Thể thao

Bệnh thành tích khiến Việt Nam và bóng đá ĐNÁ chưa ra khỏi ao làng

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới - Gianni Infantino cho rằng bạo lực góp phần khiến cho bóng đá Đông Nam Á bị kìm hãm.

Từ nhận xét của Chủ tịch FIFA

Nhìn những hình ảnh xấu xí ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới - Gianni Infantino nhận xét: "Bóng đá Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Tuy nhiên, nó bị kìm hãm bởi bạo lực và những vấn đề khác".

Những hành vi xấu xí thực sự cản trở bóng đá Đông Nam Á phát triển. Chúng ta vẫn còn nhớ màn so tài ở bán kết AFF Cup 2020 giữa Việt Nam và Thái Lan, hai bên xảy ra xô xát sau trận đấu. Trận đấu thuộc giải giao hữu King's Cup 2019 giữa Thái Lan và Việt Nam có một loạt hành vi xấu xí...

Không chỉ cấp đội tuyển mà sân chơi CLB ở các nền bóng đá như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia... thường xuyên xuất hiện hành vi xấu xí. Ví dụ trận chung kết giữa Buriram và Bangkok United vừa tạo ra hình ảnh xấu hổ cho bóng đá Thái Lan. Jonathan Bolingi của Buriram United đã đấm vào mặt một HLV bên đội Bangkok United.

Ở V.League 2023, Văn Quyết bị cấm 8 trận vì có hành vi bạo lực với trợ lý trọng tài. Sân chơi U19 bị chê trách với nhiều thẻ phạt, có những tấm thẻ đỏ vì hành vi phi thể thao. Có một câu chuyện dễ thấy nhất là nhiều trận đấu xuất hiện cảnh HLV, cầu thủ phản ứng trọng tài...

Bệnh thành tích khiến Việt Nam và bóng đá ĐNÁ chưa ra khỏi ao làng
 Theerathon vung tay vào mặt Quang Hải ở AFF Cup 2020. Ảnh: VFF

Về cá nhân, ngôi sao Theerathon (Thái Lan) xứng đáng là một tượng đài của bóng đá Đông Nam Á. Theerathon có tài nghệ thuộc diện quái kiệt, là cầu thủ duy nhất của Đông Nam Á vô địch J.League 1 vào năm 2019. Tuy nhiên, Theerathon nổi tiếng chơi tiểu xảo, giật chỏ nên có biệt danh "vua cùi chỏ".

Hậu vệ Đoàn Văn Hậu là tài năng hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà nhìn rộng ra cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, Văn Hậu thường xuyên chơi xấu, đặc biệt hay có thói quen vung tay và giật chỏ vào mặt đối phương.

Bức tranh chung từ cấp ĐTQG đến đội trẻ, sân chơi chuyên nghiệp và những cá nhân ưu tú, bóng đá Đông Nam Á rõ ràng chưa thể có thứ bóng đá theo tinh thần thể thao. Không quá lời khi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới - Gianni Infantino nhận xét bạo lực góp phần khiến cho bóng đá Đông Nam Á bị kìm hãm.

Đến bệnh thành tích

Câu chuyện ai là số một của bóng đá Đông Nam Á cũng mang đến rào cản lớn cho các nền bóng đá như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia. Đây là căn bệnh thành tích và dường như còn rất lâu để thay đổi, kể cả Thái Lan cũng chưa thoát khỏi sự ám ảnh phải vô địch ở sân chơi khu vực.

Bệnh thành tích còn góp phần tạo ra sự xấu xí của bóng đá Đông Nam Á. Indonesia và Thái Lan từng đá trong tâm thế mà không ai muốn thắng tại Tiger Cup 1998, cuối cùng cầu thủ Indonesia chọn cách sút vào lưới nhà để thua Thái Lan. Lý do đội thắng phải gặp Việt Nam (đội chủ nhà) ở bán kết.

Sự chuẩn bị cho SEA Games 32 là ví dụ khác. Liên đoàn bóng đá Thái Lan muốn Thai League kết thúc sớm để có quân tốt nhất tranh HCV nhưng bất thành. V.League 2023 đã dừng một tháng để U22 Việt Nam đá SEA Games 32. Đó là nghịch lý tồn tại trong thời gian dài của bóng đá Việt Nam.

Ở AFF Cup 2020, Madam Pang bằng mọi cách đưa Chanathip Songkrasin, Theerathon đến Singapore để cùng tuyển Thái Lan soán ngôi của tuyển Việt Nam. Nếu không vì bệnh thành tích thì những cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Thái Lan tiếp tục thi đấu ở Nhật Bản, thay vì về đội tuyển đá AFF Cup.

Bóng đá Việt Nam cũng giống Thái Lan. Đoàn Văn Hậu rời Hà Lan để về thi đấu ở SEA Games 30. Quang Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Hoàng Đức, Tiến Linh... tranh HCV SEA Games 30 dù họ trong tâm thế nhà vô địch AFF Cup. Trên thế giới, hiếm có nền bóng đá nào "bê" cả đội tuyển đá giải trẻ để lấy thành tích mà không thuộc hệ thống FIFA.

Bệnh thành tích khiến Việt Nam và bóng đá ĐNÁ chưa ra khỏi ao làng - 1
Văn Hậu được gọi về đá SEA Games 30 dù thi đấu ở Hà Lan.

Chúng ta thấy rằng, Thái Lan có 16 lần vô địch SEA Games và 6 lần vô địch AFF Cup. Tiêu biểu là bóng đá Thái Lan làm "trùm" Đông Nam Á từ năm 2013 đến 2017 với 3 HCV SEA Games và 2 chức vô địch AFF Cup. Nhưng "voi chiến" không có nổi một chiến thắng ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Tức làm số một khu vực nhưng ra "biển lớn" thì không có cơ hội tiến xa.

Bóng đá Việt Nam bất bại ở khu vực kể từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2021. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam có khoảng cách lớn với châu Á khi đá vòng loại thứ ba World Cup 2022. Chúng ta đã phí phạm thời gian nâng tầm ĐTQG. Lý do không tìm những đối thủ mạnh để cọ xát và phát triển, còn làm cách ngược lại với mục tiêu vô địch SEA Games 30 bằng nòng cốt ĐTQG.

Nhìn vào một ví dụ khác để thấy bệnh thành tích kìm hãm sự phát triển, đó là hai khách mời dự giải giao hữu trước thềm AFF Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam. Chúng ta đã dễ dàng đánh bại Singapore 4-0, thắng Ấn Độ 3-0, qua đó vô địch với thành tích toàn thắng và trắng lưới. Dù vô địch giải giao hữu nhưng tuyển Việt Nam không thể lên ngôi ở AFF Cup 2022. Thái Lan có bệnh thành tích nhưng họ thường xuyên chọn đối thủ mạnh để đá giao hữu. Đây là điểm khác biệt lớn giữa tuyển Việt Nam và "voi chiến".

Bóng đá Đông Nam Á muốn đi xa phải tính đến việc quy hoạch lại sân chơi khu vực và thoát khỏi tư tưởng bệnh thành tích. Điển hình AFF Cup cần thuộc hệ thống FIFA và có những khách mời đẳng cấp như nhiều giải đấu khác trên thế giới. Vì nhiều năm rồi chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia tranh chức vô địch, còn Singapore sa sút. Những khách mời chất lượng sẽ tạo ra sức sống mới và nâng tầm giải đấu, thay vì "trói nhau" trong tâm lý phải làm số một Đông Nam Á.

Theo Văn Nhân (Saostar.vn)




https://www.saostar.vn/sao-sport/benh-thanh-tich-khien-viet-nam-va-bong-da-dna-chua-ra-khoi-ao-lang-202305301541254012.html