Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Vì sao Singapore 'vỡ trận' với Covid-19?

Singapore từng được coi là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, đất nước có dân số 5,6 triệu dân này đã trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất ở Đông Nam Á.

Hôm 20/04, giới Singapore thông báo ghi nhận thêm hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19 chỉ trong 24 giờ, cao chưa từng thấy. Một ngày sau, số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ tại nước này là 1.111. Chỉ khoảng một tuần, số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore đã tăng chóng mặt lên hơn 9.000.

Theo TIME, các chuyên gia cho rằng việc số ca nhiễm liên tục tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn là do giới chức địa phương đã không đánh giá đúng nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng lao động nước ngoài, những người phải sống chen chúc trong các khu nhà trọ có khi lên tới 20 người mỗi phòng.

Số liệu ngày 20/02 cho thấy chỉ có 16 ca nhiễm là người Singapore hoặc người nước ngoài thường trú tại đây. Khoảng ba phần tư số ca nhiễm tại Singapore liên quan tới các khu trọ của người lao động, theo số liệu chính thức.

Vì sao Singapore 'vỡ trận' với Covid-19?
Lao động nước ngoài ở một khu trọ tại Singapore (Ảnh: AFP/Getty)

Trong những tháng đầu Covid-19, Singapore được đánh giá cao trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của chính phủ nước này, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp xét nghiệm mở rộng và rà soát tiếp xúc.

Singapore cũng đã khốn chế được làn sóng thứ hai của Covid-19, tạo ra bởi các công dân nước này trở về từ Mỹ và châu Âu. Nhà chức trách chỉ mới ghi nhận một trường hợp nhiễm bệnh kể từ 09/04. Tuy vậy, việc dịch bệnh bùng phát tại các khu trọ của lao động nước ngoài khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Khoảng 200.000 dân lao động nước ngoài sống tại 43 khu trọ ở Singapore, theo số liệu của Bộ Nhân lực nước này. Hầu hết tới từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ và Bangladesh, được thuê làm công nhân xây dựng, đóng thuyền hay lao công.

Theo tổ chức phi lợi nhuận TWC2, khoảng 12-20 lao động nước ngoài ở chung một phòng tại các khu trọ, dùng chung nhà tắm, bếp ăn.

"Các khu trọ và việc quản lý lao động nước ngoài được coi là điểm mù," giáo sư Jeremy Lim, giám đốc y tế toàn cầu tại Trường Y tế Công Cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói.

"Về cấu trúc, những khu trọ này không thể đảm bảo giãn cách xã hội cần thiết," Lim nhấn mạnh.

Trong tuần trước, giới chức Singapore đã di chuyển các lao động ra khỏi những khu trọ, đưa họ tới những khu nhà ở xã hội còn bỏ trống, doanh trại quân đội hay những nơi khác.

Tuy số ca nhiễm tiếp tục tăng, số trường hợp lây nhiễm cộng đồng người Singapore đã có chiều hướng giảm, cho thấy những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt bao gồm đóng cửa trường học, bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đã có tác dụng.

Tuy vậy, giáo sư Lim vẫn cảnh báo những thành công ban đầu có thể sẽ bốc hơi trong phút chốc nếu dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại cộng đồng lao động nhập cư.

"Chúng ta đang ở một điểm giao rất quan trọng. Nếu không khống chế được các đợt bùng phát ở những khu trọ hay ở nhóm người lao động nhập cư, dịch bệnh sẽ lây lan sang cộng đồng, bởi Singapore rất nhỏ và chật hẹp".

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)