Thế giới

Vì sao Mỹ chuyển sang viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine?

Lần đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ vừa thông báo sẽ cung cấp cho Kiev các loại vũ khí có hỏa lực cao mà trước đây Washington lưỡng lự vì sợ xung đột leo thang.

Vì sao Mỹ chuyển sang viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine?
Trực thăng M17 (Ảnh: Gina Great)

Danh sách gói viện trợ trị giá 800 triệu USD lần này không phải chỉ xuất phát từ yêu cầu của phía Ukraine, mà còn để chuẩn bị cho một kiểu chiến tranh mới ở khu vực đồng bằng vùng đông nam Ukraine, nơi nằm cách biên giới Nga không xa. Phương Tây đánh giá Nga có những lợi thế tự nhiên ở khu vực này.

Gói viện trợ mới là dấu hiệu rõ nhất cho thấy tình hình xung đột ở Ukraine đang thay đổi, khi quân Nga đang bố trí lại lực lượng và sắp xếp đội hậu cần.

Chính quyền Biden thông báo gói viện trợ mới gồm 11 trực thăng Mi-17 trước đây định dành cho Afghanistan, 18 khẩu pháo Howitzer 155mm và 300 máy bay không người lái Switchblade và các hệ thống radar.

Gói viện trợ lần này khác các đợt trước đây vì bao gồm nhiều loại vũ khí hạng nặng và phức tạp hơn. Một quan chức Mỹ cho biết nguyên nhân là do Nga thay đổi chiến lược để tập trung vào miền đông Ukraine, vì thế Washington cũng chuyển chiến lược viện trợ cho Kiev.

Gói hỗ trợ mới được thông báo vài ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley có cuộc điện đàm dài hơn 2 giờ đồng hồ với người đồng cấp Ukraine để lắng nghe nguyện vọng của Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng hai lần điện đàm với người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov trong tuần trước. Trong cuộc trao đổi, ông Reznikov cập nhật cho ông Austin về tình hình thực địa, để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác định xem Ukraine đang cần những vũ khí gì nhất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo gói viện trợ mới trong cuộc điện đàm dài 58 phút với ông Zelensky trong ngày 13/4. Tổng thống Ukraine thẳng thắn đề nghị ông Biden cung cấp trực thăng Mi-17. CNN dẫn một nguồn tin cho biết những máy bay này ban đầu không có trong gói hỗ trợ, nhưng được bổ sung sau cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo.

Cách nói thay đổi

Gói vũ khí mới sẽ giúp Ukraine đối phó với Nga trên chiến trường trọng điểm mới ở vùng Donbas, một khu vực đồng bằng địa hình bằng phẳng chứ không phải vùng đô thị hay nhiều rừng núi như ở thủ đô Kiev và các thành phố khác. Bên cạnh đó, vùng Donbas giáp với Nga, cho phép quân Nga dễ dàng xử lý những vấn đề về bảo dưỡng, hậu cần và trao đổi liên lạc.

Ngày 13/4, Thư ký báo chí Lầu Năm góc John Kirby nói rằng gói hỗ trợ mới được chuẩn bị phù hợp với Donbas, khu vực mà ông gọi là “tương đương bang Kansas”.

“Nơi đó phẳng hơn, mở hơn. Ở đó, chúng tôi dự đoán quân Nga sẽ dùng xe tăng và các loại vũ khí tầm xa, pháo và rocket để đạt được một số mục tiêu trước khi huy động quân đội trên mặt đất”, ông Kirby nói.

Ông cho biết gói hỗ trợ mới sẽ giúp Ukraine “giành được mọi lợi thế có thể trong cuộc chiến sắp tới”.

Chính quyền Biden đang gặp sức ép từ cả hai đảng về việc phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine, nhất là phải gửi những loại vũ khí mạnh hơn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ lưỡng lự với điều này trong nhiều tuần, vì lo ngại Nga đáp trả. Giới chức Mỹ lo rằng điện Kremlin có thể coi đây là cách Mỹ can dự vào cuộc chiến.

Nỗi lo này thể hiện rõ nhất khi Ukraine đề nghị Mỹ và các nước láng giềng cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29. Washington từ chối cho chuyển giao loại máy bay thời Liên Xô từ một nước thứ ba cho Ukraine qua Mỹ, dù Ba Lan sẵn sàng.

Nhưng đến nay, cách nói của chính quyền Biden có vẻ đã thay đổi cùng với cục diện chiến trường. Khi Mỹ chuẩn bị gửi những loại vũ khí chưa từng viện trợ cho Ukraine, Lầu Năm góc khẳng định đây là một phần cam kết của Mỹ “ngay từ đầu” rằng sẽ giúp Ukraine tự bảo vệ mình.

“Người Nga diễn giải điều này như thế nào, bạn có thể hỏi ông Putin và điện Kremlin”, ông Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 13/4.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/vi-sao-my-chuyen-sang-vien-tro-vu-khi-hang-nang-cho-ukraine-post1430808.tpo