Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

WHO sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau khi Mỹ cắt tài trợ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tuyên bố cắt nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều chuyên gia lo ngại động thái này sẽ tác động tới cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.

WHO sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau khi Mỹ cắt tài trợ?

Được thành lập vào năm 1948, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ cải thiện tiêu chuẩn sức khỏe trên toàn thế giới. Vai trò của tổ chức này đã được ghi nhận với việc lãnh đạo một chiến dịch kéo dài 10 năm để loại bỏ bệnh đậu mùa trong những năm 1970 và đã phối hợp với các quốc gia trong cuộc chiến chống lại các đại dịch, tiêu biểu gần đây là Ebola.

WHO hiện đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, cung cấp lời khuyên về cách ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh cho các quốc gia. Tổ chức này cũng đang phối hợp nghiên cứu toàn cầu về các loại thuốc và vaccine tiềm năng chống lại COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới hiện có hơn 7.000 người làm việc tại 150 văn phòng quốc gia, 6 văn phòng khu vực và trụ sở tại Geneva.

Trong đó, ngân sách WHO thường được phân bổ để duy trì hoạt động trong vòng 2 năm. Vào cuối năm 2019, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO và đã đóng góp hơn 800 triệu USD cho giai đoạn tài trợ 2018-2019. Quỹ Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai, tiếp theo là Anh.

Các nguồn tài trợ của WHO bao gồm hai dạng:

- Thứ nhất là khoản "đóng góp định mức" từ các quốc gia thành viên, hướng tới việc duy trì các chức năng cốt lõi của WHO

- Thứ hai là các khoản đóng góp tự nguyện, được nhắm mục tiêu vào các chương trình cụ thể như xóa sổ bệnh bại liệt và cuộc chiến chống lại AIDS, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác.

Tại giai đoạn này, không rõ liệu chính phủ Mỹ có ý định dừng các khoản đóng góp tự nguyện, đóng góp theo định mức hay cả hai.

Ngân sách của WHO trong giai đoạn 2020-2021, được các bộ trưởng y tế phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái, lên tới gần 4,85 tỷ USD và tăng 9% so với giai đoạn 2 năm trước.

Sau quyết định của Tổng thống Trump, chính phủ Mỹ chưa cho biết đã thực hiện tất cả hay một phần khoản thanh toán cho khoản ngân sách giai đoạn 2020-2021 hay chưa, nhưng các khoản đóng góp theo định mức thường được phía Washington thực hiện vào cuối năm.

Gần 1 tỷ USD trong ngân sách 2020-2021 được dành cho các hoạt động của WHO trên khắp châu Phi, lục địa nghèo nhất thế giới với tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi cao nhất do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Xóa sổ bệnh bại liệt vẫn là một chương trình lớn của WHO và Mỹ là quốc gia đóng góp chính cho nỗ lực này.

Chương trình khẩn cấp của WHO cũng đang tìm cách dập tắt các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bao gồm Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những quan điểm ngày càng gay gắt đối với WHO, cáo buộc tổ chức này đã che đậy sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc để bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết nước này đã minh bạch và chia sẻ thông tin với WHO cùng các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

Phía WHO cho biết Trung Quốc đã chia sẻ thông tin nhanh chóng và đang hợp tác nghiên cứu và các lĩnh vực khác.

Tổ chức Y tế Thế giới từng bị cáo buộc đã phản ứng thái quá với đại dịch cúm H1N1 2009-2010, và sau đó phải đối mặt với những chỉ trích vì không phản ứng đủ nhanh với sự bùng phát của dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, vốn đã giết chết hơn 11.000 người.

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)




https://ngaynay.vn/the-gioi/who-se-bi-anh-huong-the-nao-sau-khi-my-cat-tai-tro-170291.html