Thế giới

Vụ Skripal: Vì sao Israel chọn đi ngược phong trào, bất chấp áp lực lớn từ phương Tây?

Dường như vụ Skripal đã trở thành 'phép thử' trong quan hệ giữa Israel với Mỹ nói riêng, và với các nước phương Tây nói chung.

Vụ Skripal: Vì sao Israel chọn đi ngược phong trào, bất chấp áp lực lớn từ phương Tây?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Marc Israel Sellem/POOL/FLASH90

Theo bài viết của nhà phân tích chính trị người Israel Avigdor Eskin trên trang RIA Novosti, Israel không chỉ chọn đứng ngoài vòng xoáy trừng phạt - trả đũa Nga do Anh châm ngòi, mà còn thẳng thừng từ chối yêu cầu tham gia vụ trục xuất tập thể của các nước phương Tây.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về lập trường của Israel trước quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và nhiều nước EU, Bộ Ngoại giao nước này chỉ trả lời ngắn gọn rằng: "Không có bình luận", theo trích dẫn của trang Haaretz.

"Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết chính phủ Anh đã gây sức ép rất lớn đối với chính phủ Israel, đồng thời thuyết phục Israel cùng tham gia buộc tội Nga cùng với họ. Đáp lại yêu cầu đó, Bộ ngoại giao Israel đã đưa ra một tuyên bố nhằm lên án vụ đầu độc, nhưng không hề nhắc đến Nga - dù là trực tiếp hay gián tiếp", nhà phân tích Eskin cho hay.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Israel đã tuyên bố "Israel rất quan ngại về vụ việc xảy ra ở Anh, và lên án mạnh mẽ [thủ phạm đầu độc hai cha con ông Skripal]". Nước này cũng bày tỏ hy vọng rằng "cộng đồng quốc tế sẽ hợp tác để phòng tránh những sự việc tương tự xảy ra".

Dựa vào tuyên bố trên, nhà phân tích Eskin khẳng định lập trường của Israel rất rõ ràng. Mossad - cơ quan tình báo quốc gia trứ danh của Israel không tin những cáo buộc một chiều và thiếu căn cứ của Anh trong vụ Skripal, do đó chính phủ Israel đã không tham gia 'làn sóng' trục xuất các nhà ngoại giao Nga của phương Tây.

Ông Eskin tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của Mossad, và đặt ra nhiều nghi vấn về những cáo buộc của Anh.

Vụ Skripal: Vì sao Israel chọn đi ngược phong trào, bất chấp áp lực lớn từ phương Tây? - 1
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Sputnik.

"Nước Anh đã hy vọng rằng cơ quan tình báo Israel sẽ đứng ra xác nhận những cáo buộc 'tưởng tượng' của họ, và đã nhiều lần sách nhiễu Israel về vấn đề ấy". Nhà phân tích này cho biết Đại sứ quán Anh tại Israel thậm chí còn công khai bày tỏ rằng họ không hài lòng với quyết định của Tel Aviv.

Theo tờ Times of Israel, thì tuyên bố của Đại sứ quán Anh tại Israel có ý nghĩa như sau: "Chúng tôi kì vọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tất cả các đồng minh, bao gồm Israel".

Vậy lí do gì đã khiến Israel lựa chọn đứng trên lập trường mâu thuẫn với chính sách của Anh và Mỹ - các đồng minh thân cận nhất của họ?

Ông Eskin giải thích: "Trong vòng hai nhiệm kì của cựu Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel khá gượng ép, thậm chí nhiều lúc còn có thể coi là căng thẳng. Sau khi ông Donald Trump đắc cử, quan hệ giữa hai nước mới được nồng ấm như hiện tại. Tôi có thể tự tin khẳng định rằng việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu tự đưa ra quyết định [mà không chịu sự chi phối của Washington] và tuyên bố lập trường trung lập không hề dễ dàng, đặc biệt là khi những nước khác đều nghĩ Israel ủng hộ Nga khi đưa ra quyết định ấy".

Theo ông này, động thái của Israel không chỉ chứng tỏ quyết tâm giữ vững lập trường của Tel Aviv, mà còn thể hiện ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông ngày càng gia tăng. Dường như vụ Skripal đã trở thành 'phép thử' trong quan hệ Mỹ-Israel.

"Trong vòng hai năm qua, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đến thăm Nga 7 lần", ông Eskin nhấn mạnh. "Chính thực tế đã thuyết phục ông ấy rằng Nga không chỉ là cường quốc hùng mạnh, mà 'ông lớn' này còn luôn đáp ứng các thỏa thuận và làm tròn cam kết. Có thể nói việc hợp tác với Nga chắc chắn sẽ đem đến cho các quốc gia sự ổn định. Tuy nhiên, thật tiếc là các đồng minh phương Tây của Israel lại không học tập được điều đó từ Nga".

Để chứng minh nhận định trên, ông Eskin đã đề cập đến hoạt động chống khủng bố của Nga tại Syria, với kết quả là lực lượng ISIS đã bị tiêu diệt hoàn toàn, và các cuộc giao tranh trong khu vực cũng giảm đi đáng kể.

Do đó, những động thái thiện chí kể trên không phải do Israel "ngây thơ", mà đó là việc "thừa nhận vai trò quan trọng của Nga tại Trung Đông và trên toàn thế giới", nhà phân tích Eskin kết luận.

Theo Hồng Anh (Soha/Thời Đại)