Thế giới

Xúc động với lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của người em trai tại chính nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết

Hôm 1/6, em trai của George Floyd đã tỏ ra vô cùng xúc động tại góc phố nơi anh mình thiệt mạng. Dù vậy, người đàn ông vẫn cố nén đau thương để kêu gọi mọi người dừng lại những hành động bạo lực, bởi điều đó cũng "không thể nào mang anh tôi trở về".

Hơn 1 tuần này, những cuộc biểu tình bạo loạn đang tiếp tục leo thang ở Mỹ sau khi George Floyd bị cảnh sát còng tay và ghì chết ngày 25/5. Dòng người đông đảo đã hô vang khẩu hiệu "Tôi không thở được" - những lời cuối cùng của Floyd khi bị bắt giữ. Theo hãng tin AP, cái chết của anh đã trở thành biểu tượng mới nhất đối với nhiều người Mỹ trong cuộc chiến dai dẳng chống lại nạn phân biệt chủng tộc. 

Giữa lúc đó, lại có một người đàn ông lặng lẽ đến góc phố giao giữa Đường 38 và Đại lộ Chicago thuộc thành phố Minneapolis - nơi George Floyd trút hơi thở cuối cùng.

Xúc động với lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của người em trai tại chính nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết

Đó là Terrence Floyd, em trai của người quá cố. Anh trầm ngâm quỳ gối giữa những vòng hoa tưởng niệm. Rất nhiều người dân xung quanh đã xúc động quỳ xuống bên cạnh, mong muốn được xoa dịu nỗi đau của gia quyến và bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đàn ông vắn số. Khu vực tưởng niệm này bỗng nhiên trở thành điểm sáng hiếm hoi giữa khung cảnh biểu tình đốt phá và bạo lực tràn lan ở Mỹ.

Đáng chú ý hơn là thông điệp của Terrence Floyd: "Tôi hiểu rằng tất cả các bạn đang thất vọng và đau đớn. Nhưng các bạn có đau đớn bằng một nửa của tôi hay không? Vậy mà tôi còn không thiêu đốt nhà cửa làm rối loạn cộng đồng dân cư xung quanh mình, thì lí gì mọi người lại làm vậy? Mọi người đang làm chuyện gì thế? Việc phá hoại này chẳng có ích gì, nó sẽ không thể nào mang anh tôi trở về".

Nói với đám đông xung quanh, Terrence Floyd cho biết anh cảm thấy khó hiểu vì sao ngoài sĩ quan Derek Chauvin chẹt cổ anh trai thì 3 cảnh sát có liên quan vẫn chưa bị truy tố. Tuy nhiên, gia đình Floyd vẫn luôn cầu mong "hoà bình" và "tin tưởng vào Chúa". Họ đề nghị mọi người hãy biểu tình ôn hoà và tin rằng công lý sẽ được thực thi.

"Trong tất cả những vụ việc về sự tàn nhẫn của cảnh sát, mọi thứ diễn ra như một kịch bản định trước. Mọi người biểu tình, và mọi người đập phá thành phố... Xin hãy chọn một con đường khác, làm ơn..." - Terrence tuyên bố, đề nghị cộng đồng hãy bình tĩnh suy xét cũng như dùng quyền bầu cử của mình để làm điều mà họ cho là đúng đắn trong khuôn khổ của pháp luật.

Xúc động với lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của người em trai tại chính nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết - 1

Xúc động với lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của người em trai tại chính nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết - 2

Xúc động với lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của người em trai tại chính nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết - 3
Terrence Floyd đã đeo khẩu trang có in hình ảnh anh trai khi đến điểm tưởng niệm (Ảnh: AP)

Được biết, George Floyd sinh ra ở thành phố Houston, bang Texas. Từ năm 2014, anh chuyển đến thành phố Minneapolis, bang Minnesota để tìm kiếm công việc và bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng rồi đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy Floyd vào cảnh thất nghiệp như hàng triệu người khác ở Mỹ. Tuy vậy, em trai Terrence khẳng định "anh tôi vẫn yêu thành phố này và không muốn nhìn thấy những hành động (bạo lực) mà nhiều người đang làm".

Tại góc phố tưởng niệm George Floyd, nhà hoạt động xã hội Rev. Kevin McCall cho biết ông đã đưa Terrence đến đây để kêu gọi biểu tình ôn hoà. "Chúng tôi đang gửi đi thông điệp đến tất cả người Mỹ. Hãy dừng lại việc hôi của, bạo loạn. Chúng ta sẽ tiếp tục biểu tình, nhưng xin đảm bảo rằng việc này diễn ra ôn hoà".

Trước khi rời đi, Terrence cùng đám đông ở khu vực tưởng niệm đã cùng nhau thể hiện quyết tâm tìm kiếm sự công bằng cho người da màu ở Mỹ. Terrence hô vang "Tên của anh ấy là gì?" và tất cả mọi người đồng thanh đáp: "George Floyd!".

Theo Jayden (Tổ Quốc)




http://toquoc.vn/xuc-dong-voi-loi-keu-goi-cham-dut-bieu-tinh-cua-nguoi-em-trai-tai-chinh-noi-george-floyd-bi-canh-sat-ghi-chet-2202026122611473.htm