Thế giới

WaPo: Báo cáo của Nga hé lộ 'chiến dịch 6 ngày' trước cuộc sáp nhập Crimea lịch sử

Putin kí sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga

Tờ Washington Post (WaPo, Mỹ) khẳng định đã nắm được một báo cáo chi tiết của Cơ quan tình báo Quân đội Nga (GRU) liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

WaPo: Báo cáo của Nga hé lộ 'chiến dịch 6 ngày' trước cuộc sáp nhập Crimea lịch sử
Người biểu tình tạo vòng tròn lửa để chống lại lực lượng an ninh Ukraine, trong cuộc biểu tình Maidan tháng 2/2014 (Ảnh: Sergey Dolzhenko/EPA)

Chiến dịch sáu ngày

Sau khi chính phủ Ukraine của tổng thống Viktor Yanukovych không muốn cải thiện quan hệ với EU vào năm 2014, các cuộc biểu tính phản đối liên tiếp nổ ra. Trong bối cảnh này, ngày 22/2/2014 đã đánh dấu sự sụp đổ chính thức của chính quyền ông Yanukovych.

Nga gọi diễn biến này là "một cuộc đảo chính", và từ đây khủng hoảng đã bùng lên trong quan hệ giữa Kremlin với phương Tây. Mới đây trong cuộc họp báo thường niên 2017 ngày 14/12, tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định "nguyên nhân, gốc rễ của thảm kịch [khủng hoảng Ukraine] - đó là cuộc đảo chính, cuộc chiếm quyền bằng vũ lực ở Ukraine".

Theo WaPo, trong giai đoạn chính trị bất ổn này, GRU đã tiến hành chiến dịch bí mật. Đây là một phần của kế hoạch toàn diện chống lại chính phủ mới ở Kiev và những người biểu tình ủng hộ phương Tây, sau khi ông Yanukovych phải lưu vong.

Theo báo cáo tình báo mật của GRU mà WaPo nói rằng đã nắm được, mục tiêu của chiến dịch nhằm tác động đến các nhà hoạch định chính sách chủ chốt và công chúng nói chung tại Ukraine, để mở đường cho sự can thiệp của Nga ở Crimea trong những ngày tiếp theo sự kiện Kiev.

Sáu ngày sau vụ việc 22/2, đến ngày 27/2/2014, những người có vũ trang đã tấn công và chiếm giữ tòa nhà nghị viện ở Crimea.

Báo cáo cho hay, 24 giờ sau khi chính quyền Yanukovych sụp đổ, các nhân viên tình báo GRU đã tạo ra hàng loạt "nhân vật ảo" trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Vkontakte (VK) tại Nga.

Những nhân vật này đại diện cho những người dân Ukraine thể hiện sự thất vọng với những cuộc biểu tình của phe đối lập tại quảng trường trung tâm Kiev, hay còn gọi là phong trào Maidan.

WaPo: Báo cáo của Nga hé lộ 'chiến dịch 6 ngày' trước cuộc sáp nhập Crimea lịch sử - 1
Ông Viktor Yanukovych rời khỏi thủ đô Kiev và người biểu tình chiếm được tư dinh của ông vào ngày 22/2/2014 (Ảnh: Sergey Dolzhenko/EPA)

Vào tối 22/2/2014, một người tự xưng là là Ivan Galitsin đăng tải bình luận dưới bài viết của một tờ báo Anh, nói về lãnh đạo đối lập Ukraine và cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko, người vừa được ra tù ngày hôm đó. 

"Có một cuộc đảo chính ở Ukraine," Galitsin viết bằng tiếng Anh. "Tôi sống ở Kiev. Tôi đã từng tham dự Maidan. Cuộc biểu tình ôn hoà đã kết thúc cách đây hai tháng khi những người dân tộc chủ nghĩa được trang bị vũ khí xua đuổi chúng tôi. Đúng là một cơn ác mộng... Tôi không muốn điều này xảy ra cho đất nước mình".

Theo các tài liệu, Galitsin là một nhân vật do các sĩ quan tình báo GRU tạo nên. Hồ sơ của nhân vật này được tạo ra vào ngày 22/2 và vị sĩ quan này đã sử dụng ảnh đại diện của tài khoản Galitsin là một tên buôn lậu ma túy người Nga đang thụ án trong nhà tù của Mỹ. Dòng bình luận ​​của Galitsin cũng xuất hiện ở trang mạng bằng tiếng Anh khác.

Theo bản báo cáo GRU, nhóm này đã đăng tải thông tin tới tổng cộng hơn 30 nhóm và nền tảng phương tiện truyền thông xã hội phổ biến tại Ukraine cùng 25 ấn phẩm "hàng đầu bằng tiếng Anh".

Chiến dịch của GRU cũng đăng bình luận về công dân có quan điểm phản đối những người biểu tình đòi lật đổ ông Yanukovych.

Một bình luận nói "Sự nổi dậy của phe đối lập tại đây sẽ là thảm họa... Họ có quan điểm hoàn toàn khác về tương lai của Ukraine".

WaPo: Báo cáo của Nga hé lộ 'chiến dịch 6 ngày' trước cuộc sáp nhập Crimea lịch sử - 2
Cùng ngày 22/2/2014, lãnh đạo đối lập Ukraine, bà Yulia Tymoshenko được thả khỏi trại giam, nơi bà bị giữ từ năm 2011. Bà tới Quảng trường Độc lập để phát biểu trước những người biểu tình ngay sau khi tới Kiev (Ảnh: Baz Ratner/Reuters)

Mở đường cho cuộc sáp nhập Crimea

WaPo cho hay, ngày 27/2, khi toà nhà nghị viện Crimea bị chiếm giữ, GRU đã lập nên bốn nhóm trên Facebook và VK để kêu gọi những người dân Crimea ủng hộ việc ly khai khỏi Ukraine.

WaPo dẫn báo cáo GRU cho biết, "Sử dụng các tài khoản trên Facebook, chúng tôi đã đăng tải các thông báo cho người dân Crimea về mối đe doạ từ các tổ chức Quốc xã".

Lời khuyên của GRU dành cho nhân viên của mình khi thực hiện chiến dịch kiểu này là "Bạn có thể chọn bức ảnh ai đó bất kì trên Facebook miễn là người đó không có nhiều bạn và không phải là một người dùng thường xuyên".

Cũng theo báo cáo, GRU đã đăng các bài quảng cáo trả tiền trên Facebook để tăng mức độ tương tác của các nhóm. Chỉ tính riêng ngày 27/2, các nhóm này đã thu hút được gần 200.000 lượt xem trên Facebook. Những nội dung do GRU đăng tải sau đó được đăng lại ở các nhóm khác trên Facebook, VK và LiveJournal cùng một trang mạng xã hội khác của Nga.

Rất khó để đánh giá tác động thực sự của chiến dịch truyền thông của GRU tại Ukraine - WaPo cho biết. Tuy nhiên, GRU chắc chắn đã trợ giúp hiệu quả cho cuộc sáp nhập Crimea suôn sẻ của Nga, bởi "Phần lớn ý kiến trên các mạng xã hội đồng ý với các quan điểm được đăng tải".

Theo Ngọc Nguyễn (Soha/Thời Đại)