

Sau khi vụ bạo loạn được dẹp yên và đám đông đã bị đẩy lùi, có một nghệ sỹ saxophone một mình chơi nhạc dưới ánh nắng mặt trời đang dần tắt bên ngoài Old Trafford. Trận đấu giữa MU vs Liverpool cuối cùng đã bị hoãn lại.

Trong một ngày chấn động của bóng đá Anh, người ta có thể nghe thấy trong những nốt nhạc nhẹ nhàng đó một lời than thở cho một điều gì đó đã mất, một thứ mà thậm chí bây giờ có thể không bao giờ lấy lại được.

Ngay từ buổi sáng trước khi trận đấu diễn ra, đã có những thông tin về việc NHM Man United sẽ tìm cách đột nhập vào sân Old Trafford. Nhưng không ai nghĩ là có tới hàng nghìn người tham gia và sự việc vượt quá tầm kiểm soát.

Khi những người biểu tình hò hét tràn xuống mặt cỏ sân, lấy đi những đồ lưu niệm, cột cờ góc hay bóng thi đấu, họ trông không có vẻ gì là tức giận. Giống như những người đang biểu tình ở bên ngoài, họ trông rất hào hứng và phấn khích.

CĐV MU biểu tình: Biểu hiện của sự bất lực
Những người biểu tình giơ khẩu hiệu đòi tống cổ nhà Glazer

Làn sóng phản đối của NHM đang nhấn chìm một số CLB lớn nhất tại châu Âu. Nhiều người cho rằng việc giành lại đội bóng từ các nhà tài phiệt và các quỹ đầu tư tư nhân là một hành động tuyệt vời. Trong những ngày tới, chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ biểu tình.

NHM dường như đang rơi vào đường cùng khi các ông chủ chỉ lo kiếm tiền, cơ cấu quyền lực bất bình đẳng và cách quản lý không phù hợp. Nhưng lý do sâu xa lại là một khao khát của những NHM bị ngắt kết nối với CLB và chỉ đơn giản là muốn cảm nhận lại điều gì đó.

Và thế là họ tập trung vào đầu giờ chiều bên ngoài Old Trafford, một quầy hàng hóa khổng lồ với cái mác một sân vận động bóng đá, để đốt lên những màn pháo sáng màu vàng và xanh. Đây là màu sắc chủ đạo của Newton Heath LYR, tiền thân của Man United.

"Chúng tôi quyết định khi nào đội bóng sẽ thi đấu", những người biểu tình hô vang khi các cầu thủ bị phong tỏa bên trong khách sạn Lowry. "Chúng tôi muốn nhà Glazer biến đi", họ hát trước những ông chủ vắng mặt cách đó một đại dương, những người có lẽ thậm chí còn chẳng nghe thấy.

Ban đầu, tất cả diễn ra trong hòa bình. Nhưng sau đó, có một số người đã phá rào chắn, đốt pháo sáng và đập vỡ các cửa kính. Hành động của nhóm người thiểu số này được khuếch đại thành một cuộc bạo loạn đầy bạo lực.

CĐV MU biểu tình: Biểu hiện của sự bất lực - 1
Nhưng vụ biểu tình này chưa chắc khiến các ông chủ người Mỹ từ bỏ quyền sở hữu CLB

Đối mặt với cuộc bạo loạn, BTC Premier League chỉ kêu gọi an toàn cộng đồng do lo ngại bùng phát Covid-19. Trên thực tế, họ thường xuyên đứng về phía các ông chủ sở hữu. Họ vẫn thường rao giảng rằng bóng đá Anh phục vụ lợi ích của người hâm mộ. Những những ngày như thế này, chiếc mặt nạ đã bị rơi ra.

Và vì vậy, sự hào hứng bên ngoài của những người biểu tình không phải là biểu hiện của vui mừng mà là thất vọng. Đó là biểu hiện cuối cùng của sự bất lực đến từ những NHM.

Việc European Super League được công bố rồi nhanh chóng hủy bỏ chỉ là giọt nước tràn ly. Lòng tin của NHM Man United đã trôi dần từ nhiều năm nay.

Nó bắt đầu từ việc nhà Glazer mua lại CLB vào năm 2005. Kể từ đó tới nay, Quỷ đỏ đã dần dần mất chất. Các ông chủ chỉ quan tâm tới việc hợp tác với các thương hiệu toàn cầu hơn là với những người ủng hộ của đội bóng. Và đừng quên những thất bại bẽ bàng trên sân cỏ với các danh hiệu ngày càng rời xa phòng truyền thống.

Tuy nhiên, vụ biểu tình này chưa chắc đã thay đổi được điều gì. Nhà Glazer sẽ không dễ dàng bị ép phải bán CLB. Và với các CĐV, họ sẽ phải tiếp tục chứng kiến đội bóng bị bòn rút trong tay những ông chủ người Mỹ.

Theo Trung Nghĩa (Bongdaplus.vn)




https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/cdv-mu-bieu-tinh-bieu-hien-cua-su-bat-luc-3305882105.html