Thế giới

Video quảng cáo môi giới hôn nhân Hàn Quốc đánh giá cô dâu Việt Nam theo cơ thể, trinh tiết

Một video trên Youtube có tựa đề "Gặp oppa của tôi lần đầu" thu hút hơn 600.000 view, với nội dung là một người đàn ông Hàn Quốc được một phụ nữ Việt Nam chào đón tới TP Hồ Chí Minh.

"Oppa" trong tiếng Hàn Quốc nghĩa là anh trai, thường được phụ nữ sử dụng để gọi thân mật nam giới hơn tuổi.

Sau khi xem xét giấy tờ kết hôn, người đàn ông được giới thiệu tới cha mẹ của cô gái. Video dài 5 phút kết thúc bằng thông điệp "Cặp đôi này dự kiến tổ chức lễ cưới sau ba tháng, cô dâu sẽ nỗ lực học tiếng Hàn Quốc trước thời điểm đó".

Những video tương tự với tựa đề chẳng hạn như "Hẹn hò với cô gái Philippines nóng bỏng" hay "Cô gái Việt Nam 20 tuổi gặp người đàn ông Hàn Quốc 47 tuổi" xuất hiện trên Youtube sau khi gõ từ khóa "hôn nhân quốc tế vlog" bằng tiếng Hàn.

Video quảng cáo môi giới hôn nhân Hàn Quốc đánh giá cô dâu Việt Nam theo cơ thể, trinh tiết
Các video quảng cáo môi giới hôn nhân trên Youtube (Ảnh: Korea Times/Chụp màn hình)

Tuy vậy, đây không phải là những vlog thể hiện cuộc sống hàng ngày của các Youtuber. Thay vào đó, đây là video được môi giới hôn nhân địa phương đăng tải để quảng bá cho công việc làm ăn của họ. Người xem video được khuyến khích liên lạc với họ để biết thêm chi tiết về các cô dâu nước ngoài.

Những video quảng cáo này nhắm đối tượng tới đàn ông Hàn Quốc tìm kiếm cô dâu ở các nước Đông Nam Á, theo Korean Times. Các nhóm dân sự cho rằng nội dung video thường mang tính chất phân biệt đối xử và khinh miệt phụ nữ.

"Từ khi Bộ Bình đẳng giới và Gia đình triển khai công tác điều tra hàng năm để thẩm định quảng cáo môi giới hôn nhân mang tính chất phân biệt đối xử vào năm 2018, những quảng cáo này đã phát triển thành video kể chuyện dạng vlog để lác luật. Khó biết được đây là những video quảng cáo nếu chỉ xem qua," Shin Min-jae, quan chức Trung tâm Nhân Quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc nói.

Hồi đầu tháng, trung tâm này công bố báo cáo kiểm tra 622 video quảng cáo trên Youtube và 100 video khác trên các website.

Nhiều video tiết lộ thông tin cá nhân của các cô dâu và cho thấy mặt của họ, trong khi mặt chú rể bị che mờ và không có thông tin gì về họ. Một số video có nội dung khinh miệt phụ nữ, đánh giá họ dựa trên số đo cơ thể, trinh tiết, độ tuổi và học thức.

Trung tâm đã chiếu các video cho 12 phụ nữ nhập cư hôn nhân từ Việt Nam, Campuchia, Lào và hỏi ý kiến họ. Họ cho rằng những video này hết sức đáng lo ngại.

"Đây giống như buôn người vậy, họ đang cố gắng bán cô gái," một bình luận cho biết. "Tôi lo ngại về việc thông tin cá nhân bị phát tán trên mạng khi họ chưa đồng ý", một người khác nói.

"Họ đang cố lừa mọi người kết hôn, họ chỉ cho thấy mặt tốt của hôn nhân với người nước ngoài," một ý kiến khác cho biết.

Ngoài việc vi phạm nhân quyền, những video kể trên có thể cũng vi phạm luật về các cơ quan môi giới hôn nhân, theo luật sư Baek So-yoon.

"Theo pháp luật hiện hành, tất cả các quảng cáo môi giới hôn nhân phải bao gồm số đăng ký của công ty đó để đảm bảo ngăn chặn các cơ quan môi giới trái phép hoạt động. Nhiều video không có số đăng ký đó," Baek cho biết.

"Chính phủ Hàn Quốc cần phải phối hợp với các nhóm dâm sự để xem xét, điều tra kỹ lưỡng, phản ứng kịp thời với đơn khiếu nại của người nhập cư hôn nhân," luật sư Baek nói thêm.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)