Thể thao >> Thể thao trong nước

Bóng đá Việt Nam hậu AFF Cup: Biển lớn châu lục vẫn còn rất xa

Anh Đức xuất hiện trong Trailer giới thiệu 24 đội bóng của Asian Cup

Sau chức vô địch này sẽ là gì? Là tiếp tục những vinh quang, hay lại ập đến những thất bại mới, những hoài nghi, âu lo? Và chúng ta sẽ phải làm gì để chấm dứt chu kỳ 10 năm ấy?

Bóng đá Việt Nam hậu AFF Cup: Biển lớn châu lục vẫn còn rất xa

Một câu hỏi gần như đến đồng thời với tôi sau khi chứng kiến những cầu thủ vàng của chúng ta giơ cao chiếc cúp vô địch AFF sau 10 năm đợi chờ. Đó là sau đây sẽ là gì, là tiếp tục những vinh quang, hay lại ập đến những thất bại mới, những hoài nghi, âu lo. 

Và nữa, chúng ta đã trải qua những chu kỳ 10 năm mới lại vào một chung kết giải đấu khu vực. Đấy là điều ngẫu nhiên hay tất nhiên, và phải làm gì để có thể không phải đợi thêm 10 năm cho một danh hiệu nữa?

HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN

Chặng đường phía trước của các đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia vẫn là cuộc chơi lớn của HLV Park Hang-seo, nhưng hành trình dài hơi hơn, bền vững hơn và có định hướng hơn phải là cuộc chơi lớn dưới sự chèo lái của ban chấp hành mới VFF.

Không ít người đã tỏ ra ngạc nhiên khi Đại hội khóa VIII của VFF cứ lần lữa mãi, không được tổ chức, kéo dài trong một quá trình từ tháng 4 năm nay cho đến sau trận bán kết lượt đi với Philippines, tức là 8 tháng sau, mới được tiến hành, khi dư luận đang chú ý đến thành công của đội tuyển ở giải đấu này chứ ít để ý đến chuyện bầu bán.

Hướng đến tương lai không hề đơn giản, đấy là điều chắc chắn, khi niềm tin của người hâm mộ đặt vào VFF đã giảm sút và niềm hy vọng lớn vẫn chỉ là hướng về phía những ông bầu tâm huyết đầu tư cho bóng đá.

Liên miên chìm trong những cuộc đấu quyền lực và vẫn mang nặng tư duy làm việc theo lối quá cũ, đại hội lần này bầu ra một đội ngũ nhân sự không mới cũng chẳng quá cũ.

Có thể hy vọng nhiều vào họ không, có thể tin tưởng được vào những con người ấy không, trong hành trình hậu chiến thắng AFF Cup, cũng là những câu hỏi lớn lao mà người hâm mộ và giới chuyên môn đặt ra ngay lúc này, khi dư âm của thắng lợi vẫn còn khiến tất cả lâng lâng, nhưng mặt trận mới Asian Cup 2019 đã cận kề.

Hướng đến tương lai không hề đơn giản, đấy là điều chắc chắn, khi niềm tin của người hâm mộ đặt vào VFF đã giảm sút và niềm hy vọng lớn vẫn chỉ là hướng về phía những ông bầu tâm huyết đầu tư cho bóng đá. Bầu Đức, bầu Hiển, PVF hay Viettel là những niềm hy vọng lớn bên cạnh những hệ thống đào tạo trẻ khác đang mọc lên và bắt đầu cho ra những lứa trẻ đầu tiên.

Đấy là điều mà 10 năm trước, sau thành công mang tính hiện tượng của chúng ta ở AFF Cup 2008, chỉ thấy rất lác đác và không có tính hệ thống. Sau chiến thắng ấy, trong một bài viết trên blog cá nhân, tôi đã đặt ra một câu hỏi lớn, rằng sau đây sẽ là gì, khi đã hình dung ra một quá trình suy thoái không thể cưỡng được, vì rõ ràng không hề nhìn thấy phía sau lứa cầu thủ vừa lên đỉnh ấy một lực lượng kế cận đủ mạnh để hướng đến tương lai.

Bài viết bị “ném đá” không thương tiếc bởi những người hâm mộ vẫn còn lâng lâng trong men say chiến thắng không muốn để sự thật kéo rơi xuống mặt đất. Cuối cùng, sự thật cũng đã được phơi bày sau đó, khi chúng ta liên tục trải qua những thất bại ở SEA Games và AFF Cup, và phải đến 2018 này, niềm vui mới trở lại sau rất nhiều cay đắng và cảm giác bị phản bội.

KHÔNG NGỌN LỬA NÀO CHÁY MÃI

Sự thay đổi nhận thức đã diễn ra trong năm 2018 này, khi người ta nhận thấy, thắng lợi này bền vững hơn, có gốc rễ chắc chắn hơn, và câu hỏi “sau chiếc cúp AFF này sẽ là gì?” có lẽ sẽ được đón nhận một cách bình tĩnh và điềm đạm hơn.

Đương nhiên, người ta không nói đến việc phải đợi 10 năm nữa mới lại thấy một lứa mới đăng quang. Họ lạc quan hơn và đã nhắc đến ước mơ vàng ở SEA Games 2019, mặt trận mà chúng ta chưa từng có vàng. Họ đã nghĩ đến việc vượt ra khỏi tầm cỡ khu vực để đi đến châu lục.

Nhưng châu lục là một đẳng cấp rất khác, và chừng nào người hâm mộ và cả giới chức thể thao vội nghĩ cúp vàng AFF có thể là tiền đề để ra “biển lớn” bóng đá châu lục ngay bây giờ, thì sự lạc quan tếu và vị thành tích sẽ lại chi phối tất cả, là nguồn gốc của sự đốt cháy giai đoạn và cũng là nguyên nhân dẫn đến những thất bại.

Chừng nào người hâm mộ và cả giới chức thể thao vội nghĩ cúp vàng AFF có thể là tiền đề để ra “biển lớn” bóng đá châu lục ngay bây giờ, thì sự lạc quan tếu và vị thành tích sẽ lại chi phối tất cả, là nguồn gốc của sự đốt cháy giai đoạn và cũng là nguyên nhân dẫn đến những thất bại.

Thành công ở AFF Cup chỉ là thành công ở một giải khu vực. Thành công giải U23 châu Á chỉ là thành tích ở một giải trẻ, và là hệ quả của việc đào tạo trẻ trong những năm qua.

Nói như thế để thấy rằng cần phải tỉnh táo mà nhận ra danh hiệu vô địch AFF Cup mới là quả ngọt từ việc đầu tư không ngừng cho lứa trẻ những năm đã qua, nhưng không thể coi đó như là sự kết thúc của một quá trình phát triển, mà là sự khởi đầu của một chu kỳ mới.

Chu kỳ ấy chỉ có thể được củng cố bằng việc tiếp tục thúc đẩy đào tạo trẻ, tức là xây nhà từ móng chứ không phải là từ nóc như cách nói rất thẳng trước kia của HLV Alfred Riedl. Nó cần một sự định hướng chuẩn từ VFF, với ban chấp hành mới, và đương nhiên, sự đầu tư mang tính xã hội hóa trong đào tạo trẻ.

Những người như HLV Park Hang-seo, xét cho cùng, cũng chỉ là “khách hàng”, là “người tiêu dùng” của hệ thống đào tạo trẻ ấy. Lực lượng đã vô địch AFF Cup 2018 rất cần một đội ngũ kế cận và bổ sung cho họ những dòng oxy mới cho các chiến dịch tiếp theo trong những năm tới.

Lứa này đang cháy lên như những ngọn lửa. Nhưng họ không thể cháy mãi khi năng lượng của họ không phải là vô tận. Họ không thể cứ ra sân cày ải mãi một khi rồi đây họ cũng sẽ già, sẽ xuống phong độ và có thể, sẽ bị bệnh tự mãn cuốn phăng đi.

Ông Park có thể sẽ cần viện binh cho Asian Cup sắp tới. Ông cũng cần một đội hình trẻ dưới 23 tuổi cho SEA Games sau đây gần một năm. Lứa kế cận ấy, chúng ta đã nhìn thấy chưa, họ ở đâu, và liệu họ có làm chúng ta yên tâm hay không?

ĐÃ THỰC SỰ VƯỢT NGƯỜI THÁI CHƯA?

Trình độ thực tế của bóng đá Việt Nam mới là tầm khu vực. Những nỗ lực không ngừng trong những năm qua để đạt tới sự khẳng định ở AFF Cup cũng chỉ mang tầm khu vực.

Thái Lan đã đi trước chúng ta ít nhất 5 năm, đã có một đội tuyển cực mạnh để chiến đấu ở sân chơi châu Á, dù trên thực tế kết quả chưa quá khả quan, và từ lâu đã có một giải vô địch quốc gia mạnh hàng đầu châu lục.

Bây giờ là quá sớm để nói đến việc chúng ta đã theo được người Thái hay chưa, chưa nói gì đến việc ra khỏi “ao làng”. Cũng còn quá sớm để nói rằng, những Quang Hải hay Đình Trọng, Duy Mạnh có thể đủ trình độ, đẳng cấp và kỹ năng sinh tồn, hòa nhập để ra nước ngoài thi đấu ở độ tuổi trẻ như thế này.

Sau một chiến thắng vẫn tồn tại rất nhiều những nỗi lo. Biển lớn châu lục vẫn còn ở rất xa, trong khi Thái Lan, dù đứng sau ta khá xa trên bảng xếp hạng của FIFA, nhưng đã đi trước bóng đá Việt Nam rất nhiều năm.

Bài học của những người đi trước như Xuân Trường dạy rằng không được quá vội vã nâng cao ý nghĩa của chiến thắng bằng những giấc mơ khó khả thi.

Bài học của chính Hàn Quốc với việc thúc đẩy lứa cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu sau thành công ở World Cup 2002, với kỳ vọng sẽ nâng tầm bóng đá họ ở cấp thế giới, nhưng trên thực tế là thất bại, vẫn còn đó.

Cái nền cơ bản cho một những đội tuyển Việt Nam ở các lứa tuổi vẫn phải là ở hệ thống đào tạo trẻ và một giải V-League chất lượng. Năm rồi, V-League thu hút nhiều khán giả nhất trong 4 giải gần đây. Đấy là một tín hiệu cho thấy một khi khán giả đã trở lại sân bóng, nghĩa là họ đã cảm thấy thứ bóng đá ấy là của họ và cảm thấy thành công của đội tuyển U23 cho họ niềm tin.

Thành công của đội tuyển ở AFF Cup 2018 cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu ứng tương tự cho V-League 2019. Chính giải vô địch quốc gia mới là sân chơi lớn nhất để ươm mầm các tài năng, nuôi dưỡng họ và là sân chơi lớn nhất cho các tuyển thủ thể hiện và những người sẽ là tuyển thủ dần trưởng thành.

Nhưng cái sân chơi ấy vẫn còn rất nhiều vấn đề về trình độ và chất lượng, và năm nào cũng bùng lên, nếu không phải là chuyện trọng tài, thì cũng là những tranh cãi trong nội bộ VFF,VPF hoặc giữa những ông bầu.

Tức là cơ chế vận hành của nền bóng đá này vẫn đầy rẫy vấn đề, trong khi chính bản thân VFF, cơ quan cao nhất vận hành nền bóng đá này, lại chưa bao giờ là một ví dụ tích cực về sự đoàn kết trong nội bộ. Một nền bóng đá rất khó có thể đi lên nếu các trở lực đến từ chính bên trong nó.

Sau một chiến thắng vẫn tồn tại rất nhiều những nỗi lo. Biển lớn châu lục vẫn còn ở rất xa, trong khi Thái Lan, dù đứng sau ta khá xa trên bảng xếp hạng của FIFA, nhưng đã đi trước bóng đá Việt Nam rất nhiều năm.

Câu trả lời cho việc liệu đã đến lúc nhắc đến việc liệu bóng đá Việt Nam đã đến lúc vươn ra xa “ao làng” Đông Nam Á hay chưa sẽ được trả lời ngay ở Asian Cup tới đây.

Theo Trương Anh Ngọc (Tri Thức Trực Tuyến)