Thể thao

Bình luận: Đừng trách VAR hay chửi trọng tài, 'thói quen xấu' ở V.League là thứ ĐT Việt Nam cần loại bỏ

Sau trận thua của ĐT Việt Nam trước Oman, có lẽ tình huống dẫn đến những quả phạt đền sẽ gây những tranh cãi. Vậy liệu có phải trọng tài quá khắt khe, hay chúng ta đang tự "bắn vào chân" bởi những thói quen xấu khó bỏ.

Chúng ta chưa thể quên thủ môn Nguyên Mạnh từng nhận thẻ đỏ trong trận bán kết với Indonesia ở AFF Cup 2016, sau pha bóng không thể làm chủ cảm xúc của mình. Chúng ta an ủi nhau rằng trọng tài nặng tay, nhưng không, đó là hệ quả của việc không nhận thức đúng và đủ, hay đúng hơn là chưa tôn trọng luật khi bước ra đấu trường lớn.

Ở trận đấu với Saudi Arabia, Duy Mạnh cũng phải nhận một thẻ vàng hết sức vô duyên sau pha phản ứng thái quá với trọng tài và ngay sau đó là chiếc thẻ đỏ. Và có lẽ, việc phản ứng với các trọng tài V.League cũng không phải chịu sự răn đe một cách thích đáng khiến cho cầu thủ Việt Nam phần nào khó bỏ những phản ứng có phần thái quá. Dĩ nhiên, phản ứng khi chúng ta gặp bất lợi là không sai, nhưng phản ứng thế nào thì chúng ta cần phải học.

Bình luận: Đừng trách VAR hay chửi trọng tài, 'thói quen xấu' ở V.League là thứ ĐT Việt Nam cần loại bỏ
Tình huống phạm lỗi của Duy Mạnh dẫn đến quả 11m

Công bằng mà nói, tình huống phạm lỗi của Tấn Tài hay Duy Mạnh đều là những pha bóng không hề có chủ đích chơi xấu của hai hậu vệ này, thực ra nó đến từ thói quen nhiều hơn. Nhưng trong thời buổi bóng đá công nghệ, những hành vi đó được xem là có lỗi, sẽ bị soi rất kỹ và chúng ta đang phải nếm hậu quả vì thói quen dùng chân tay thừa thãi.

Vậy thói quen này đến từ đâu, dĩ nhiên nó đến từ chính giải vô địch bóng đá quốc gia V.League. Bởi những cái gạt tay của Tấn Tài hay Duy Mạnh sẽ dễ dàng được các trọng tài V.League bỏ qua, lâu dần nó trở thành thói quen, ăn vào tư duy chơi bóng, hình thành phản xạ để các cầu thủ sử dụng trong mỗi pha tranh chấp.

Cả Duy Mạnh và Tấn Tài đều là những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm. Họ biết phải làm gì trong mỗi pha tranh chấp, nhưng pha bóng dẫn đến quả 11m đầu tiên mà chúng ta phải nhận, rõ ràng đó là một pha gạt tay theo thói quen mà chính cầu thủ đang khoác áo Bình Định không nghĩ mình đã phạm lỗi.

Nhưng khi bóng đá bị công nghệ can thiệp sâu sắc, sẽ có đến hàng chục góc máy chứng minh lỗi hành vi dù với chúng ta đó là những thói quen. Hai cái gạt tay không chỉ mang đến cho ĐT Việt Nam những bàn thua, mà thực sự đó là những bài học quý giá.

Chúng ta sẽ bắt đầu học từ đâu? Rõ ràng là từ chính giải vô địch bóng đá của chúng ta. Bởi đó là nơi thể hiện sự phát triển của cả nền bóng đá. Những thói quen xấu phải được loại bỏ một cách triệt để, phải được răn đe, nhắc nhở. Trọng tài V.League cũng cần có những nhận định khắt khe hơn dù không được hỗ trợ bởi VAR.

Nói thế để thấy, khi bước ra một đấu trường được cho là đẳng cấp tiệm cận với thế giới, nền bóng đá chúng ta bắt đầu lộ rõ những vấn đề cần thay đổi, khi chúng ta có mặt ở đây và nhận những trận thua, nhận vài quyết định có phần khắt khe hơn từ trọng tài, thay vì đổ lỗi, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề mình đang gặp phải.

Khi có sự can thiệp của công nghệ, nơi mà người ta có thể quan sát từng hành động nhỏ nhất của cầu thủ trên sân, thì chúng ta cũng cần có những ứng xử chuyên nghiệp hơn, tôn trọng luật và loại bỏ dần những thói quen xấu đã và đang tồn tại.

Thế mới nói, khi bước ra những đấu trường lớn, thứ chúng ta nhận được không chỉ là kinh nghiệm, đó còn là cách ứng xử, hành động và thi đấu một cách chuyên nghiệp.

Theo V.H (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/binh-luan-dung-trach-var-hay-chui-trong-tai-thoi-quen-xau-o-vleague-la-thu-dt-viet-nam-can-loai-bo-22021131022657958.htm