Thế giới

Y tá Philippines kể về 5 năm chịu cảnh 'bị đá, bị đánh' ở Nhật

Nhiều người Philippines đổ xô tới Nhật để tìm kiếm việc làm khi Tokyo nới lỏng chính sách cho lao động nước ngoài, nhưng họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành và phân biệt.

Trên trang Facebook của mình, Grace (tên đã được thay đổi) luôn xuất hiện với nụ cười tươi, như thể không có gì trên thế giới có thể làm cô phiền lòng.

Cô gửi về nhà kem làm trắng da, trà xanh và chocolate Meiji để bán hàng online và bán cho bạn mình. Với mức lương điều dưỡng viên ở Nhật là 900 yen (8 USD) mỗi giờ, 8 giờ mỗi ngày, cô có đủ tiền để đi du lịch nước ngoài với bạn trai.

Thế nhưng Grace quyết định về nước.

Y tá Philippines kể về 5 năm chịu cảnh 'bị đá, bị đánh' ở Nhật
Các thực tập sinh Philippines đang học nghi lễ chào hỏi thường ngày của người Nhật trong một khóa đào tạo người giúp việc. Ảnh: Bloomberg.

"Tháng nào tôi cũng muốn nghỉ"

Với số tiền tiết kiệm từ công việc ở Nhật, cộng một khoản vay từ ngân hàng, Grace mua cho bố mẹ ngôi nhà mới để họ an dưỡng tuổi già. Song không may là vài tháng sau, khi Grace vẫn còn đang trong hợp đồng lao động, bố cô bị chẩn đoán mắc ung thư. Ông ra đi sau đó khiến Grace rất đau buồn, nhưng cô nhận ra mình vẫn còn mẹ.

Phải đến tháng 4 vừa qua, khi thời hạn hợp đồng 5 năm kết thúc, Grace mới được cho phép trở về nhà. Điều đầu tiên cô phải làm là trả các khoản nợ trước đó dành cho chi phí y tế của cha.

Cô thấy người Nhật "tốt bụng, chăm chỉ" và "rất quan tâm đến bạn khi bạn trở thành bạn của họ", mặc dù vậy cô cũng nghe tới "những chuyện kinh khủng" mà một số đồng hương phải trải qua.

Nhiều điều dưỡng đến Nhật vì muốn phát triển sự nghiệp, nhưng công việc hết sức áp lực. "Gần như tháng nào tôi cũng muốn nghỉ", Grace chia sẻ. Được đào tạo để làm y tá nhưng cô phải làm việc như một người chăm sóc và cũng phải học tiếng Nhật trong cùng thời điểm.

Grace phải chăm lo cho những bệnh nhân "bị mất trí nhớ nghiêm trọng và có thể làm đau bạn". Cô chia sẻ mình từng bị nhổ vào người và đôi khi phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải. "Tôi bị đá, bị đánh, bị giật tóc và bị chửi bới", Grace cho biết và nói thêm rằng đó là khung cảnh bình thường bên trong một cơ sở chăm sóc người già.

Grace là một trong 2.200 điều dưỡng người Philippines làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận đối tác kinh tế mà hai nước đạt được năm 2006. Vì không thi chứng chỉ hành nghề tại Nhật, cô được trả lương thấp hơn so với mức trung bình của những đồng nghiệp bản địa.

Chính sách bóc lột

Chương trình thị thực mới được thông qua hồi tháng 4 sẽ mở cửa thị trường lao động Nhật Bản cho nhân công người nước ngoài có tay nghề, thông qua chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật. Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, ông Koji Haneda, cho biết cá nhân ông dự đoán "hơn 50.000 lao động Philippines sẽ tới Nhật làm việc theo chương trình này vào năm 2025".

Y tá Philippines kể về 5 năm chịu cảnh 'bị đá, bị đánh' ở Nhật - 1
Lao động nước ngoài người Philippines ở Nhật chỉ đứng sau hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bộ Lao động, Sức khỏe và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10/2018, số lượng lao động ngoại quốc ở Nhật là 1,46 triệu người, nhiều nhất là người Trung Quốc (389.117), Việt Nam (316.840) và Philippines (164.006). Dân số Nhật Bản hiện tại là vào khoảng 126 triệu người.

Đại sứ Haneda cho biết khoảng 25.000 thực tập sinh Philippines đã đến Nhật để làm việc trong các ngành nông nghiệp, đánh bắt cá, xây dựng và sản xuất.

Benjamin San Jose, giáo sư giảng dạy ngành Nhật Bản học và khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, cho rằng có 2 lý do khiến cho Nhật Bản nới lỏng chính sách nhập cư. Đầu tiên là Olympics 2020 diễn ra tại Tokyo, sự kiện khiến cho nhu cầu xây dựng, dịch vụ và du lịch gia tăng. Thứ hai là dân số già hóa của Nhật Bản khiến cho số người tham gia vào lực lượng lao động ngày càng giảm.

Chính sách thị thực mới của Nhật Bản được hoan nghênh bởi bộ trường lao động Philippines, nhưng giáo sư San Jose cảnh báo rằng Tokyo cần phải thay đổi "chính sách lao động thiếu sót", vốn coi lao động ngoại quốc là "thực tập sinh kỹ thuật đến Nhật để học hỏi kỹ năng" chứ không phải là "lao động được mời đến" - những người được bảo vệ bởi luật lao động.

Điều này dẫn đến báo cáo về các vụ "bị chủ lao động bạo hành, không trả tiền công hoặc tiền lương, và trong nhiều trường hợp là chết vì làm việc quá sức".

Ông San Jose cho biết nhiều nhà hoạt động đã chỉ trích chương trình thực tập sinh kỹ thuật này, coi nó là chính sách nhập cư chui để Nhật Bản có thể bóc lột lao động giá rẻ nước ngoài.

Nhiều người sẵn sàng

Năm ngoái, 40 "thực tập sinh" người Philippines tại nhà máy Hitachi Kasado ở tỉnh Yamaguchi đã bị sa thải sau khi phàn nàn về điều kiện làm việc của họ và tham gia vào liên đoàn. Những người này được đào tạo để trở thành kỹ sư nhưng công việc của họ lại là lắp đặt nhà vệ sinh trong các toa tàu khách.

Mặc dù vậy, rất nhiều người Philippines vẫn đổ xô tới Nhật để làm việc. Cô Otan Agbayani hiện làm giáo viên tiếng Anh và cho biết đã từng nhiều lần muốn từ bỏ công việc ở Nhật Bản, đặc biệt là trong tháng đầu tiên.

Y tá Philippines kể về 5 năm chịu cảnh 'bị đá, bị đánh' ở Nhật - 2
Không phải người Nhật nào cũng ủng hộ việc chính phủ mở cửa cho lao động nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

"Tôi phải xa nhà, không hiểu ngôn ngữ và không biết gì về vùng đất này. Bản thân công việc mới đầu cũng rất khó khăn".

"Tôi không muốn về nhà như một người thất bại. Tôi tới Nhật với mục đích là phát triển và học hỏi từ năng suất làm việc và tính kiên nhẫn của người Nhật", cô chia sẻ.

"Tôi không dự định sẽ ở lại Nhật lâu dài. Mục tiêu của tôi là quay trở lại Philippines và áp dụng những gì học được ở đây", giáo viên tiếng Anh cho biết.

Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)