Thể thao >> Thể thao quốc tế

Bị cấm dự Champions League, Man City tổn thất thế nào?

Nếu bị UEFA kết luận có vi phạm kèm theo lệnh cấm dự Champions League 1 năm, Man City sẽ chịu tổn thất cực lớn về tài chính.

Hôm thứ Hai, tờ New York Times đã đưa tin rằng UEFA đang xem xét khả năng cấm Man City tham dự Champions League vì CLB thành Manchester vi phạm Luật công bằng tài chính (FFP). Tất cả xuất phát từ một bài viết được đăng tải  trên tạp chí Der Spiegel của Đức dẫn nguồn Football Leaks, tố cáo về việc gian lận tài chính của Man City. 

Nếu kết quả của cuộc điều tra cho thấy Man City có vi phạm, đồng nghĩa họ sẽ phải chịu hình phạt là án cấm chơi ở Champions League trong một mùa, thì tổn thất dành cho Man xanh chắc chắn sẽ là cực lớn nhất là về khía cạnh tài chính.

Theo Give Me Sport, Man City có thể sẽ mất tới 86,95 triệu euro tiền thưởng có sẵn, bao gồm 15,25 triệu euro được trao cho các câu lạc bộ thi đấu ở vòng bảng, trong đó 2,7 triệu euro được trao cho mỗi chiến thắng cũng như 900.000 euro mỗi trận hòa.

Bị cấm dự Champions League, Man City tổn thất thế nào?
Nếu bị cầm dự Champions League, Man City sẽ mất đi một nguồn thu đáng kể

Nếu vào tới trận chung kết, số tiền mà một đội bóng nhận được sẽ lên tới 47 triệu euro (bao gồm cả tiền thưởng cho thành tích vượt qua vòng 1/8, tứ kết và bán kết). Đội vô địch Champions League nhận được 4 triệu euro, thêm 3,5 triệu euro để tranh Siêu cúp châu Âu vào tháng 8 và sau đó là 1 triệu euro cho người nâng cúp

Và tất nhiên, không thể không nhắc đến số tiền được chia từ khoản ước tính 292 triệu euro từ  bản quyền truyền hình. Được biết, Man City đã kiếm được 46,95 triệu euro trong 8 mùa giải liên tiếp của họ tại Champions League.

Án phạt dành cho Man City liệu có khả thi?

Uefa chắc chắn đang phải chịu áp lực phải xử lý trường hợp này một cách đúng đắn, và chứng tỏ rằng họ không thể bị đe dọa bởi một câu lạc bộ giàu có và quyền lực.

Nhưng Man City có quyền kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) ở Thụy Sĩ - điều này khiến cho vụ việc sẽ phải kéo dài nhiều tháng và án phạt, nếu có, cũng không kịp áp dụng cho chiến dịch mùa tới nếu các nhà vô địch Ngoại hạng Anh được chứng minh là có tội.

Trong quá khứ, không ít trường hợp tương tự đã xảy ra và phán quyết của CAS bảo vệ lợi ích của các CLB. Năm ngoái, lệnh cấm tham dự Europa League với AC Milan vì vi phạm FFP đã bị hủy bỏ, với kết luận rằng hình phạt không tương xứng và phòng xét xử đã không đánh giá đúng "một số yếu tố quan trọng".

Bị cấm dự Champions League, Man City tổn thất thế nào? - 1
Milan từng kháng cáo thành công trước cáo buộc tương tự như với Man City

Vào tháng Hai, Galatasaray cũng kháng cáo thành công lên CAS sau khi hội đồng xét xử mở lại một cuộc điều tra về câu lạc bộ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng tiếp theo, CAS tiếp tục đứng về phía PSG để chống lại quyết định mở lại một cuộc điều tra về tài chính của UEFA nhằm vào CLB này cho đến tháng 6/2017.

Dù những trường hợp này có đôi chút khác biệt với Man City - dựa trên các yếu tố kỹ thuật và giới hạn thời gian, nhưng điều đó có lẽ sẽ mang lại cho đội bóng nước Anh một sự khích lệ.

Trong một thông báo được đưa lên trang chủ CLB, Man City giữ nguyên quan điểm mình trong sạch: "Man City hoàn toàn tự tin về một kết quả tích cực khi vấn đề được xem xét bởi một cơ quan tư pháp độc lập".

Bảo Linh (SHTT)