Thể thao

Cầu thủ dự bị ở ĐTQG giành QBV chưa từng xảy ra trên thế giới?

Trong nhiều năm qua, bóng đá thế giới tranh cãi rất nhiều về danh hiệu QBV nhưng chưa có tiền lệ cầu thủ dự bị ở ĐTQG vẫn thắng giải.

Hãy lấy hai ví dụ từ Quả bóng vàng thế giới (Ballon d'Or) - giải thưởng thường niên do Tạp chí France Football đề xướng và tổ chức dành cho cầu thủ xuất sắc nhất năm. Từ năm 2008 đến nay, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo có tổng cộng 12 QBV, qua đó tạo ra nhiều lần tranh cãi.

Hồi năm 2010, tuyển Argentina bị loại từ vòng tứ kết World Cup khi thua Đức 0-4. Siêu sao người Argentina có 58 bàn trong năm dương lịch 2010. Sneijder chỉ có 13 bàn và cú ăn ba ở CLB, Á quân World Cup. Iniesta và Xavi là đồng đội của Messi đã vô địch World Cup 2021. Nhưng Messi giành QBV 2010. Cuộc tranh cãi diễn ra khắp mọi diễn đàn với tranh luận Messi không có thành tích cùng tuyển Argentina hay Champions League với Barcelona.

Hai điểm có thể thấy là Messi ghi bàn nhiều nhất ở cấp CLB và anh làm ngôi sao ở ĐTQG. Messi có thể chơi không tốt nhưng chắc chắn ra sân với tư thế siêu sao, là cầu thủ giỏi nhất của tuyển Argentina.

Cầu thủ dự bị ở ĐTQG giành QBV chưa từng xảy ra trên thế giới?
Messi có lúc chơi mờ nhạt nhưng không bị gạt khỏi ĐTQG, hoặc sắm vai cầu thủ dự bị. Messi luôn là ngôi sao của tuyển Argentina. 

Ba năm sau, Ronaldo giành QBV 2013 với sự tranh cãi lớn khi Real Madrid không có danh hiệu gì. Ngược lại, Franck Ribery giành cú ăn 3 cùng Bayern Munich và giành hết giải cá nhân tại mọi giải đấu mà Bayern Munich tham dự (Cầu thủ xuất sắc nhất). Ngôi sao Messi giành danh hiệu Vua phá lưới La Liga và Chiếc giày vàng châu Âu. Nếu xét danh hiệu thì Ronaldo không thể cạnh tranh với Franck Ribery.

Tuy nhiên, Ronaldo giành QBV khi ghi đến 67 bàn sau 56 trận ra sân trong năm 2013. Ronaldo có thêm 4 pha lập công ở hai lượt trận play-off vào lưới Thụy Điển và giúp Bồ Đào Nha giành vé dự World Cup 2014. Ronaldo còn lập kỷ lục ghi bàn Champions League với 14 bàn. Ronaldo thắng giải với quan điểm QBV để vinh danh cá nhân chứ không phải tập thể, tức danh hiệu tập thể chỉ có ý nghĩa tăng thêm cơ hội chiến thắng cho cầu thủ, còn điều kiện quan trọng là cầu thủ phải cho thấy được sự xuất sắc và nổi bật nhất.

Câu chuyện của Ronaldo tương tự như Messi trong năm 2010. Ronaldo ghi nhiều bàn thắng nhất dù Real Madrid không có được danh hiệu lớn. Tuyển Bồ Đào Nha đi World Cup bằng vé vớt thì Ronaldo luôn sắm vai ngôi sao để tỏa sáng, không phải cầu thủ dự bị ở ĐTQG hoặc chơi kém thuyết phục.

Nhìn từ hai sự tranh cãi kể trên và xuyên suốt lịch sử QBV thế giới, không có chuyện cầu thủ giành QBV sắm vai dự bị ở CLB hoặc ĐTQG. Tập thể có thể không thành công nhưng họ là ngôi sao hoặc trụ cột quan trọng của ĐTQG.

Với bóng đá Việt Nam, quá khứ từng có những danh hiệu QBV không tính đến thành tích ĐTQG. Anh Đức thắng QBV 2015 dù không lên tuyển và Văn Quyết giành QBV 2020 với việc ông Park gọi lên tuyển tập trung để thêm điểm cộng. Nhưng năm 2015 và 2020 không có sân chơi cho ĐTQG nên điểm nhấn chọn QBV thuộc về cấp CLB. Do đó, Anh Đức và Văn Quyết giành QBV đều không tạo ra tranh cãi.

Về QBV Việt Nam năm 2022, phần lớn người hâm mộ trên các diễn đàn bóng đá cho rằng Văn Quyết không xứng đáng, khi năm ngoái có vòng loại World Cup 2022, AFF Cup và SEA Games 31. Văn Quyết từng có thời gian dài bị HLV Park Hang Seo gạch tên, còn gọi lên thì anh chỉ sắm vai cầu thủ dự bị và chơi mờ nhạt ở tuyển Việt Nam. Văn Quyết cũng không phải cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở sân chơi CLB hoặc bật lên hẳn như một siêu sao.

Ngược lại, Tiến Linh có nhiều điều kiện để người hâm mộ ủng hộ. Tiến Linh có 9 bàn thắng ở V.League 2022, thành tích tốt nhất ở CLB và cao thứ hai trong danh sách chân sút nội. Tiến Linh có 6 bàn thắng để dành danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup 2022. Suốt cả giải đấu, Tiến Linh là ngôi sao giúp tuyển Việt Nam vào chung kết. Tiến Linh có đến 5 lần ghi bàn đầu tiên cho tuyển Việt Nam, 2 bàn ở bán kết và 1 bàn ở chung kết. Tiến Linh có thêm ba điểm cộng: HCV SEA Games 31 (ghi 2 bàn), cầu thủ Việt Nam duy nhất vào Top 25 QBV châu Á 2022, vượt Văn Quyết (56 trận, ghi 16 bàn) để trở thành cầu thủ còn thi đấu ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG (39 trận, ghi 18 bàn).

Tranh cãi là một phần thú vị của bóng đá và Văn Quyết chắc chắn không có lỗi gì trong việc giành QBV, bởi nhiều người bỏ phiếu cho anh. Nhưng sự thật rằng, cầu thủ giỏi nhất thường sắm vai ngôi sao ở ĐTQG, trừ trường hợp năm đó không có giải đấu cho ĐTQG hoặc không được lên tuyển vì lý do ngoài chuyên môn. Nên nhớ, một trong những tiêu chí quan trọng để bầu chọn QBV thì màn trình diễn ở đội tuyển quốc gia được đánh giá cao nhất.

Theo Hoài Anh (Saostar.vn)




https://www.saostar.vn/sao-sport/cau-thu-du-bi-o-dtqg-gianh-qbv-chua-tung-xay-ra-tren-the-gioi-202302271026048555.html