Thế giới >> Sức mạnh quân sự Việt Nam

Xe tăng T-90S hiện đại về Việt Nam bằng cầu không vận xuyên lục địa?

Theo truyền thông Nga (hãng tin Interfax), những chiếc xe tăng T-90S mà Việt Nam đặt mua đã bắt đầu được phía Nga bàn giao.

Họ xe tăng T-90 có khá nhiều phiên bản từ T-90, T-90A, T-90S,... và mới nhất là T-90M (dùng cho quân đội Nga) cùng T-90MS (dùng cho xuất khẩu), và trong mỗi phiên bản ấy, tùy theo yêu cầu cảu khách hàng mà các thông số kỹ thuật, tính năng chiến đấu của vũ khí trang bị có thể thay đổi.

Hiện chưa rõ cấu hình của phiên bản xe tăng T-90S (kèm theo bản T-90SK chỉ huy) mà Việt Nam đặt mua, nhưng theo công bố trên website chính thức của Công ty

UralVagonZavod, dòng xe tăng T-90S có thông số kỹ thuật chung như sau, trọng lượng 46,5 tấn; chiều dài (tính cả nòng pháo hướng về phía trước) là 9,430m, chiều rộng khoảng 3,78m và chiều cao khoảng 2,2m.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Nga sẽ bàn giao xe tăng T-90 cho Việt Nam theo con đường nào? Đường không, đường sắt hay đường biển?

Xe tăng T-90S hiện đại về Việt Nam bằng cầu không vận xuyên lục địa?
Xe tăng T-90 trình diễn.

Xe tăng T-90 có vận chuyển được bằng máy bay không?

Câu trả lời là được, hoàn toàn được và thậm chí còn rất nhanh chóng, bởi Nga hiện đang sở hữu đội máy bay vận tải An-124 hùng hậu, chuyên chở các món hàng siêu trường, siêu trọng. Trên thực tế, An-124 đã từng vận chuyển đi và về 1 chiếc xe tăng T-90 tới Peru để trình diễn chào hàng nhằm thuyết phục quốc gia Nam Mỹ này đặt hàng.

Với tải trọng tối đa 150 tấn (phiên bản Аn-124-100М-150) và kích thước khoang hàng (dài x rộng x cao) 36×6,4×4,4 m, mỗi chiếc siêu vận tải cơ chiến lược của Nga có thể dễ dàng "cõng" 2-3 chiếc xe tăng T-90 đến bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Xe tăng T-90S hiện đại về Việt Nam bằng cầu không vận xuyên lục địa? - 1
Chiếc xe tăng T-90S được Tập đoàn Rostec (Nga) chuyển tới chào hàng ở Peru bằng máy bay vận tải An-124.

Tầm bay của Аn-124-100М-150 với tải trọng tối đa có thể đạt 3.200km, còn khi chở 92 tấn (tương đương với trọng lượng của 2 chiếc xe tăng T-90) thì nó có thể đạt cự ly bay 7.500km.

Với 64 chiếc T-90S theo hợp đồng cung cấp cho Việt Nam thì chỉ cần 32 chuyến bay An-124 là có thể "giải phóng" hết hàng, bàn giao cho nước chủ nhà.

Tuy nhiên, vận chuyển bằng đường hàng không thường có chi phí rất đắt đỏ và như đã nói ở trên thường chỉ chở xe tăng mẫu đi triển lãm hoặc chào hàng thì nhà chế tạo mới "bạo chi" dùng đến phương tiện này. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam thì việc này chưa thật sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh không việc gì phải quá gấp gáp nhận hàng trong thời gian nhanh nhất.

Ước tính, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đắt nhất trong các loại hình vận tải (nhất là đối với các hàng hóa siêu trường, siêu trọng), gấp nhiều lần đường sắt và đường biển.

Xe tăng T-90S hiện đại về Việt Nam bằng cầu không vận xuyên lục địa? - 2
Xe tăng T-90 trình diễn.

Vậy đi bằng đường sắt thì sao?

Giải pháp vận chuyển bằng đường sắt qua Trung Quốc cũng không phải là lựa chọn tối ưu vì có nhiều điều khá bất tiện như phải chuyển tải nhiều chặng, vả lại một loạt vũ khí hiện đại, giá trị lớn đi xuyên dọc qua một quốc gia cũng không phải là giải pháp tốt.

Đó là chưa chắc chi phí đã thuộc loại rẻ nhất khi phải tổ chức khôi phục một đoàn tàu liên vận, bởi tuyến đường này đã bị gián đoạn hàng chục năm nay.

Đi đường biển vừa rẻ vừa lành!

Đi tàu biển có lẽ là giải pháp tốt nhất khi vận chuyển khí tài quân sự hạng nặng bởi chở được số lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng đều không thành vấn đề và với chi phí rẻ hơn nhiều so với đường không và đường sắt.

Chỉ cần một chuyến tàu là có thể chuyển giao cùng lúc được cả trăm chiếc xe tăng. Chuyện này dễ dàng y hệt như những con tàu chuyên dụng vận chuyển ô tô đi khắp thế giới với sức chứa lên tới hàng nghìn chiếc mỗi chuyến.

Xe tăng T-90S hiện đại về Việt Nam bằng cầu không vận xuyên lục địa? - 3
Xe tăng T-90 trình diễn.

Mặc dù có lợi thế về chi phí, nhưng đường biển cũng có một số điểm cần lưu ý đó là thời gian chậm hơn do tốc độ trung bình của tàu biển rơi vào khoảng trên dưới 15 hải lý/h.

Theo lộ trình ước tính của các hãng vận tải container đường biển, thời gian vận chuyển từ Việt Nam tới Nga thông thường mất từ 40-50 ngày. Con số này khá chậm so với đường không và đường sắt.

Đồng thời, khi khí tài quân sự lênh đênh trên biển ắt sẽ ít nhiều phải chịu sự tác động của hơi mặn muối biển, tuy nhiên, với một quốc gia xuất khẩu gần 10 tỷ USD vũ khí mỗi năm thì đây là chuyện nhỏ bởi họ có quá thừa kinh nghiệm xếp hàng, bảo quản những khối hàng trị hàng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD và giao cho khách hàng an toàn.

Như vậy có thể thấy, nhiều khả năng những chiếc xe tăng T-90 đầu tiên sẽ được Nga bàn giao cho Việt Nam bằng đường biển.

Và như phát biểu của ông Mikhail Petukhov - Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga đã bắt đầu giao lô xe tăng T-90S cho Việt Nam thì có thể lô hàng sẽ được chia làm nhiều hơn 1 đợt, phù hợp với khả năng tiếp nhận tại cảng, huấn luyện kíp chiến đấu và nhất là có thể thanh toán từng đợt theo tiến độ giao hàng.

Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)