Thế giới

Vũ khí bảo bối của Nga bị chê vô dụng

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mới đây đã chê rằng các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga được sử dụng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh “thường không phát nổ hoặc chỉ phát nổ trong 10% số lần sử dụng”.

Lời chê bai trên được ông Nikol Pashinyan đưa ra sau khi cựu Tổng thống Serzh Sargsyan nói rằng Armenia đáng ra nên sử dụng tên lửa chiến thuật Iskander trong những ngày đầu diễn ra cuộc xung đột.

Phản ứng trước lời nhận xét của Thủ tướng Armenia, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi không muốn bình luận về vụ việc. Các thiết bị của Nga liên tục thể hiện tính hiệu quả ở mọi nơi trên thế giới”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (25/2) cho biết, các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander không hề được sử dụng trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.

"Theo các nguồn tin đáng tin cậy và khách quan được cung cấp bởi hệ thống ghi chép và giám sát thông tin trực tiếp, không có hệ thống tên lửa nào loại này được sử dụng trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh," Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Toàn bộ hệ thống tên lửa Iskander được cất giữ trong các kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Armenia, Bộ Quốc phóng Nga cho hay.

Vũ khí bảo bối của Nga bị chê vô dụng

Như vậy, Thủ tướng Nikol Pashinyan đã nhầm lẫn về việc sử dụng tên lửa Iskander và đã đưa ra những thông tin không chính xác, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.

Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

Iskander là một trong những bảo bối vũ khí khí mà Nga lên kế hoạch triển khai nhằm đối phó với một NATO đang tiến ngày một sát đến biên giới nước này.

Theo Kiệt Linh (VnMedia.vn)




https://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202102/vu-khi-bao-boi-cua-nga-bi-che-vo-dung-52d3dcc/