Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

WHO: Miễn dịch cộng đồng là 'phi đạo đức'

"Miễn dịch cộng đồng đạt được nhờ bảo vệ con người trước một loại virus, không phải là khiến họ nhiễm virus," tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Người đứng đầu WHO cảnh báo rằng miễn dịch cộng đồng không phải là một chiến lược thực tế để chặn đứng đại dịch Covid-19, cho rằng ý tưởng này "phi đạo đức".

Trong cuộc họp báo hôm 12/10, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết giới chức y tế thường nhắm tới miễn dịch cộng đồng bằng việc tiêm vaccine. Ông Tedros lưu ý để đạt được miễn dịch cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm, ví dụ như sởi, khoảng 95% dân số cần được miễn dịch.

WHO: Miễn dịch cộng đồng là 'phi đạo đức'
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: EPA)

"Miễn dịch cộng đồng đạt được bằng cách bảo vệ con người trước virus, không phải khiến họ nhiễm virus," ông Tedros nói.

Trước đó, một số ý kiến cho rằng việc Covid-19 lây lan trong các cộng đồng không có nguy cơ cao có thể giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, và đây được coi là một biện pháp chặn đứng đại dịch, thay vì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có thể gây hậu quả nặng nề về kinh tế. Tuy vậy, người đứng đầu WHO bác bỏ ý tưởng này.

"Trong lịch sử y tế công cộng chưa từng có chuyện miễn dịch cộng đồng được coi là chiến lược để đối phó với dịch bệnh bùng phát," ông Tedros cho hay.

Tổng giám đốc WHO cho biết tới hiện tại vẫn còn quá nhiều điều chưa biết về miễn dịch với Covid-19 để có thể xác định liệu miễn dịch cộng đồng có thể đạt được hay không.

"Chúng ta đã biết một số chi tiết, nhưng chưa có một bức tranh toàn cảnh," ông Tedros nói thêm, lưu ý rằng WHO đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 sau khi đã phục hồi. Tổng giám đốc WHO cho rằng dù đa số bệnh nhân dường như đã có miễn dịch trước virus, hiện vẫn chưa rõ miễn dịch này sẽ kéo dài bao lâu, hay mạnh như thế nào.  

"Để một virus chúng ta chưa hiểu rõ hoành hành là điều phi đạo đức," ông Tedros nhấn mạnh.

WHO ước tính chưa tới 10% dân số có miễn dịch trước virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc đại đa số vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)