Thể thao

Antonin Panenka và cú đá penalty đặc biệt nhất lịch sử

“Khi bước lên chấm đá penalty, tôi chắc chắn tới 1000% mình sẽ thành công theo kiểu đá đặc biệt đó,” Antonin Panenka, tiền vệ tài năng của đội tuyển Tiệp Khắc chỉ có đúng một suy nghĩ như vậy trước khi thực hiện cú đá 11 mét cuối cùng trong trận chung kết Euro 1976 trước đội tuyển Tây Đức.

“Khi bước lên chấm đá penalty, tôi chắc chắn tới 1000% mình sẽ thành công theo kiểu đá đặc biệt đó,” Antonin Panenka, tiền vệ tài năng của đội tuyển Tiệp Khắc chỉ có đúng một suy nghĩ như vậy trước khi thực hiện cú đá 11 mét cuối cùng trong trận chung kết Euro 1976 trước đội tuyển Tây Đức.
Panenka đã trải qua cả một quá trình cố gắng và thử nghiệm kiểu đá này, không phải là một khoảnh khắc ngẫu hứng hay bộc phát. Trước khi anh bắt đầu bước chân đến gần chấm phạt đền, kỹ thuật này vẫn chưa hề được biết đến rộng rãi trên thế giới túc cầu. Panenka đã tạo ra một sự thay đổi lịch sử, bằng một cú trích mũi giày bằng cái chân phải, đưa Tiệp Khắc đến ngôi vô địch và biến cú đá này trở thành một biểu tượng của lịch sử. Không giống như chàng cầu thủ người Bỉ Jean-Marc Bosman đã được đặt tên cho luật Bosman theo cách dở khóc dở cười, thì cú penalty mang tên Panenka là một huyền thoại.

Trong phần lớn thời gian sự nghiệp của mình, Antonin Panenka chơi cho một đội bóng nhỏ địa phương là Bohemians Praha, CLB mà anh đã đầu quân khi mới chỉ 10 tuổi. Nổi tiếng với khả năng chuyền bóng và sút phạt trời phú, nhưng Panenka lại không được đánh giá cao ở kỹ năng cũng như trách nhiệm phòng ngự. Anh không phải một mẫu tiền vệ có tốc độ, càng không muốn di chuyển nhiều. Đối với Panenka, việc đeo bám đối thủ là công việc của những cầu thủ cao to lực lưỡng và ít tài năng hơn. “Tôi ghét tắc bóng,” đó là nhận định của tiền vệ thi đấu ở vị trí “số 10” này.

Nhưng tất nhiên Panenka vẫn là một của hiếm của bóng đá Tiệp Khắc. Anh có khả năng tạo ra cơ hội cho các đồng đội từ những tình huống tưởng chừng như không có gì. Một tầm quan sát cực tốt và linh động cũng giúp cầu thủ sinh năm 1948 này thường xuyên dọn cỗ cho đồng đội ghi bàn. Điều đó có nghĩa là sự lười biếng trong phòng ngự của anh luôn được tha thứ. Trong 230 trận đấu cho Bohemians, Panenka đã ghi tới 76 bàn thắng, trong đó có vài tình huống xuất phát từ chấm đá penalty. Số lần kiến tạo cho các đồng đội ghi bàn của anh còn ấn tượng hơn nữa. Panenka là một tay săn bàn cừ khôi từ các tình huống cố định, song cho đến trước năm 1974, tỷ lệ thành công trên chấm 11 mét của anh không hề ấn tượng hơn những cầu thủ khác.

Antonin Panenka là người sút penalty quyết định đưa Tiệp Khắc vô địch Euro 1976

Trong một trận đấu tại giải vô địch quốc gia với Plzen, năm đó, Panenka đã đá hỏng một quả penalty. Trọng tài sau đó đã phát hiện lỗi xâm nhập vòng cấm trái phép của một cầu thủ đối phương và quả penalty được thực hiện lại. Panenka tiếp tục đá hỏng. Dù đã có bàn thắng tương tự ở gần cuối trận, nhưng điều đó không thể ngừng thôi thúc anh luyện tập và tìm ra giải pháp đá phạt đền mới. Kể từ đó, sau mỗi buổi tập của Bohemians, Panenka rủ thủ thành Zdenek Hruska ở lại tập luyện đá penalty với những kèo mời bia, socola hay thậm chí là tiền mặt. “Anh ấy có khả năng cản phá penalty rất tốt và khiến tôi mất đi rất nhiều tiền bạc,” Panenka hồi tưởng.

Sự giận dữ này dẫn đến nỗi trăn trở của Panenka. Một đêm, anh quyết định thức muộn hơn để tìm kế đánh bại Hruska: “Tôi bắt đầu nghĩ tới một cách đá mới. Nhận ra rằng các thủ môn luôn chọn một hướng để bay người, vì thế tôi đã nghĩ tới chuyện đá vào chính giữa khung thành. Nhưng nếu tôi đá quá mạnh, anh ấy có thể cản phá bằng chân. Song, nếu tiếp xúc với trái bóng nhẹ nhàng hơn chút, anh ấy sẽ không thể cản phá khi đã đổ người rồi.” Từ đó, một cú đá nhẹ, và khá bổng, đi vào chính diện khung thành đã được định hình trong đầu của Panenka.

Anh đã bắt đầu có được thành công từ phương pháp mới này: “Nó hoàn toàn có hiệu quả. Tôi đã béo lên nhiều vì những vật phẩm thắng được từ các giao kèo với anh ấy,” Panenka bông đùa. Kể từ đó anh bắt đầu sử dụng rộng rãi hơn vào các trận đấu ở giải quốc nội. Một tháng trước vòng chung kết Euro 1976, Panenka ghi bàn thắng như vậy vào lưới thủ thành đội tuyển Tiệp Khắc, Ivo Viktor. Dù hiểu rõ ý đồ đá penalty của người bạn, nhưng Viktor vẫn không có đủ can đảm để đứng yên và chờ đợi một cú đá nhẹ hều khi mà trước mặt anh, Panenka đã làm động tác giả rất tài tình.

Tất nhiên sự nổi tiếng của cú sút penalty kỳ lạ của Panenka mới chỉ phổ biến rộng rãi ở Tiệp Khắc. Chỉ đến sau trận chung kết kỳ Euro 1976, làng túc cầu thế giới bắt đầu đặt tên Panenka cho cách đá này. Đội tuyển Tiệp Khắc bước đến trận đấu cuối cùng của giải đấu năm đó cũng rất thuyết phục với 21 trận bất bại kể từ vòng loại cho đến trận bán kết với Hà Lan của Johan Cruyff.

Họ liên tục vươn lên dẫn trước đội tuyển Tây Đức, khi đó sở hữu hàng loạt ngôi sao như Franz Beckenbauer, Eli Hoeness, Berti Vogts và thủ thành Sepp Meier, để rồi kéo trận đấu vào loạt đá luân lưu cân não để phân định thắng thua. Panenka là người sút cuối cùng và cũng là quyết định đến chiếc cúp bạc, ngay sau khi Uli Hoeness không thể chiến thắng thủ môn Ivo Viktor. Phần còn lại là lịch sử.

Những cú panenka đã được tái hiện rất nhiều lần trong lịch sử các kỳ Euro, nhưng nổi bật nhất vẫn là cú đá của Pirlo trong loạt sút luân lưu định mệnh tại tứ kết Euro 2012 với đội tuyển Anh. Khi đó Montolivo vừa đá hỏng từ chấm 11 mét còn Ý bị Anh dẫn trước 1-2. Thế nhưng anh chàng “kiến trúc sư” này đã vẽ lên một đường cong tuyệt đẹp hạ gục thủ thành Joe Hart.

Sau đó Ashley Young rồi Ashley Cole lần lượt đá hỏng những lượt sút của mình sau đó, giống như một lời nguyền, còn Nocerino và Diamanti đã tự tin hơn rất nhiều. Những cú xoay 180 độ của Cruyff hay 360 độ như Zidane được tạo nên bởi những huyền thoại vĩ đại bậc nhất lịch sử, nhưng chúng đều không có ý nghĩa định đoạt trận đấu như Panenka với quả penalty của mình. Cái tên của Panenka, sẽ luôn được nhớ đến.

Theo Thể thao Việt Nam