Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Virus bí ẩn xuất hiện trở lại ở Trung Quốc khiến tôm chết hàng loạt

Ngư dân nuôi tôm ở Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện trở lại của virus bí ẩn gây tổn thất nghiêm trọng tại các nông trường thủy sản tại tỉnh Quảng Đông, khiến năng suất tôm giảm đáng kể và đẩy chục ngàn hộ dân vào thế khó.

Loại virus được biết đến với tên gọi Div1 được phát hiện vào năm 2014, tuy vậy đã xuất hiện trở lại vào mùa Xuân năm ngoái và tháng 02 năm nay, ảnh hưởng một phần tư diện tích nuôi trồng tôm, theo ngư dân địa phương.

Virus này không gây hại cho con người, nhưng khiến ngành nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Đông lo ngại về việc tôm chết hàng loạt giống như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi vốn đã khiến khoảng 60% số lợn ở Trung Quốc bị xóa sổ.

"Tốc độ lây nhiễm và gây chết ở tôm thật đáng sợ. Chỉ khoảng hai ba ngày sau khi chúng tôi phát hiện virus, cả đàn tôm trong ao đã chết hết," Wu Jinhong, ngư dân nuôi tôm ở thị trấn Đại Ngao, thành phố Giang Môn nói.

Theo ngư dân địa phương, dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh là tôm chuyển màu đỏ, vỏ mềm dần rồi chìm xuống đáy ao.

Virus bí ẩn xuất hiện trở lại ở Trung Quốc khiến tôm chết hàng loạt
Các nông trường nuôi tôm ở Quảng Đông bị ảnh hưởng bởi virus Div1 (Ảnh: Xinhua)

Các loài tôm, "dù lớn hay nhỏ, tôm thẻ chân trắng hay tôm càng xanh đều có thể nhiễm virus,"  Zhong Qiang, một ngư dân ở thành phố Châu Hải cho biết. "Một khi tôm trong ao đã nhiễm virus, chúng tôi hầu như chẳng làm gì được nữa, bởi nguy cơ những ao xung quanh cũng nhiễm bệnh chỉ trong vài ngày là rất cao".

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc lần đầu phát hiện virus trên tôn thẻ chân trắng ở tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014. Tuy vậy, virus không được công chúng chú ý, dù ngành nuôi trồng thủy sản lo ngại dịch bệnh có thể lây lan trên phạm vi cả nước.

Tới năm 2018, virus được phát hiện tại các nông trường nuôi trồng tôm ở 11 tỉnh thành tại Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Qiu Liang thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản Hoàng Hải.

Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất tại khu vực Châu Giang vào năm ngoái. Tại Đại Ngao, nơi gần 2.000 người làm việc tại các nông trường nuôi trồng tôm, hai phần ba số ao nuôi tôm ghi nhận sự xuất hiện của virus, và phải thoát nước ngay lập tức, Qiu cho biết.

Trong những tháng Hè và Thu, khi nhiệt độ tăng cao, dịch bệnh không đáng ngại như trước. Tuy vậy, dường như virus đã xuất hiện trở lại vào tháng 02 vừa qua. Các ngư dân cho rằng nhiệt độ 30 độ C trở lên khiến virus không thể lây lan nhanh.

"Đối với ngư dân nuôi tôm, virus này đáng sợ như cúm gia cầm với người chăn nuôi gia cầm và dịch tả lợn châu Phi với người nuôi heo," Dai Jinzhi, người vừa phát hiện 6 hecta hồ nuôi tôm nhiễm virus, cho biết.

Sau khi buộc phải thoát nước từ các hồ nuôi khoảng 3.700kg tôm, Dai chỉ thu được 200kg tôm sống. Anh ước tính thiệt hại lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD).

"Chúng tôi không làm được gì khác ngoài vớt tôm khỏi hồ và bán với giá rất rẻ, sau đó thoát nước và để không trong hai tháng. Một số ngư dân bị virus tấn công một lần nữa vì nuôi trồng trở lại quá sớm, tôi không dám làm vậy cho tới cuối tháng sau, khi thời tiết ấm lên," anh cho biết.

Giới chuyên gia trong ngành hiện vẫn chưa xác định được nguồn gốc virus và cơ chế lây nhiễm, theo SCMP.

Virus bí ẩn xuất hiện trở lại ở Trung Quốc khiến tôm chết hàng loạt - 1
Ngư dân cho rằng virus Div1 "rất đáng sợ" (Ảnh minh họa: Xinhua)

Do tới hiện tại vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa virus lây lan, ngày càng nhiều ngư dân nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và người thân, tới gần hồ nuôi của họ.

Hiện tượng lây nhiễm được cho là diễn ra "chủ yếu dưới nước và trong môi trường địa phương," tuy vậy Qiu cho rằng có khả năng con người đã mang virus tới các nông trường thủy sản. Dù thế, các nhà khoa học vẫn phải thừa nhận họ chưa biết nhiều về virus này.

"Chúng tôi biết rằng ngoài Trung Quốc, virus cũng đã xuất hiện ở Đông Nam Á," Huang Jie, tổng giám đốc Mạng lưới Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản nói, bổ sung thêm rằng dịch bệnh cần được chú ý hơn, do có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sản lượng tôm tại Trung Quốc.

"Nếu không có động thái từ ngành nuôi trồng thủy sản và các bộ ngành liên quan, dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng," Huang cho biết thêm.

Việc thống kê thiệt hại mà virus gây ra là không đơn giản, do không có dữ liệu chính thức hoặc dữ liệu từ bên thứ ba. Thông thường, một hồ nuôi tôm có thể đạt năng suất bốn vụ một năm, nghĩa là sản lượng tôm hàng năm của các hồ nuôi nhiễm bệnh có thể giảm ít nhất một phần tư.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)