Thế giới

Việt Nam sản xuất lưới ngụy trang chống radar

Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã sản xuất thành công lưới ngụy trang có thể chống trinh sát radar và hồng ngoại.

Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã sản xuất thành công lưới ngụy trang có thể chống trinh sát radar và hồng ngoại.

Trong những năm qua, Nhà máy Z176 đã tập trung mọi mặt cho nhiệm vụ nghiên cứu, chế thử và sản xuất thành công lưới ngụy trang sử dụng vật liệu mới là vật liệu nano, dẫn từ.

Nếu như trước đây, lưới ngụy trang chỉ có tính năng chống trinh sát quang học thì hiện nay, sản phẩm mới đang được Nhà máy Z176 sản xuất có thêm nhiều tính năng ưu việt, bảo đảm độ che phủ, chống trinh sát radar và hồng ngoại.

Sản phẩm đã được thử nghiệm trong diễn tập của các quân, binh chủng đạt kết quả tốt. Từ thành công đó, Nhà máy Z176 đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ sản xuất các sản phẩm ngụy trang ảnh nhiệt cho lực lượng đặc công, trinh sát đặc nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

Viet Nam san xuat luoi nguy trang chong radar 

Hệ thống S-300PMU1 được ngụy trang bằng lưới Việt Nam sản xuất.

Không chỉ sản xuất lưới ngụy trang công nghệ cao, hiện Việt Nam đang có kế hoạch biến bom thường thành bom thông minh. Trong bài viết hồi cuối năm 2016 nói về thành tựu Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân đã đạt được, Báo QĐND Online đã tiết lộ một số hướng nghiên cứu chế tạo sản phẩm vũ khí mới do Việt Nam sản xuất trong thời gian tới.

"Trong thời gian tới, chiến lược phát triển của viện tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mũi nhọn, thế mạnh, như: Tiếp tục thử nghiệm các loại radar mới (radar mạng pha 3D); phát triển máy bay không người lái phục vụ huấn luyện của quân chủng và các mục đích kinh tế, xã hội khác;

nghiên cứu chế tạo nhiên liệu tên lửa rắn; cải tiến bom thông thường thành bom thông minh; thiết kế, chế tạo tổ hợp tên lửa tầm gần sử dụng tên lửa hàng không P-13M...", báo QĐND cho biết.

Đây rõ ràng là tín hiệu vui với CNQP và Quân đội Việt Nam, đặc biệt trước khi đăng tải thông tin này, Việt Nam đã sản xuất thành công tên lửa phòng không TL-01 và tên lửa chống hạm KCT-15 với sự giúp đỡ của Nga.

Vậy là sau thời gian triển khai, Dự án "Chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp TL-01" (phiên bản Việt của tên lửa Igla do Nga sản xuất) đã gặt hái được những kết quả đáng kinh ngạc và thực sự là bước tiến vượt bậc trong việc từng bước tự chủ nguồn cung vũ khí hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo thông tin được công khai, hiện nay dây chuyền sản xuất lắp ráp tên lửa này đã đi vào sản xuất, bắt đầu cung cấp những sản phẩm hiện đại, góp phần từng bước thay đổi căn bản về chất cho lực lượng phòng không tầm thấp, chủ yếu thay thế cho các loại tên lửa A-72, A-87 đã hết niên hạn sử dụng.

Trước khi xuất hiện thông tin này, ngay từ đầu năm 2015, Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công một thành phần điện tử chính của tổ hợp tên lửa Igla kiểu 9P516. Để chế tạo thành công, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo được 6 bộ khối điện tử đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài; đã chuyển giao cho các nhà máy trong nước tổng lắp thành cơ cấu phóng.

Các tác giả cũng đã hoàn thành tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ chế tạo khối điện tử phù hợp với điều kiện tay nghề cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam. Trên cơ sở làm chủ công nghệ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa khối điện tử kiểu 9P516.

Kết quả, 2/4 bảng thuộc khối điện tử đã được nội địa hóa hoàn toàn (sản xuất từ vật tư, linh kiện trong nước), qua thử nghiệm tương thích và hoạt động tốt cùng các bảng nguyên mẫu trong cơ cấu phóng; 2 bảng còn lại đang được nghiên cứu theo hướng sử dụng linh kiện trong nước kết hợp với nước ngoài, bước đầu cho kết quả tốt.

Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516 có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp làm chủ công nghệ, chủ động nguồn linh kiện, vật tư; giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)